Từ những năm 1960 đến nay (TQA), lĩnh vực đánh giá dịch thuật đã luôn thu
hút các học giả trong nước và quốc tế (House, 2015; Munday, 2000). Xuất phát từ
tầm quan trọng của đánh giá bản dịch trong dịch thuật, nhiều học giả đã đề xuất các
mô hình đánh giá từ các hướng tiếp cận khác nhau, từ tiền ngôn ngữ, đánh giá bản
dịch dựa trên phản hồi của độc giả đến đánh giá bản dịch dựa trên phân tích văn
bản và diễn ngôn. Trong đó, mô hình của House (2015), thuộc hướng tiếp cận đánh
giá bản dịch dựa trên phân tích văn bản và diễn ngôn, đã được áp dụng để đánh giá
bản dịch ở nhiều cặp ngôn ngữ khác nhau, bao gồm cả Việt-Anh và Anh-Việt
(Sheida et al, 2020; Jalal & Maryam, 2018; Sonia & Razieh, 2018; Hằng, 2019;
Nhung, 2019), nhờ tính phổ biến và độ tin cậy trong khả năng đánh giá đa dạng các
loại văn bản của mô hình này.
Trong lĩnh vực dịch thuật, việc dịch các tác phẩm ở thể loại văn học thường được
coi là một trong những thể loại thử thách nhất trong nghệ thuật dịch thuật (Munday,
2000; House, 1977; Nida, 1964). Mặc dù dịch thuật văn học là làm việc với một thể
loại văn bản riêng, nhưng việc phân biệt văn bản văn học với các thể loại văn bản
khác đặt ra một thách thức khá lớn cho các dịch giả (Hermans, 2007). Đặc biệt, khi
văn bản gốc không tuân theo những qui tắc văn phạm thông thường thì việc đảm
bảo chất lượng bản dịch còn là một thử thách lớn hơn với người dịch. Trong tiểu
thuyết “Flower for Algernon” của Daniel Keyes, người đọc sẽ bắt gặp những câu
văn chứa nhiều từ mắc lỗi chính tả, dấu câu, ngữ pháp như “Dr Strauss says I shoud
rite down what I think and remembir and evrey thing that happins to me from now
on” (Daniel, 1966, tr.1 ). Những phần chứa đầy lỗi chính tả, dấu câu, ngữ pháp trong
câu chuyện này cần được dịch tương đương để giữ nguyên tính độc đáo, chân thực
của văn bản gốc khi miêu tả hoàn cảnh và cuộc sống của nhân vật thiểu năng trong
giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ. Tuy nhiên, do số lượng của những văn bản như vậy
là không nhiều, nên chất lượng bản dịch của những văn bản này dường như cũng
chưa nhận được nhiều sự quan tâm của các học giả và dịch giả. Những văn bản như
vậy đòi hỏi dịch giả không chỉ thành thạo về ngôn ngữ mà còn phải có kiến thức về
hai nền văn hóa, cũng như các triệu chứng của người có khả năng ngôn ngữ kém
phát triển để tạo ra văn bản dịch thuật có giá trị cao. Chính vì vậy, việc đánh giá
dịch thuật đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chỉnh sửa và nâng cao chất lượng
tác phẩm dịch thuật góp phần chuyển tải đúng thông điệp của tác giả. Trong nghiên
cứu này, người viết muốn tập trung vào việc đánh giá bản dịch tác phẩm văn học
nổi tiếng: “Hoa trên mộ Algernon” của dịch giả Lê Khánh Toàn theo mô hình chức
năng – dụng học của House (2015). Nghiên cứu này sẽ cung cấp cho các dịch giả,
nhà ngôn ngữ học, các nhà giáo dục, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này có một cái
nhìn sâu sắc hơn về những đặc thù của việc dịch và đánh giá văn bản có lỗi chính
tả, dấu câu, ngữ pháp sang tiếng Việt.