Theo định nghĩa của Tổ chức Đánh giá và Giảng dạy Các Kỹ năng của Thế kỷ 21
(Assessment and Teaching of 21st Century Skills) tại Đại học Melbourne, Úc, kỹ năng hợp tác làm việc theo nhóm thuộc nhóm kỹ năng làm việc – một trong bốn nhóm kỹ năng mềm cần thiết của thế kỷ XXI. Vì vậy, việc phát triển kỹ năng này từ trong trường học đã trở thành một xu thế của giáo dục ở các nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Với triết lý phát triển “Creating opportunities together” (Cùng nhau kiến tạo cơ hội), trường ĐHNN – ĐHQGHN luôn chú trọng triển khai các hoạt động nhóm trong chương trình học và hoạt động ngoại khóa, từ đó tạo cơ hội cho sinh viên rèn luyện và phát huy tối đa kỹ năng quan trọng này.
Hiện nay, sự phổ biến của Internet và các thiết bị điện tử đã tạo ra những cách thức làm việc nhóm mới, phát huy tác dụng trong giai đoạn sinh viên học trực tuyến để phòng chống đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, sinh viên năm thứ nhất thường bỡ ngỡ, chưa làm chủ được kỹ năng này do thiếu kiến thức bài bản và chưa thích nghi với môi trường Đại học. Đặc biệt, sinh viên khóa QH2020, trường ĐHNN – ĐHQGHN còn gặp nhiều khó khăn khi là thế hệ đầu tiên trải qua kì thi TNTHPTQG trong mùa dịch, và chưa có sự chuẩn bị cho việc thay đổi hoạt động nhóm sang hình thức trực tuyến. Vì vậy, cần phải nghiên cứu thực trạng của vấn đề này, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả làm việc nhóm của sinh viên, đáp ứng yêu cầu của môn học và sự thay đổi của
xã hội.
Ý nghĩa khoa học:
- Ý nghĩa đến đối tượng nghiên cứu: từ việc nghiên cứu thực trạng của hoạt động học tập cộng tác trực tuyến của sinh viên khóa QH2020 khoa SPTA – khóa phải trải qua 2 đợt học online do COVID-19 từ khi bắt đầu bước chân đến môi trường đại học, sinh viên có thể biết đến một số giải pháp mà nhóm nghiên cứu đề xuất từ đó có thể cải thiện hiệu quả của hoạt động này trong tương lai. Trên cơ sở đó, giảng viên và các thầy cô cũng có thể thấu hiểu những khó khăn và tìm ra những phương pháp khả thi để hỗ trợ, khuyến khích sinh viên thích nghi với cách thức làm việc mới.
- Ý nghĩa cho những nhóm nghiên cứu quan tâm đến chủ đề tương tự: Với khả năng ảnh hưởng lâu dài tới hoạt động học tập cộng tác của sinh viên do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cùng với xu thế làm việc trực tuyến của thời đại, đề tài có thể được sử dụng như tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu về sau.
- Ý nghĩa cho nhóm nghiên cứu: Những nội dung nghiên cứu chính là những điều các thành viên trong nhóm đang có cơ hội cùng trải nghiệm. Xuất phát từ vấn đề của bản thân, nhóm có thể tiếp cận, tìm hiểu, phân tích mẫu nghiên cứu với các điểm tương đồng theo cách phù hợp, hiệu quả. Sau khi hoàn thành đề tài, chính nhóm nghiên cứu sẽ hiểu rõ thực trạng, rút kinh nghiệm để phát triển kỹ năng làm việc nhóm trong thời đại 4.0.