Cuộc vận động phụ nữ của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-1945) và phong trào phụ nữ xã hội chủ nghĩa bán đảo Triều Tiên (1924-1940): Những nét tương đồng và khác biệt

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

1. Nhu cầu thực tiễn 

Cùng nằm trong vùng văn hóa chữ Hán, Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng trong lịch sử và văn hóa. Cả hai nước đều chịu ảnh hưởng của Nho giáo trong một thời gian rất dài, do đó người phụ nữ bị đối xử bất công và bị hạn chế nhiều quyền lợi. Đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Hàn Quốc và Việt Nam cùng chịu sự xâm lược của các đế quốc rồi trở thành thuộc địa. Cũng trong bối cảnh phải chịu sự áp bức, bóc lột, khi những luồng tư tưởng văn minh phương Tây du nhập vào các nước phương Đông là lúc chủ nghĩa nữ quyền xuất hiện tại đây, những câu hỏi liên quan đến “vấn đề phụ nữ” bắt đầu được đặt ra, khẳng định vị thế của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, đồng thời yêu cầu phải tìm ra phương hướng giải phóng họ khỏi tàn dư của lễ giáo phong kiến khắc nghiệt và gánh nặng từ chủ nghĩa tư bản đang kiềm tỏa họ. Từ thực tế đó, phong trào phụ nữ ở hai nước đã được ra đời. 

Cuộc vận động phụ nữ của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-1945) và phong trào phụ nữ xã hội chủ nghĩa trên bán đảo Triều Tiên (1924-1940) đều là những phong trào quan trọng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và đòi quyền lợi cho phụ nữ tại hai nước. Đều diễn ra trong bối cảnh thuộc địa, hai phong trào không chỉ hướng đến mục tiêu giải phóng phụ nữ, cải thiện vị thế của phụ nữ, nâng cao nhận thức về quyền lợi của họ trong xã hội mà còn có đóng góp quan trọng trong tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc. 

Nghiên cứu này được tiến hành để làm rõ những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai phong trào, từ đó giúp hiểu sâu hơn về cách thức mà các phong trào phụ nữ đã đóng góp vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tại Việt Nam và bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, việc so sánh này còn giúp làm rõ ảnh hưởng của bối cảnh lịch sử, văn hóa, và chính trị lên sự phát triển và thành tựu của các phong trào phụ nữ tại hai quốc gia. Qua đó, nhóm tôi hi vọng nghiên cứu này có thể đóng góp một phần giá trị vào lĩnh vực nghiên cứu về giới và lĩnh vực nghiên cứu Hàn Quốc học tại Việt Nam. 

62. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan 

Vấn đề phụ nữ và giới đang ngày càng được nhận nhiều sự chú ý và khai thác một cách toàn diện, sâu sắc. Rất nhiều công trình nghiên cứu công phu và giá trị về vấn đề phụ nữ, đặc biệt là về phong trào phụ nữ tại Việt Nam và Hàn Quốc được thể hiện dưới các góc độ khác nhau và ngày càng được hoàn thiện, phát triển.

2.1. Tài liệu nghiên cứu bằng tiếng Việt 

Sau năm 1954, nhận thức rõ tầm quan trọng của phụ nữ xuyên suốt chiều dài lịch sử cũng như ghi nhận và tri ân sự đóng góp to lớn của họ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, nhiều vị lãnh đạo của Đảng và các nhà nghiên cứu nổi tiếng đã viết về chủ đề phụ nữ, đặc biệt là công cuộc giải phóng phụ nữ tại nước ta. Ngay từ những năm 70-80 của thế kỷ XX, các tác phẩm “Truyền thống phụ nữ Việt Nam” của GS. Trần Quốc Vượng (1972), tác phẩm “Phụ nữ Việt Nam qua các thời đại” của GS. Lê Thị Nhâm Tuyết (1973) và bộ tác phẩm “Lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam” (1981) do Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thập chủ biên đã khái quát toàn diện về vai trò và ảnh hưởng của người phụ nữ Việt từ thời kỳ nguyên thủy cho đến phong trào cách mạng hiện đại tại khắp các vùng địa phương trên cả nước, đồng thời nêu rõ những thành tích vẻ vang của họ. Đây là những tác phẩm đầu tiên viết về phụ nữ một cách tổng quát, đặt nền móng vững chắc cho lĩnh vực nghiên cứu về phụ nữ và giới tại Việt Nam giai đoạn sau. 

Luận án “Vấn đề phụ nữ trên báo chí tiếng Việt trước năm 1945” của TS. Đặng Thị Vân Chi (2007) đã tập trung phân tích về vấn đề phụ nữ được phản ánh và thảo luận trên báo chí tiếng Việt trước năm 1945-một cách tiếp cận hết sức mới mẻ và độc đáo. Luận án xem xét sự phát triển trong nhận thức của người dân đương thời về vấn đề phụ nữ qua các khía cạnh như địa vị xã hội, vai trò gia đình, giáo dục, hôn nhân, lao động và quyền tham chính của phụ nữ, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của báo chí trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ và thay đổi nhận thức xã hội về họ và cung cấp một nguồn tư liệu quý giá cho các nghiên cứu tiếp theo về lịch sử phụ nữ và báo chí Việt Nam. 

Luận văn “Đảng với cuộc vận động phụ nữ (1930-1945)” của thạc sĩ Lê Thị Hà (2019) tập trung nghiên cứu, phân tích về quan điểm, chủ trương, đường lối vận động phụ nữ tham gia cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và các phong trào phụ nữ trong giai đoạn từ năm 1930 – thời điểm mới thành lập đến khi giành độc lập năm 1945, qua đó khẳng định vai trò của Đảng đối với công tác phụ nữ và tổng kết kinh nghiệm sự lãnh đạo đó trong bối cảnh chung gắn liền với cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. 

2.2. Tài liệu nghiên cứu bằng tiếng Hàn 

Bài viết “1920-30년대 한국의 신여성과 사회주의” (Tư tưởng xã hội chủ nghĩa và phụ nữ mới tại Hàn Quốc những năm 1920-1930) của GS. Kim Kyeong-il trên tạp chí Văn hóa Hàn Quốc (2005) đã nghiên cứu mối liên hệ giữa phong trào phụ nữ mới và chủ nghĩa xã hội ở bán đảo Triều Tiên trong giai đoạn 1920 – 1930. Tác giả chứng minh những hệ tư tưởng ngoại lai như chủ nghĩa cấp tiến, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản…đã góp phần hình thành nên hình tượng người phụ nữ mới. Những người phụ nữ mới theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa là những người giớithiệu chủ nghĩa Mác – Lênin và áp dụng linh hoạt vào bối cảnh đất nước lúc bấy giờ, đồng thời cũng là những người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong công cuộc hiện đại hóa. 

Luận văn “근대 여성의 등장과 의식의 추이” (Sự chuyển biến trong nhận thức và sự xuất hiện của người phụ nữ cận đại) của thạc sĩ Baek Hye Kyeong (2008) đã chỉ ra rằng với sự du nhập của những tư tưởng tiến bộ cùng với cơ hội được tiếp cận với giáo dục từ khi đất nước mở cửa năm 1876, nhận thức của phụ nữ Joseon, vốn bị kìm kẹp trong khuôn khổ Nho giáo, ngày càng có những sự thay đổi tích cực. Họ dần dần nhận thức được về bản thân cũng như vai trò của mình. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vẫn tồn tại những rào cản cản trở sự bình đẳng của phụ nữ Joseon khi hình mẫu phụ nữ xã hội lúc bấy giờ kỳ vọng vẫn là một người “mẹ hiền, vợ tốt”. 

Bài viết “일제 식민지 시기 사회주의 여성단체의 정치사회화에 대한 내용 분석(Phân tích nội dung về chính trị xã hội hóa của các tổ chức phụ nữ xã hội chủ nghĩa thời kỳ Nhật thuộc) trong “Tuyển tập luận văn về lịch sử chính trị và ngoại giao Hàn Quốc” của GS. Park Jung-eun (2016) đã phân tích phong trào phụ nữ xã hội chủ nghĩa ở bán đảo Triều Tiên thuộc Nhật tập trung vào việc giải phóng phụ nữ thông qua cải cách xã hội và kinh tế. Các nhà nữ quyền xã hội chủ nghĩa xem phong trào giải phóng phụ nữ là một phần của phong trào giải phóng giai cấp vô sản. Họ xây dựng các tổ chức liên kết quốc gia và địa phương, thực hiện giáo dục chính trị và sử dụng các phương tiện truyền thông để nâng cao nhận thức. Những người phụ nữ xã hội chủ nghĩa tham gia vào các phong trào chính trị như đình công, sau đó chuyển thành đấu tranh bất hợp pháp, và nhấn mạnh vai trò của các nhà nữ quyền xã hội chủ nghĩa trong việc xây dựng nền tảng vững chắc cho phong trào phụ nữ ở Hàn Quốc. 

Bài viết “근우회 여성운동가들의 교육계몽론” (Lý luận giáo dục khai sáng của các nhà hoạt động nữ Hội Geunwoohoe) của GS. Kim Jung-in trên tạp chí Giáo dục Hàn Quốc (2019) tập trung vào các hoạt động giáo dục và khai sáng của Geunwoohoe, làm nổi bật vai trò của tổ chức này trong việc nâng cao nhận thức và trao quyền cho phụ nữ Triều Tiên thông qua các chương trình giáo dục đa dạng như tổ chức các lớp học và hội thảo về nhiều chủ đề, phát hành sách báo và tạp chí, vận động xóa mù chữ và thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái. Các hoạt động này đã giúp phụ nữ Triều Tiên nhận thức rõ hơn về quyền lợi và vị thế của mình trong xã hội, có được kiến thức và kỹ năng để tham gia vào các hoạt động xã hội và đấu tranh cho quyền lợi của mình. Qua đó, Geunwoohoe đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của phong trào phụ nữ ở Triều Tiên, tạo tiền đề cho các hoạt động đấu tranh vì quyền bình đẳng giới sau này.

Luận án “1930년대 중반 여성 사회주의자의 조선공산당 재건운동 참여와 역할” (Vai trò và sự tham gia của các nhà hoạt động nữ xã hội chủ nghĩa trong phong trào tái thiết Đảng Cộng sản Triều Tiên vào giữa những năm 1930) của TS. Oh Eun-ah tập trung vào sự tham gia và đóng góp của những người phụ nữ theo chủ nghĩa xã hội vào phong trào tái thiết Đảng Cộng sản Triều Tiên giữa những năm 1930, làm nổi bật vai trò quan trọng của họ trong việc duy trì và tái thiết các hoạt động của Đảng, đặc biệt trong bối cảnh bị đàn áp mạnh mẽ. Nghiên cứu chỉ ra sự chuyển biến trong nhận thức và vai trò của phụ nữ, từ những người “quản gia” truyền thống trở thành những người tham gia tích cực vào các hoạt động bí mật và nguy hiểm, bao gồm cung cấp nơi ẩn náu, truyền tải thông tin, quyên góp tài chính và tham gia vào các cuộc biểu tình và đình công. Luận án cũng đề cập đến những thách thức và khó khăn mà phụ nữ phải đối mặt, như sự phân biệt đối xử về giới, áp lực từ gia đình và xã hội, và nguy cơ bị bắt giữ và tra tấn. Tuy nhiên, sự tham gia của họ đã chứng minh sự dũng cảm, kiên cường và cống hiến của phụ nữ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, khẳng định vai trò quan trọng của họ trong phong trào tái thiết Đảng Cộng sản Triều Tiên vào giữa những năm 1930. 

2.3. Tài liệu nghiên cứu bằng tiếng Anh 

Bài viết “The 1920s women’s rights debates in Vietnam” (Cuộc thảo luận về nữ quyền Việt Nam thập niên 1920) của tác giả David Marr trên tạp chí Châu Á học (1976) đã xem xét bối cảnh Việt Nam giai đoạn 1920-1945 “dần xuất hiện thay đổi cơ bản về chính trị và ý thức xã hội trong bộ phận dân chúng”, trong đó nổi lên “vấn đề phụ nữ”. Ông chú ý đến các cuộc tranh luận về quyền phụ nữ ở Việt Nam, tập trung vào hai xu hướng chính: những người theo chủ nghĩa truyền thống ủng hộ việc duy trì các giá trị gia đình và vai trò truyền thống của phụ nữ, và những người theo chủ nghĩa cấp tiến kêu gọi thay đổi xã hội và trao quyền cho phụ nữ. Bài viết chỉ ra rằng các cuộc tranh luận này phần lớn diễn ra trong giới trí thức và tầng lớp thượng lưu, và các phong trào quần chúng vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, tác giả lập luận rằng những cuộc tranh luận này đã đặt nền móng cho sự phát triển của phong trào nữ quyền ở Việt Nam sau này. 

Bài viết “Women’s Life during the Chosŏn Dynasty” (Cuộc sống của phụ nữ dưới triều đại Joseon) của GS. Han Hee-sook trên tạp chí quốc tế Lịch sử Hàn Quốc (2004) đã phân tích một cách toàn diện cuộc sống của phụ nữ Joseon dưới ảnh hưởng của Nho giáo ở các khía cạnh như vấn đề hôn nhân, quyền thừa kế, những quy định trong đời sống hàng ngày. 

Bài viết “Transformation of a female gender identity in South Korea” (Sự biến đổi bản sắc nữ giới tại Hàn Quốc) của tác giả Nataliia Andreevna Bunaeva trên tạp chí SHS Web of Conferences (2022) đã chỉ ra sự thay sự biến đổi về nhận thức và vai trò của phụ nữ Hàn Quốc xuyên suốt chiều dài lịch sử, từ thời kỳ Tam Quốc cho đến hiện nay. Trong xã hội truyền thống, phụ nữ Hàn Quốc bị ràng buộc bởi các chuẩn mực Nho giáo, tuynhiên, quá trình hiện đại hóa và ảnh hưởng của các phong trào xã hội đã thúc đẩy sự thay đổi về nhận thức và vai trò của phụ nữ. Sự xuất hiện của “phụ nữ mới” trong thời kỳ thuộc địa đã thách thức các quan niệm truyền thống về giới, nhưng họ cũng phải đối mặt với sự kỳ thị và khó khăn trong việc hòa nhập vào xã hội. Bài viết cũng xem xét vai trò của chính sách nhà nước trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, kết luận rằng mối quan hệ giới là một chỉ số quan trọng về mức độ văn minh của xã hội và việc nghiên cứu sự hình thành và biến đổi của bản sắc giới tính nữ ở Hàn Quốc. 

Có thể nói, rất nhiều nghiên cứu liên quan đã cung cấp góc nhìn đa dạng về vai trò và địa vị phụ nữ trong lịch sử, bối cảnh xuất hiện “vấn đề phụ nữ” cũng như phong trào phụ nữ ở hai nước. Tuy nhiên, chưa có công trình nghiên cứu nào liên kết và so sánh, chỉ rõ sự tương đồng và khác biệt giữa phong trào phụ nữ theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và Hàn Quốc. 

3. Ý nghĩa khoa học 

Nghiên cứu phân tích chi tiết về nguyên nhân nảy sinh “vấn đề phụ nữ” và phong trào giải phóng phụ nữ đặt trong bối cảnh phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở hai nước Việt Nam và Hàn Quốc. Bằng cách so sánh phong trào phụ nữ xã hội chủ nghĩa ở bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1924-1940 và cuộc vận động phụ nữ của Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1930-1945, nghiên cứu làm nổi bật những đặc điểm chung, riêng của hai phong trào, đồng thời cung cấp thêm một góc nhìn mới mẻ trong lĩnh vực nghiên cứu giới và phong trào lịch sử cách mạng của hai dân tộc.