Rối loạn giấc ngủ ngày nay đã không còn là vấn đề mới nhưng lại tác động mạnh mẽ lên chất lượng cuộc sống của con người hiện đại. Theo thống kê quốc gia ở Mỹ: 70 triệu người Mỹ có vấn đề về giấc ngủ mãn tính (CDC, 2017). Theo Khảo sát về giấc ngủ toàn cầu của Philips năm 2019, 44% người trưởng thành trên khắp thế giới nói rằng chất lượng giấc ngủ của họ đã trở nên tồi tệ hơn trong 5 năm qua.
Tại Việt Nam, các con số thống kê gần đây cũng cho thấy ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên và những người trẻ tuổi bị rối loạn giấc ngủ. Khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Wakefield Research ghi nhận khoảng 37% người trẻ Việt bị mất ngủ, 73% bị căng thẳng do rối loạn giấc ngủ. Số liệu cũng cho thấy, có tới 79% người tham gia không có thời gian nghỉ ngơi mỗi ngày.
Tuổi trẻ là giai đoạn dồi dào nhất về sức khỏe, lẽ ra điều đó phải trở thành lợi thế vượt trội hơn so với bất kỳ độ tuổi nào khác. Điều đáng tiếc là, do chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của giấc ngủ, sức khỏe của thanh niên ngày nay bị hủy hoại nghiêm trọng, dẫn đến suy giảm thành tích học tập và năng suất lao động, gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế. Rối loạn giấc ngủ hay mất ngủ tác động đột ngột và tiêu cực lên giới trẻ hiện nay.
Hà Nội cũng là nơi tập trung đông đảo lực lượng lao động và thanh thiếu niên trên cả nước. Vì vậy, việc tìm hiểu và nghiên cứu từ đó đề ra các giải pháp nhằm cải thiện tình trạng chất lượng giấc ngủ của giới trẻ Hà Nội nói chung và sinh viên ngôn ngữ tại Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN nói riêng là cần thiết và quan trọng đối với nhà giáo dục, nhà hoạch định chính sách, các cơ quan hữu quan và nền y tế Việt Nam. Chính vì những lý do cấp thiết trên, nhóm nghiên cứu quyết định chọn đề tài: Chất lượng giấc ngủ của sinh viên ULIS và phương pháp cải thiện.