1. Nhu cầu thực tiễn
Nạo phá thai đã và đang là một vấn đề nhức nhối trên thế giới cũng như Việt Nam. Báo cáo “Tình trạng dân số thế giới 2022” của UNFPA cho biết 61% trong số 121 triệu ca mang thai ngoài ý muốn được giải quyết bằng hình thức phá thai (Hiền Minh, 2023). Ở Việt Nam, theo BSCKII Đào Văn Thụ, PGĐ Trung tâm tư vấn SKSS & KHHGĐ, BV Phụ Sản Trung ương, khoảng 180.000 – 210.000 trong tổng số 300.000 ca nạo phá thai hàng năm tại Việt Nam xảy ra ở lứa tuổi học sinh, sinh viên. Con số đáng báo động này đã khiến Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á cũng như thứ 5 thế giới về tỷ lệ nạo phá thai (Nguyễn Dũng, 2019).
Tại Việt Nam, các biện pháp truyền thông đã được tích cực sử dụng để nâng cao hiểu biết vànhận thức của người dân về vấn đề nạo phá thai, từ tuyên truyền giảm phá thai không an toàn, đến dự án chống nạo phá thai và gần đây nhất là thông qua phim ảnh. Cụ thể, vào năm 2023, bộ phim kinh dị – siêu nhiên Vong nhi đã lần đầu tiên mang vấn nạn nạo phá thai lên màn ảnh Việt Nam. Theo NSƯT Hạnh Thúy, biên kịch của bộ phim, Vong nhi dựa trên những câu chuyện mà nghệ sĩ đã gặp trong cuộc sống cũng như khi tham gia sản xuất chương trình “Giữ lấy mầm sống” (talkshow về nạn nạo phá thai). Chị cho biết với giọng kể trung lập, bộ phim muốn giúp khán giả có những chiêm nghiệm, suy ngẫm của riêng mình, đặc biệt là giúp thay đổi suy nghĩ và hành vi của một bộ phận giới trẻ hiện nay (Như Võ, 2023). Bên cạnh những lời khen về thông điệp ý nghĩa và tính nhân văn, bộ phim cũng bị đánh giá là có góc nhìn phiến diện, chỉ tập trung vào tấn công phụ nữ.
Bởi những lý do trên, mục đích của nghiên cứu này nhằm chỉ ra quan điểm của bộ phim Vong nhi về hiện tượng nạo phá thai thông qua phân tích các yếu tố nội tại, yếu tố bên ngoài, và kỹ thuật điện ảnh sử dụng trong bộ phim.
2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan
Tên tài liệu | Tác giả, năm ra mắt | Kết quả nghiên cứu |
Rebellious girls and pitiable women: Abortion narratives in Weimar popular culture | Cornelie Usborne, 2005 | Bài nghiên cứu vào năm 2005 của Cornelie Usborne thảo luận về tầm quan trọng của văn hóa đại chúng, đặc biệt là phim ảnh và văn học, trong việc định hình và phản ánh những thái độ xã hội đối với hiện tượng phá thai ở nước Đức thời Weimar. Để đưa ra kết luận cho vấn đề, Usborne đã phân tích cụ thể hai tác phẩm nổi tiếng: phim “Kreuzzug des Weibes” (1926) của Martin Berger và tiểu thuyết “Gilgi, eine van uns” (1931) của Irmgard Keun. Những tác phẩm này cùng với các tác phẩm văn hóa đại chúng khác, đã đề cập đến vấn đề phá thai như là một chủ đề trung tâm của các cuộc tranh luận ở Đức thời Weimar; đặc biệt là khi quốc gia này đưa ra điều 218 Bộ luật hình sự, quy định rằng hành động phá thai (sau khi trứng đã thụ tinh) là hành vi phạm pháp. Usborne chỉ ra rằng, mặc dù những tác phẩm văn hóa đại chúng thường củng cố những hậu quả về y tế và thể hiện quan điểm thống trị cho rằng phá thai là một vấn nạn đáng quan ngại, hay tuyên truyền cánh tả (cho rằng phụ nữ lựa chọn phá thai thuộc tầng lớp lao động luôn là nạn nhân), những phân tích chi tiết hơn có thể cung cấp các sắc thái mới trong việc khắc họa hiện tượng này. Ngôn ngữ điện ảnh của phim hay các kỹ thuật kể chuyện thường được sử dụng để thể hiện những quan điểm mới nhằm phản kháng lại niềm tin phổ biến đương thời. Usborne khẳng định rằng những nghiên cứu về việc hiện tượng phá thai trong tác phẩm văn hóa đại chúng là vô cùng quan trọng, bởi chúng có thể giúp đưa ra phán đoán về cách khán giả và độc giả phản ứng với những câu chuyện về phá thai này, đặc biệt nếu chúng mâu thuẫn với kinh nghiệm sống của họ. |
Regulating cinematic stories about reproduction: pregnancy, childbirth, abortion and movie censorship in the US, 1930–1958 | David A. Kirby, 2017 | Bài viết này nghiên cứu về các cuộc đàm phán giữa các nhà làm phim và các nhóm kiểm duyệt phim, qua đó cho thấy những câu chuyện mà các nhà kiểm duyệt muốn và không muốn kể về việc mang thai, sinh con và phá thai, cũng như cách các hãng phim đấu tranh để kể những câu chuyện riêng của họ về sinh sản con người. Kirby nhận thấy rằng các nhà kiểm duyệt coi việc mang thai là một ân điển và một nghĩa vụ thiêng liêng chỉ dành cho phụ nữ đã kết hôn. Đối với các nhà kiểm duyệt, sinh sản con người không chỉ là một vấn đề riêng tư mà còn là một quá trình đầy gian truân về mặt sinh học. Họ lo lắng rằng những miêu tả thực tế về mang thai và sinh nở có thể khiến những phụ nữ trẻ sợ hãi không theo đuổi việc làm mẹ. Ngoài ra, tác giả cũng chứng minh cách các nhà làm phim vượt qua những lệnh cấm nghiêm ngặt của các nhà kiểm duyệt đối với việc phá thai bằng cách khiến cho câu chuyện được kể trong phim trở nên mơ hồ. Cuối cùng, tác giả lập luận rằng các nhà kiểm duyệt tin rằng quá trình mang thai và sinh nở nên được ca ngợi, tuy nhiên không nên được thể hiện cụ thể trên phim để khán giả nhìn thấy. Nếu cần có những quay như vậy, nhà kiểm duyệt sẽ ưa chuộng cách khắc họa theo hướng thẩm mỹ, đẹp đẽ hơn là việc miêu tả thực tế sự đau đớn của việc sinh nở. |
Feeling better: representing abortion in ‘feminist’ television | Cordelia Freeman, 2022 | Bài nghiên cứu này phân tích bốn chương trình truyền hình Sex Education, Shrill, GLOW và Euphoria cũng như các cuộc thảo luận truyền thông xung quanh các chương trình này, qua đó nêu lên cách các chương trình truyền hình theo hướng “chủ nghĩa nữ quyền” đương đại đang thể hiện việc phá thai. Bài báo lập luận rằng truyền hình đương đại đang ngày càng đồng cảm và tôn trọng việc phụ nữ lựa chọn phá thai. Sự lựa chọn cá nhân và quyết định cá nhân được nhấn mạnh trong những chương trình truyền hình này thay vì cho thấy những hệ thống quyền lực phức tạp và bất bình đẳng ảnh hưởng đến phụ nữ trong việc đưa ra những lựa chọn về sinh sản. Tuy nhiên, các chương trình truyền hình theo hướng “chủ nghĩa nữ quyền” trên vẫn chỉ kể những câu chuyện về việc phá thai của những người phụ nữ trẻ da trắng không gặp khó khăn gì trong việc tiếp cận với thủ thuật phá thai an toàn và hợp pháp, vậy nên chưa thể khắc họa đầy đủ và toàn diện về việc phá thai thông qua màn ảnh. |
Telling stories about abortion: abortion-related plots in American film and television, 1916–2013 | Gretchen Sisson Katrina Kimport, 2014 | Nghiên cứu của Sisson là để tìm hiểu về việc phá thai đã được thể hiện thế nào trong phim điện ảnh và truyền hình Mỹ. Kết quả cho thấy những câu chuyện liên quan đến phá thai xuất hiện trên các phương tiện truyền thông thường xuyên hơn mọi người nghĩ. Tần suất của những cốt truyện này thay đổi từ năm này sang năm khác, cho thấy rằng các quan điểm truyền thông, thái độ văn hóa và chính sách phá thai có ảnh hưởng lẫn nhau. Điều này phù hợp với quan điểm cho rằng truyền thông và niềm tin xã hội có mối liên hệ với nhau trong việc khắc họa vấn đề phá thai. Tuy nhiên, cách miêu tả kết quả và tỷ lệ tử vong trong những câu chuyện này không phản ánh trải nghiệm thực tế và có thể tạo ra niềm tin sai lầm về việc phá thai. Cụ thể, việc liên kết phá thai với hậu quả là cái chết trong các câu chuyện nhấn mạnh niềm tin rằng phá thai là một quyết định nguy hiểm |
Abortion in entertainment media, 2019–2024 | Stephanie Herold, 2024 | Bài viết này đánh giá các tài liệu được bình duyệt xuất bản từ năm 2019 đến năm 2024 về cách mô tả việc phá thai trên các chương trình truyền hình có kịch bản và phim ở Hoa Kỳ. Các nghiên cứu gần đây chủ yếu phân tích các chương trình truyền hình một cách định tính, khám phá cách các chương trình này miêu tả việc phá thai và điều này khác với việc tiếp cận phá thai ngoài đời thực ở Hoa Kỳ như thế nào. Các nghiên cứu định lượng cho thấy rằng việc xem các nội dung truyền hình về phá thai làm tăng nhẹ kiến thức của người xem về chủ đề này, nhưng không thay đổi sự ủng hộ của họ đối với việc phá thai. Không có nghiên cứu nào xem xét tác động của việc xem nhiều nội dung về phá thai theo thời gian. Chỉ có một nghiên cứu đã phỏng vấn những người sáng tạo nội dung truyền hình để hiểu lý do tại sao họ đưa cốt truyện phá thai vào chương trình của mình. Tổng kết lại, Herold cho rằng các phương tiện truyền thông mô tả về phá thai thường chứa đầy thông tin sai lệch và có thể ảnh hưởng đến kiến thức và niềm tin chung của công chúng Hoa Kỳ về việc phá thai. Tác giả khẳng định cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu mối quan hệ có thể có giữa nội dung phá thai trên truyền hình và phim ảnh cũng như tác động của nó đối với người xem. |
Những tài liệu phân tích cách thể hiện quan điểm về hiện tượng nạo phá thai khá đa dạng và phong phú. Những tài liệu này thường lấy dẫn chứng là các phương tiện truyền thông và các sản phẩm văn hóa đại chúng có tính phổ biến cao tại quốc gia đi đầu trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm truyền thông và văn hóa đại chúng như Mỹ. Ngoài ra, các nghiên cứu trên cũng tập trung vào quốc gia hiện đang có những điều luật quy định cụ thể rõ ràng về việc phá thai là Đức và Mỹ. Các quy định và điều luật này đã tạo nên những làn sóng phản ứng mạnh mẽ, trở thành vấn đề nóng trong những cuộc thảo luận, tranh biện.
Ở Việt Nam, phá thai đã được khắc họa nhiều trên sản phẩm truyền thông, tuy nhiên chưa trở thành đề tài chính được khai thác trong bất kỳ phim điện ảnh nào cho tới khi “Vong nhi” ra mắt. Do đó, dựa v
3. Ý nghĩa khoa học
Mặc dù đã có những nghiên cứu liên quan đến quan điểm về vấn đề nạo phá thai trên thế giới, tuy nhiên chủ đề này ở Việt Nam vẫn chưa có một nghiên cứu cụ thể. Đặc biệt, việc tìm ra hiện tượng dựa trên phim ảnh tại Việt Nam vẫn còn hạn chế. Vì vậy, nghiên cứu này tập trung vào việc nêu ra góc nhìn về nạo phá thai tại Việt Nam thông qua góc nhìn điện ảnh, với bộ phim được chọn là “Vong nhi”.