Tổng quan
1. Nhu cầu thực tiễn
Như chúng ta đã biết, ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất giữa con người với con người, chúng ta sử dụng ngôn ngữ như một phương thức để biểu đạt những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ, mong muốn của mình. Ngày nay, với sự phát triển của kinh tế, văn hóa – xã hội, thúc đẩy giao lưu và hội nhập, nhu cầu học ngoại ngữ của con người ngày càng được nâng cao và dường như đã trở thành một xu thế thịnh hành.
Trong gần ba năm học tiếng Trung tại Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN, nhóm chúng tôi nhận thấy sự đa dạng, phong phú của tiếng Trung về cả ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp… Cũng giống như tiếng Việt, tiếng Trung có nhiều loại từ, phương thức tạo từ khác nhau, trong đó phải kể đến dạng láy – một hình thức cấu tạo từ thường xuyên gặp trong cả văn bản và khẩu ngữ tiếng Trung. Dạng láy tiếng Trung hay còn được biết đến nhiều với tên gọi “hình thức trùng điệp” góp phần làm cho nội dung thể hiện thêm sinh động, có ngữ điệu, giàu chất nhạc.
Việc hiểu và sử dụng thành thạo các dạng láy và từ thuộc dạng láy tiếng Trung không chỉ giúp bài viết, bài khẩu ngữ của sinh viên đạt hiệu quả diễn đạt sinh động, phong phú hơn, dễ để lại ấn tượng hơn mà bên cạnh đó, nó còn cho thấy được vốn từ sâu rộng, thể hiện độ thành thục, nhuần nhuyễn trong sử dụng tiếng Trung của người học.
Tuy các dạng láy tiếng Trung đóng vai trò quan trọng trong việc sử dụng ngôn ngữ, nhưng không phải ai hiểu sâu và vận dụng được triệt để vốn từ dạng láy của bản thân. Qua một số nghiên cứu, khảo sát và từ chính sự trải nghiệm của các thành viên trong nhóm, chúng tôi nhận thấy sinh viên chuyên ngành tiếng Trung, đặc biệt là năm 1, năm 2 và thậm chí là các sinh viên năm 3, năm 4 vẫn chưa thực sự hiểu rõ, nhận biết và sử dụng phong phú các dạng láy, kể cả các dạng láy, từ vựng trùng điệp đã được học. Có những bài viết của sinh viên năm 2 (tương đương trình độ HSK 5) nhưng bài viết không phong phú, linh hoạt trong việc sử dụng thành ngữ, dạng láy,…có những bài viết sử dụng lặp đi lặp lại các từ trùng điệp cơ bản như: 看看,高高兴兴,… thậm chí là không có từ nào.
Nhận thấy được tầm quan trọng của dạng láy và từ thuộc dạng láy tiếng Trung đối với việc học và sử dụng ngôn ngữ, nhóm chúng tôi đã quyết định chọn đề tài “Bước đầu nghiên cứu một số dạng láy tiếng Trung và thực trạng sử dụng dạng láy của sinh viên năm 2 khoa Trung trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội” để tiến hành nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về dạng láy tiếng Trung và đánh giá thực trạng, mức độ vận dụng dạng láy tiếng Trung của sinh viên năm 2 trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN.
2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan
- Những nghiên cứu ở Trung Quốc
Phân loại dạng láy trong tiếng Hán: 朱 德 熙 (Zhu Dexi) (1982) đề cập đến dạng láy thuận và dạng láy ngược, 李宇明 (Li Yuming) (1996) chia thể láy thành láy không từ, láy từ và láy câu v.v, 孙景涛 (Sun Jingtao) (2008) phân dạng láy thành láy song hướng và láy liệt biến, 刘丹青 (Liu Danqing) (2012) đề cập đến láy nguyên sinh và láy thứ sinh.
Với láy động từ, 何 融 (He Rong) (1962) cho rằng, hình thức này đã bắt đầu xuất hiện từ thời chữ giáp cốt. Đến thời Đường – Tống, láy động từ xuất hiện nhiều hơn nhưng chủ yếu vẫn là láy các động từ đơn âm tiết. Thời Minh – Thanh, láy động từ bắt đầu có sự điều chỉnh cụ thể về ý nghĩa, ngữ pháp và dần được sử dụng phổ biến trong xã hội.
Khi phân loại láy động từ có một số quan điểm sau: 李人鉴 (Li Renjian) (1964) cho rằng láy động từ chỉ gồm 2 dạng là AA và ABAB; 范 方 莲 (Fan Fanglian) (1964), 刘月华 (Liu Yuehua) (1984), 房玉清 (Fang Yuqing) (1992) đều chia láy động từ thành bốn dạng: AA, A—A, A了A và A 了—A. Các nhà nghiên cứu khác như 张静 (Zhang Jing) (1979), 常敬宇 (Chang Jingyu) (1996), 李 宇 明 (Li Yuming) (1996) thì cho rằng ngoài các dạng láy trên, còn có thêm dạng A 着A着và AABB.
Năm 1948, trong văn bản “国语重叠词之调查” (Điều tra về từ trùng điệp tiếng Hán) của 张 洵 如 (Zhang Xunru) có đề cập sơ qua về láy tính từ. Năm 1952, 李高 (Li Gao) bắt đầu tiến hành nghiên cứu về láy tính từ “用叠字组成的形容词” (Dùng tính từ do hình thức láy chữ Hán tạo thành). Sau đó, 冯 成麟(Feng Chenglin), 注惠迪 (Zhu Huidi) bắt đầu nghiên cứu toàn diện về láy tính từ.
Về phân loại láy tính từ, 朱德熙 (Chu Đức Hi), 吕叔湘 (Lã Thúc Tương), 龚继华 (Cung Kế Hoa) cùng cho rằng có 5 hình thức láy tính từ: từ gốc là tính từ đơn âm tiết A thì láy AA; từ gốc là tính từ song âm tiết thì láy AABB hoặc A 里 AB; tính từ mang hậu tố láy thì láy ABB; từ gốc là tính từ trạng thái song âm tiết láy ABAB.
Ngoài láy động từ và láy tính từ, cũng có một số kết quả nghiên cứu về dạng AA, AABB của láy danh từ; 朱 德 熙 (Chu Đức Hi) (1982) cũng chỉ ra rằng, hình thức láy phó từ tồn tại với 2 dạng: AA (từ gốc là phó từ đơn âm tiết) và AA儿 (từ gốc là tính từ đơn âm tiết).
- Những nghiên cứu ở Việt Nam
Khi tiến hành so sánh từ láy trong tiếng Việt và láy trong tiếng Trung, Li Dong Jin đã chỉ ra cách nhận diện từ láy trong tiếng Trung: dựa vào hình thức (láy âm, láy chữ Hán) và dựa vào ngữ nghĩa (từ tố cơ sở).
3.Ý nghĩa khoa học
Bài nghiên xác định lý thuyết về dạng láy (hình thức trùng điệp) trong tiếng Trung, đồng thời tổng hợp và chỉ ra cấu trúc, ngữ nghĩa của một số dạng láy phổ biến nhất khi học tiếng Trung, để sinh viên khoa Trung nói riêng và người học tiếng Trung nói chung nắm vững được mỗi dạng láy có một ngữ nghĩa riêng và dùng trong hoàn cảnh nào thì phù hợp.
Ngoài ra, bài nghiên cứu cũng điều tra tình hình sử dụng vốn từ dạng láy tiếng Trung vào thực tế của sinh viên năm 2 khoa Trung, trường ĐHNN – ĐHQGHN, để các bạn sinh viên thấy được thực trạng, nhìn nhận ra ưu khuyết điểm và học hỏi để nâng cao, cải thiện vốn từ, cách vận dụng dạng láy của bản thân. Các giảng viên cũng thông qua đó, đánh giá được chất lượng, thực lực của sinh viên, để đưa ra những điều chỉnh phù hợp nhất.
Bên cạnh đó, bài nghiên cứu này đã thống kê các từ ở dạng láy (hình thức trùng điệp) trong giáo trình năm 1, năm 2, để sinh viên có thể tham khảo.