Ảnh hưởng của áp lực đồng trang lứa lên quá trình hoàn thiện các tiêu chí và nâng cao tính cạnh tranh của hồ sơ thực tập: Nghiên cứu trường hợp sinh viên khóa QH2018 & QH2019, trường Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

Giáo dục và nghề nghiệp luôn gắn liền với nhau. Mục đích cuối cùng của giáo dục đại học là trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp. Trong thị trường lao động đầy khốc liệt như hiện nay, tìm được công việc phù hợp và có đãi ngộ tốt là điều không hề dễ dàng. Bởi vậy các sinh viên luôn phải nỗ lực hết mình để trau dồi bản thân cũng như làm giàu bộ hồ sơ thực tập. Ngày càng có nhiều người tài cạnh tranh cho một vị trí nên yêu cầu cũng vì thế mà tăng lên và sinh viên lại càng cần cố gắng nhiều hơn nữa. Mỗi trường đại học lại là những môi trường cạnh tranh thu nhỏ, các sinh viên cọ sát và học hỏi, cạnh tranh lẫn nhau. Hơn nữa, những sinh viên cùng lớp, cùng khoa hay cùng trường lại dễ có những định hướng nghề nghiệp giống nhau và dễ trở thành đối thủ cạnh tranh khi tìm kiếm và ứng tuyển vào các vị trí công việc. Mtemeri (2020) chỉ ra rằng các thành viên trong nhóm có sự tương đồng không chỉ trong kì vọng giáo dục mà còn trong những định hướng sau giáodục. Do đó, áp lực đồng trang lứa trở thành một hiện tượng không thể tránh khỏi trong môi trường giáo dục đại học. Điều này đem tới những ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng của các sinh viên. 

Những năm gần đây ĐHNN đã triển khai đề án đổi mới thực hành, thực tập và phát triển kỹ năng bổ trợ . Sinh viên ĐHNN có thể coi đây là cơ sở để phấn đấu, hoàn thiện và từng bước nâng cao những kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết phục vụ cho nhu cầu ứng tuyển việc làm. Mặt khác, sở hữu những bộ hồ sơ thực tập với khuôn mẫu chung sẽ khiến các sinh viên khó thoát khỏi việc bị so sánh. Do đó, áp lực cạnh tranh giữa các sinh viên cùng trường nói chung càng được đẩy lên cao. 

Thực trạng cho thấy áp lực đồng trang lứa có những ảnh hưởng không nhỏ đến sinh viên nói chung và sinh viên ĐHNN,ĐHQGHN trong quá trình hoàn thiện các tiêu chí và nâng cao tính cạnh tranh hồ sơ thực tập nói riêng. Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu đi sâu vào vấn đề này. Là những sinh viên Ulis đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ thực tập và trực tiếp trải nghiệm áp lực đồng trang lứa, nhóm tác giả nhận thấy đây là một đề tài rất đáng quan tâm và nghiên cứu. Do đó, nhóm tác giả đã lựa chọn nghiên cứu đề tài “Ảnh hưởng của áp lực đồng trang lứa lên quá trình hoàn thiện các tiêu chí và nâng cao tính cạnh tranh hồ sơ thực tập của sinh viên Ulis.” 

Áp lực đồng trang lứa không phải là một đề tài mới, đã có nhiều nghiên cứu từ các học giả trong và ngoài nước về vấn đề này. Theo Castrogiovanni (2002), một nhóm đồng đẳng (a peer group) được định nghĩa là một nhóm nhỏ gồm những người bạn cùng độ tuổi, tương đối than thiết với nhau và có những hoạt động giống nhau. Theo từ điển tâm lý học thuộc Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, áp lực đồng trang lứa là khi cá nhân chịu ảnh hưởng của những người thuộc cùng một nhóm xã hội và phải thay đổi thái độ, giá trị và hành vi để phù hợp với các chuẩn mực của nhóm. Áp lực đồng trang lứa có cả ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến học sinh, sinh viên (Mai et al., 2021). Áp lực đồng trang lứa gây ra một số vấn đề tâm lý như cảm giác lo lắng, sợ hãi, tự ti, mặc cảm, vô vọng, v.v. (Ha et al.,2021). Mặt khác, áp lực đồng trang lứa cũng góp phần khuyến khích, thúc đẩy học sinh, sinh viên tham gia vào các hoạt động học thuật và ngoại khóa (Morrison, Kalin, & Morrison 2004). Có thể thấy, các nghiên cứu trước đó đều cho thấy áp lực đồng trang lứa có những ảnh hưởng nhất định lên học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu đi sâu vào ảnh hưởng của áp lực đồng trang lứa lên quá trình thực hành, thực tập và phát triển kỹ năng bổ trợ của sinh viên. Cụ thể, trong khuôn khổ trường ĐHNN, ĐHQGHN, đã có nghiên cứu về đề tài ảnh hưởng của áp lực đồng trang lứa lên điểm tích lũy trung bình của sinh viên. Song, đề tài về ảnh hưởng của áp lực đồng trang lứa lên quá trình hoàn thiện các tiêu chí và nâng cao tính cạnh tranh của hồ sơ thực tập vẫn chưa được khai thác. Nhóm chúng tôi nhận thấy đây là vấn đề mà sinh viên ở các trường đại học nói chung và trường ĐHNN, ĐHQGHN nói riêng đang gặp phải.Vì vậy, nhóm tác giả mong muốn thực hiện nghiên cứu nhằm làm rõ những ảnh hưởng nêu trên, đồng thời đưa ra những kiến nghị cần thiết tới nhà trường và sinh viên. 

Hồ sơ thực tập có thể coi là cuốn sổ thu nhỏ tích lũy kinh nghiệm và kĩ năng trong suốt quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường, cũng chính là minh chứng để các nhà tuyển dụng xem xét và cân nhắc ứng viên trong quá trình tuyển dụng. Qua nghiên cứu này, nhóm tác giả sẽ làm rõ những ảnh hưởng của áp lực đồng trang lứa đến sinh viên ĐHNN trong quá trình hoàn thiện các tiêu chí trong bộ hồ sơ thực tập và nâng cao tính cạnh tranh khi tham gia thị trường lao động. Từ đó, nhóm nghiên cứu đề xuất những kiến nghị giúp sinh viên có chiến lược phù hợp để hoàn thiện và nâng cao tính cạnh tranh cho bộ hồ sơ thực tập. Thêm vào đó, nghiên cứu giúp các bạn sinh viên những khóa sau của trường ĐHNN- ĐHQGHN có cái nhìn chân thực hơn về áp lực đồng trang lứa và có kế hoạch thích nghi, chuẩn bị và làm giàu cho hồ sơ thực tập của mình.