Thành viên thực hiện: Hoàng Thị Hải Yến, Nguyễn Thị Minh Hải
Giảng viên hướng dẫn: Th.S Phạm Xuân Thọ
Khi nói đến quá trình học ngôn ngữ nói chung và ngoại ngữ nói riêng, có bốn kỹ năng cốt lõi cần phải hình thành để người học có thể sử dụng được ngôn ngữ trong giao tiếp, bao gồm Nghe, Nói, Đọc và Viết, và chúng được chia thành hai loại: kỹ năng tiếp thu (Nghe, Đọc) và kỹ năng sản sinh (Nói, Viết). Trong hai kỹ năng sản sinh, kỹ năng Viết có tính quy chuẩn cao hơn kỹ năng Nói, vì khi viết, người học ngôn ngữ cần cân nhắc kỹ sự chính xác về mặt lựa chọn từ ngữ và thể thức trình bày, hiện thực hóa các ý tưởng thành các đơn vị, cấu trúc cú pháp, và sự sắp xếp các thành tố cú pháp này sao cho các lớp nghĩa được truyền tải đầy đủ, các sản phẩm viết tạo ra đạt được những quy chuẩn về chính tả, ngữ pháp, và thể loại.
Trong các trường phổ thông ở Việt Nam, học sinh có cơ hội tiếp xúc với tiếng Anh ngày càng sớm. Theo Hoàng Văn Vân (2011), từ sau năm 2010, các SGK tiếng Anh được biên soạn theo đường hướng giao tiếp, lấy phát triển kỹ năng giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết) làm đích và kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng) làm phương tiện của quá trình dạy và học. Vì thế, sau nhiều điều chỉnh về chương trình và sách giáo khoa tiếng Anh, các kỹ năng sản sinh gồm Nói và Viết tiếng Anh được quan tâm nhiều hơn trong chương trình và SGK. Tuy vậy, kỹ năng viết vẫn được coi là một kỹ năng khó với đa số sinh viên vì để có một bài viết tốt, kiến thức và kỹ năng sử dụng ngữ pháp đóng vai trò rất quan trọng, nhưng việc khai thác các kiến thức và kỹ năng đó một cách linh hoạt, sáng tạo mà vẫn đảm bảo hiệu quả truyền thông tin đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực từ giáo viên và quá trình tự rèn luyện của sinh viên.