Thực trạng thói quen trì hoãn trong học tập của sinh viên năm thứ ba khoa Sư phạm Tiếng Anh trường ĐHNN – ĐHQGHN

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

Trì hoãn là thói quen xấu nhiều người mắc phải, đặc biệt với các bạn học sinh, sinh viên. Các bạn lập ra kế hoạch chi tiết cho một ngày sẽ làm gì để đạt được kế hoạch, hay đơn giản chỉ là cố gắng hoàn thành bài tập trong khoảng thời gian cố định nhưng chỉ một lát lại dành thời gian làm những việc không liên quan. Theo quy chế đào tạo đại học được đại học được đại học Quốc Gia Hà Nội ban hành năm 2014, bắt đầu từ năm thứ ba, sinh viên chuyển sang học các môn chuyên ngành đòi hỏi kỹ năng, và tính thực tiễn cao hơn tương đương với hoàn thành 71 – 105 tín chỉ với chương trình đào tạo chuẩn, 81-115 tín chỉ với chương trình đào tạo chất lượng cao và 91-130 tính chỉ với chương trình đào tạo tài năng. Trong mỗi học kỳ chính sinh viên có 15 tuần học chính và từ 3-4 tuần thi. Ở từng môn học, sinh viên được kiểm tra đánh giá bằng cách hoàn thành kiểm tra đánh giá bộ phận bao gồm: kiểm tra đánh giá thường xuyên và kiểm tra đánh giá giữa kỳ cùng với thi kết thúc học phần bằng các hình thức khác nhau như tự luận, trắc nghiệm, vấn đáp hoặc làm bài tập lớn.  Trường đại học Ngoại Ngữ cũng có những chính sách mới khuyến khích sinh viên có thể đi làm để tích lũy thực tập ngay từ năm đầu. Vì vậy, nhiều bạn sinh viên phải vừa cố gắng đảm bảo việc học trên trường, vừa phải dành thời gian cho công việc ngoài giờ.  Điều này khá quen thuộc với các bạn sinh viên khoa sư phạm tiếng Anh. Quỹ thời gian eo hẹp hơn, khối lượng kiến thức cần thu nạp nhiều hơn, sinh viên cũng có bắt đầu nhiều mối lo và trăn trở khi bắt đầu bước vào năm thứ ba. Ở thời điểm này, trì hoãn trong học tập sẽ có xu hướng xuất hiện nhiều hơn và sẽ là rào cản lớn trong việc phát triển và định hướng tương lai của các bạn sinh viên. 

     Vì vậy việc tìm hiểu cụ thể về thực trạng trì hoãn, từ đó có thể đề ra biện pháp giúp sinh viên năm thứ ba khoa sư phạm tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội có thể hạn chế thói quen trì hoãn trong học tập đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Ý nghĩa khoa học.

Những đóng góp mới của đề tài bao gồm:

  • Khái quát hoá được những nhiệm vụ trong học tập mà sinh viên trì hoãn, tần suất trì hoãn cũng như mức độ trì hoãn của mỗi nhiệm vụ học tập của sinh viên, là cơ sở cho việc xác định được thực trạng thói quen trì hoãn trong học tập của sinh viên năm thứ ba khoa Sư phạm Tiếng Anh.
  • Phân tích sâu và đưa ra được những kết luận sơ bộ về thực trạng thói quen trì hoãn trong học tập của sinh viên năm thứ ba khoa Sư phạm Tiếng Anh và những nguyên nhân dẫn tới thói quen đó. 

Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về thực trạng thói quen trì hoãn trong học tập  của sinh viên năm thứ ba khoa sư phạm tiếng Anh trường Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc Gia Hà Nội, từ đó đề xuất biện pháp phù hợp để giúp sinh viên giảm thiểu thói quen trì hoãn, nâng cao hiệu quả trong học tập cũng như công việc.