Ảnh hưởng của việc sử dụng từ điển pop-up 1 lên khả năng đọc hiểu của học sinh: Một nghiên cứu điển hình tại một trường THPT ở Nam Định. (Impacts of using pop-up dictionary on students’ reading comprehension: A case study at a high school in Nam Dinh city)

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

Việc đọc những tài liệu thực tế là một cách để tích lũy tri thức và phát triển kỹ năng ngôn ngữ (Gilmore, 2007; Krashen, 1989 được trích trong Liu & Lin, 2011) và từ điển trở thành một trong những công cụ hữu ích để hỗ trợ quá trình đọc hiểu này. Nhờ sự những bước tiến của thời đại công nghệ, làm việc và học tập trực tuyến trở nên phổ biến. Không ngoại lệ, các tài liệu đọc hiểu dần được xuất hiện có sẵn trên mạng nên việc đọc trực tuyến cũng trở thành một xu thế mới (Abraham, 2008 được trích trong Liu & Lin, 2011). Vì vậy, dần dần càng có nhiều công cụ hỗ trợ trong việc đọc hiểu này, đặc biệt là sự xuất hiện và phát triển của các loại từ điển trực tuyến hay còn gọi là từ điển trên máy tính.

Có hai công cụ từ điển trực tuyến hoặc sử dụng trên máy tính là từ điển type-in 2 và từ điển pop-up. Mặc dù cả hai loại từ điển này đều xuất hiện như một công cụ thay thế từ điển giấy thông thường, cơ chế hoạt động lại khác nhau. Nếu như từ điển type-in yêu cầu người dùng truy cập vào trang web từ điển và nhập từ cần biết để tra nghĩa thì từ điển pop-up chỉ yêu cầu người dùng nhấn đúp chuột vào từ cần tra nghĩa và cửa sổ nhỏ chứa nghĩa của từ sẽ hiện ra ngay trên trang web mà người dùng đang đọc trực tuyến.

Các nghiên cứu trước đây tập trung so sánh mức độ hiệu quả của hai loại từ điển này hoặc nhiều hơn đối với việc đọc hiểu và học từ vựng. Nhưng những nghiên cứu này chỉ tập trung khai thác kết quả dữ liệu số thu thập được thông qua các phần mềm đo kỹ thuật số, chứ chưa cân nhắc đến yếu tố người dùng thực tế. Vì vậy, nghiên cứu của nhóm chúng tôi muốn khai thác thêm yếu tố nhận thức của người dùng khi trải nghiệm sử dụng hai loại từ điển trên. Từ đó, nghiên cứu muốn làm nổi bật hiệu quả của từ điển pop-up dựa vào việc so sánh nó với từ điển type-in.

Xét trong bối cảnh Việt Nam, ngày nay có một số công cụ từ điển pop-up được phát triển dành cho người học Việt như Laban, eJOY nhưng còn rất hạn chế về mặt số lượng. Bên cạnh đó, các nghiên cứu liên quan đến từ điển pop-up số lượng còn rất ít nên độ nhận diện đối với loại từ điển này còn khá xa vời với người học Việt Nam. Vì vậy, nhóm nghiên cứu chúng tôi hy vọng qua nghiên cứu này, việc sử dụng từ điển pop-up sẽ được chứng minh là có hiệu quả đối với kỹ năng đọc hiểu và từ đó được sử dụng phổ biến rộng rãi hơn nhờ vào tính năng tiện lợi của nó.

Xem xét những lý do trên, nhóm nghiên cứu chúng tôi nhận thấy sự cần thiết của một nghiên cứu về tác động của sử dụng từ điển pop-up lên việc đọc hiểu. Chúng tôi đã lựa chọn từ điền type-in như một nhóm kiểm soát để làm cơ sở cho việc chứng minh độ hiệu quả của từ điển pop-up.