Văn hóa là chất keo dính kết các mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội tạo nên hình hài và bản sắc của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia và mỗi khu vực. Như những dòng sông, văn hóa của các dân tộc bền bỉ tích lũy, thâu nhận, gạn lọc tinh hoa từ muôn nẻo, không ngừng chuyển tải và biến đổi, không ngừng giao lưu và mở rộng để rồi kết tinh lại thành cái của riêng mình và góp phần vào đại dương mênh mông đầy hương sắc của nhân loại, và đến lượt mình lại được tận hưởng hương vị xa lạ trong cái đại dương vĩ đại bao la đó.
Ngôn ngữ không chỉ góp phần chuyên chở và lưu giữ văn hóa. Ngôn ngữ có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội vì nó là hiện tượng thường xuyên tất yếu của con người. Từ vựng của ngôn ngữ là tấm gương phản chiếu văn hóa, vì thế có mối quan hệ khăng khít với văn hóa. Trong tiếng Hán và tiếng Việt, với vai trò là hệ thống tín hiệu, từ chỉ màu sắc thể hiện đặc điểm tri nhận thế giới màu sắc của dân tộc Hán và dân tộc Việt.
Màu sắc là một cách nhận thức thế giới khách quan của con người, cuộc sống của họ liên quan mật thiết đến màu sắc, nói cách khác con người đang sống trong một thế giới phủ đầy màu sắc, bao trọn chúng ta từ thế giới thực tới thế giới tưởng tượng. Trong ngôn ngữ, ta bắt gặp những từ vựng chỉ màu sắc với nội dung văn hóa đa dạng, phản ảnh cảm xúc phong phú của con người. Vì vậy, từ chỉ màu sắc có thể truyền tải trực tiếp phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, bối cảnh lịch sử của các dân tộc thế giới. Tuy nhiên, ý nghĩa văn hóa của từ chỉ cùng một màu sắc đôi khi có sự khác nhau giữa các quốc gia.
Trong bảy sắc cầu vồng, màu Đỏ là màu đứng vị trí đầu tiên theo thứ tự Đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Mang trong mình một màu sắc nổi bật và dễ gây được sự chú ý đối với mọi người. “Sắc Đỏ thuần túy mà các nhà trừu tượng hay nói về không hề tồn tại,” họa sĩ thế kỉ Robert Motherwell nói: “Sắc Đỏ luôn hiện diện trong trong máu, trong rượu vang và hàng ngàn hiện tượng hữu hình khác quanh ta, vậy nên ta luôn có một cảm giác rất rõ ràng về nó…”. Câu nói này không hề đúng với bất kỳ màu sắc nào khác, ngoài màu Đỏ. Màu Đỏ là màu sắc gần gũi với với con người, đặc biệt là đối với hai quốc gia Trung Quốc và Việt Nam. Màu Đỏ không chỉ là màu máu Đỏ Hồng trong tim, là màu Đỏ tươi của lá cờ Tổ quốc, của chiếc khăn quàng đội viên. Màu Đỏ còn là màu Đỏ ối của mặt trời, màu Đỏ rực của bếp lửa, của đóa hoa mào gà Đỏ tía, màu Đỏ au trên đôi má phúng phính của những em bé khỏe mạnh… Có rất nhiều gam Đỏ khác nhau nhưng nói để màu Đỏ là màu sắc rực rỡ lộng lẫy và gây ấn tượng rất mạnh.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể nhận thấy thành ngữ nói chung, và thành ngữ chứa từ màu sắc nói riêng không chỉ gắn bó mật thiết với cuộc sống đời thường, truyền thống văn hóa, văn học nghệ thuật… của con người mà còn chứa đựng những nội hàm văn hóa phong phú. Trong tiếng Hán và tiếng Việt có rất nhiều thành ngữ chứa hình vị màu sắc, nhiều màu sắc đi vào thành ngữ không còn đơn giản là biểu thị màu sắc mà mang lại cho thành ngữ một ý nghĩa sâu sắc. Thành ngữ mang màu sắc không chỉ phản ánh quan điểm, quan niệm văn hóa, tư duy nhận thức của người Hán và người Việt về thế giới bên ngoài mà còn phản ánh những giá trị văn hóa khác nhau giữa Trung Quốc và Việt Nam. Việc phân tích chuyên sâu về nguồn gốc, sự phân bố và hàm nghĩa văn hóa của các thành ngữ có chứa từ chỉ màu sắc không chỉ giúp hiểu sâu hơn về loại thành ngữ này mà còn giúp hiểu sâu hơn về lịch sử, văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam cũng như Trung Quốc, đồng thời đào sâu thêm, mở rộng thêm vốn kiến thức, sự hiểu biết văn hóa của chính mình.
Vì vậy, nhóm sinh viên chúng tôi đã quyết định chọn sắc Đỏ để đi sâu nghiên cứu hàm nghĩa văn hóa với đề tài: Nghiên cứu và so sánh hàm nghĩa văn hóa của từ “红” trong thành ngữ tiếng Hán và từ “Đỏ/Hồng” trong thành ngữ tiếng Việt