Sự thể hiện của nam và nữ trong sách “Tiếng Hàn tổng hợp – Sơ cấp 1”.

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

1. Nhu cầu thực tiễn 

Nghiên cứu về hiện tượng định kiến giới trong sách giáo khoa không chỉ mang tính học thuật mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong việc cải thiện hệ thống giáo dục và xã hội. Những lí do sau đây nhấn mạnh sự cần thiết và tính cấp thiết của việc thực hiện đề tài này: 

– Tầm quan trọng của sách giáo khoa trong giáo dục: 

Trong quá trình dạy và học ngoại ngữ, có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh, trong đó có sự góp mặt của sách giáo khoa. Sách giáo khoa đã trở thành một trong những nguồn tài liệu quan trọng góp phần vào sự thành công của việc dạy và học. Đối với giáo viên, sách giáo khoa có thể hỗ trợ họ để đạt được mục tiêu trong quá trình giảng dạy. Giáo viên cũng có thể tiết kiệm thời gian và tập trung vào quá trình giảng dạy mà không cần bận tâm quá nhiều về việc giao bài tập cho học sinh vì họ có thể sửa đổi và điều chỉnh những nội dung có sẵn trong sách dựa trên nhu cầu của người học. Đối với học sinh, sách giáo khoa là nguồn tiếp thu kiến thức. Các em được phép học trước và ôn tập sau quá trình học tập. Do đó, sách giáo khoa không chỉ là nguồn tài liệu chính thức cung cấp kiến thức cho học sinh mà còn là công cụ quan trọng trong việc hình thành nhân cách, giá trị và thái độ của học sinh. Vậy nên, nội dung sách giáo khoa cần phải đảm bảo tính khách quan và không chứa đựng những định kiến giới có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tư duy của học sinh. 

– Sự cần thiết của việc phân tích trong bối cảnh châu Á: 

Phần lớn các nghiên cứu về định kiến giới trong sách giáo khoa đã được thực hiện trong bối cảnh văn hóa phương Tây. Việc nghiên cứu vấn đề này trong bối cảnh văn hóa châu Á, đặc biệt là với sách giáo khoa tiếng Hàn dành cho người Việt Nam, sẽ cung cấp những hiểu biết mới mẻ và sâu sắc về cách thức mà định kiến giới có thể khác biệt hoặc tương đồng giữa các nền văn hóa khác nhau. Điều này không chỉ giúp làm phong phú thêm lĩnh vực nghiên cứu mà còn cung cấp cơ sở dữ liệu quan trọng cho việc điều chỉnh và cải thiện sách giáo khoa phù hợp với đặc điểm văn hóa của từng quốc gia. 

– Tác động đến chính sách giáo dục và đào tạo: 

Kết quả nghiên cứu có thể giúp các nhà hoạch định chính sách giáo dục nhận thức rõ hơn về vấn đề này, từ đó đưa ra những thay đổi cần thiết trong việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa, đảm bảo rằng các tài liệu giảng dạy không chứa đựng những định kiến giới tiêu cực. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục, tạo điều kiện cho mọi học sinh phát triển toàn diện và không bị ràng buộc bởi những khuôn mẫu giới hạn chế. 

– Góp phần vào việc thiết lập bình đẳng giới trong giáo dục:

Việc nghiên cứu và phát hiện các biểu hiện của định kiến giới trong sách giáo khoa là bước quan trọng để loại bỏ chúng, giúp xây dựng môi trường học tập công bằng và bình đẳng hơn. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục mà còn góp phần vào việc thúc đẩy một xã hội công bằng và tiến bộ. 

Nhìn chung, nghiên cứu này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực học thuật mà còn có những ứng dụng thực tiễn rõ rệt, góp phần cải thiện hệ thống giáo dục và thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội. 

2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan 

2.1. Giới tính 

Những vấn đề cũng như quan niệm về giới tính là một vấn đề quen thuộc, xuất hiện từ khi chúng ta còn nhỏ mà vô hình chung chúng ta không nhận ra. Những quan niệm, định kiến về giới tính đã ăn sâu vào tiềm thức, niềm tin và hành động của chúng ta một cách vô cùng tự nhiên, đó là những điều vô cùng phổ biến mà chúng ta cho là lẽ thường tình, chấp nhận nó như một thực tế khoa học (Eckert & McConnell-Ginet, 2013). Có những quy định chúng ta ngầm thừa nhận thông qua hành động, chẳng hạn như khi tặng quà một bé gái ta thường tặng búp bê, còn tặng bé trai siêu nhân hoặc ô tô đồ chơi. Ngoài ra, khi nghĩ về một người đàn ông, ta thường nghĩ đến hình tượng mạnh mẽ như Lý Hải trong trong “Truyện Kiều”, còn với phụ nữ là hình ảnh yểu điệu, dịu dàng như nàng Kiều trong tác phẩm kinh điển của Nguyễn Du. Tuy nhiên cũng không thiếu những trường hợp đàn ông thể hiện sự yểu điệu và phụ nữ lại bộc lộ hình tượng mạnh mẽ, nghênh ngang, và khi ấy, những lời khen dành cho họ cũng không còn như trước. Vậy là, ai cũng có thể thực hiện giới tính, nhưng vấn đề là thực hiện trong khuôn khổ, hạn chế nào thì xã hội chấp nhận. Và đây là khi “sex” và “gender” được coi là giống nhau, và xã hội quy định cách hành xử theo sự phân chia giới tính về mặt sinh học (Eckert & McConnell-Ginet, 2013). 

Với cùng nghĩa tiếng Việt là “giới tính”, nhưng theo Eckert và McConnell-Ginet (2013) “sex” là giới tính sinh học, được phân chia theo bộ phận sinh dục của con người, trong khi đó “gender” không phải là thứ mà chúng ta có sẵn ngay khi sinh ra, mà là giới tính mà chúng ta “thực hiện” (West & Zimmerman, 1987), thứ mà chúng ta “thể hiện” (Butler, 1990) (được trích dẫn bởi Eckert & McConnell-Ginet, 2013). Cũng theo Eckert và McConnell-Ginet (2013), không thể phủ nhận rằng giới tính được phân biệt theo cơ sở về mặt sinh học, nhưng không có lí do nào về mặt sinh học quy định rằng phụ nữ phải yểu điệu còn đàn ông phải mạnh mẽ, cũng không có cơ sở sinh học nào chỉ ra rằng con gái nên sơn móng chân đỏ còn con trai thì không nên. 

2.2. Ngôn ngữ và giới tính 

Sự xuất hiện gây nhiều tranh cãi của cuốn sách “Language and women’s place” (tạm dịch: Ngôn ngữ và địa vị của phụ nữ) vào năm 1975 của bà Robin Lakoff được cho là sự khởi đầu của những nghiên cứu về ngôn ngữ và giới tính (Eckert & McConnell-Ginet, 2013). Từ đó, các nhà nghiên cứu cũng tìm hiểu những điểm còn thiếu sót trong cuốn sách của bà, và chủ yếu xoay quanh giả định rằng một giới yếu thế hơn và ngôn ngữ được xây dựng trên những quy tắc của nam giới (Vu, 2023). Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận rằng xét theo bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, cuốn sách đóng góp một phần trong làn sóng nữ quyền thứ hai (Eckert & McConnell-Ginet, 2013). Hơn nữa, theo Wright (2002) (được trích bởi Vu, 2023), cuốn sách cũng là một dấu mốc quan trọng khi phân tích ngôn ngữ trong nghiên cứu về giới tính, tập trung vào phong cách, cú pháp và ngữ nghĩa thay vì ngữ pháp và ngữ âm như trước đó. 

Trong cuốn sách “Women, men and language” (tạm dịch: Phụ nữ, đàn ông và ngôn ngữ), Coates (2015) đã chỉ ra bốn phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ phổ biến trong từng khoảng thời gian nhất định, đó là deficit (tạm dịch: yếu thế), dominance (tạm dịch: ưu thế), difference (tạm dịch: khác biệt) và dynamic (tạm dịch: đột phá). Trong phương pháp deficit, ngôn ngữ của nam giới được xem là tiêu chuẩn trong khi đó ngôn ngữ của nữ giới bị coi là thiếu sót. Chính việc dùng ngôn ngữ của phái nam làm tiêu chuẩn cho ngôn ngữ của phái nữ và ngụ ý rằng ngôn ngữ nữ giới vốn dĩ đã có vấn đề, có điều gì đó chưa đúng (Coates, 2015). Với khung dominance, các yếu tố ngôn ngữ được cho là biểu thị trật tự xã hội mà nam giới cai trị- “patriarchal social order” (Talbot, 2019). Theo đó, tính không cân xứng trong việc sử dụng ngôn ngữ của nam và nữ được xem như là việc thực thi đặc quyền của nam giới, chẳng hạn thông qua việc phân tích sự ngắt lời của nhà nghiên cứu West và Zimmerman (1975) (được trích dẫn bởi Talbot, 2019). Một khung lý thuyết cũng phổ biến là difference, khung được các nhà nghiên cứu ra sức phản đối, chống lại ý kiến rằng phụ nữ có địa vị thấp hơn, thuộc nhóm phụ trong xã hội. Họ tranh luận rằng sự khác biệt giữa ngôn ngữ của hai giới là do họ có những đặc điểm khác nhau, thuộc về những nhóm văn hóa khác nhau (Vu, 2023). Nghiên cứu điển hình của trường phái này đến từ nhà nghiên cứu Tannen (1990), ông chỉ ra rằng ngôn ngữ của phụ nữ là để tạo dựng mối quan hệ còn ngôn ngữ của đàn ông là để thể tính tự cường, giành cấp bậc xã hội. Tuy nhiên, điểm hạn chế của khung difference là khó có thể đưa ra kết quả đúng khi sử dụng để phân tích cuộc đối thoại tham gia bởi cả hai giới, vì vậy khung difference cũng gây nhiều tranh cãi và dần giảm độ phổ biến (Vu, 2023). Trường phái thứ tư là dynamic, cũng là trường phái đang được quan tâm, coi việc nhận dạng giới tính được định hình bởi xã hội thay vì xếp ngôn ngữ vào từng mục chia theo giới tính tự nhiên vốn có, và các nhà nghiên cứu cũng phân tích dưới góc độ xã hội (Vu, 2023). 

2.3. Các nghiên cứu về giới trong sách giáo khoa 

Có rất nhiều nghiên cứu đã nghiên cứu về việc thể hiện giới tính trong sách giáo khoa ngoại ngữ. Bahman & Rahimi (2010) đã sử dụng cả phương pháp định tính và định lượng để phân tích sách giáo khoa tiếng Anh của các trường trung học tại Iran. Nghiên cứu phát hiện ra rằng có sự khác biệt lớn về giới giữa cách miêu tả nam và nữ trong các cuốn sách này. Trong đó, nam xuất hiện nhiều hơn nữ trong lĩnh vực tên, danh từ, đại từ và tính từ. 

Trong một nghiên cứu khác, Porreca (1984) sử dụng các phương pháp nghiên cứu đơn giản như đếm và phân loại để đánh giá 15 cuốn sách giáo khoa ESL. Tác giả chỉ ra rằng những cuốn sách này thường thể hiện sự mất cân bằng về giới tính, với nam giới xuất hiện nhiều hơn nữ giới và thường được miêu tả trong các vai trò tích cực và chủ động hơn. Ví dụ, nam giới thường gắn liền với vai trò quyết đoán và phụ nữ có vai trò phục tùng. Hơn nữa, trong lĩnh vực nghề nghiệp, phụ nữ có ít cơ hội nghề nghiệp hơn nam giới và nam giới có nhiều lựa chọn hơn phụ nữ; thu nhập của phụ nữ cũng ít hơn nhiều so với nam giới. 

Tương tự, Amini & Birjandi (2012) đã phân tích sách giáo khoa EFL lớp 2 và lớp 3 ở Iran để tìm hiểu cách miêu tả hai giới tính cả trong văn bản và hình minh họa. Liên quan đến việc miêu tả nam/nữ trong các hoạt động, phụ nữ nhìn chung bị rập khuôn là những bà mẹ nội trợ và chủ yếu tham gia vào các công việc gia đình bao gồm dọn phòng, pha trà, nướng bánh và chỉ thỉnh thoảng mới có cơ hội học bài hoặc xem TV. Họ thường được miêu tả là những sinh vật dễ xúc động và bất cẩn, khóc sau các bộ phim truyền hình và thường xuyên bị mất đồ và chỉ sau đó mới bận rộn tìm kiếm chúng. Trong khi đó, nam giới chủ yếu chơi bóng đá, bóng bàn, đọc báo, sửa xe, bơi lội, tìm việc làm mới, mua nhiều thứ khác nhau, v.v. Nam giới với tư cách là trụ cột gia đình luôn tham gia vào việc mua đồ. Do đó, động từ mua luôn được đặt cùng với chủ thể nam. 

Hamdan (2010) cũng xem xét sự thiên vị giới tính trong sách giáo khoa tiếng Anh được sử dụng trong các trường công lập ở Jordan. Tác giả đã tiến hành phân tích nội dung diễn ngôn của sách giáo khoa sử dụng từ lớp 1 đến lớp 9. Kết quả chỉ ra rằng sách giáo khoa phản ánh định kiến giới tính phổ biến về mặt văn hóa. Trong khi nam giới làm nhiều công việc khác nhau và được miêu tả là những nhân vật quyền lực và thống trị trên thị trường lao động thì nữ giới lại làm những công việc truyền thống như giáo viên và y tá. 

Tương tự, Aguilar (2021) sử dụng phương pháp định lượng và định tính để phân tích sự thể hiện giới tính trong ba cuốn sách giáo khoa EFL từ các nhà xuất bản khác nhau được sử dụng trong trường tiểu học công lập ở Mexico. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng có nhiều nhân vật nam hơn nhân vật nữ được miêu tả trong sách giáo khoa ngoại ngữ. Nữ giới thường được gắn liền với việc giảng dạy nhiều hơn so với nam giới. Trong khi phụ nữ chỉ được miêu tả là y tá, diễn viên, nhân viên bán hàng thì các vai trò nghề nghiệp của nam bao gồm tài xế taxi, thợ cơ khí, công nhân xây dựng, lính cứu hỏa, kiến trúc sư, nhà khảo sát, bác sĩ, chuyên gia, v.v. Kết quả cũng chỉ ra rằng nghề nghiệp của nam giới năng động hơn các nghề của nữ và các nghề của nam giới có liên quan đến khả năng lãnh đạo nhiều hơn so với nữ giới. 

Ahmad & Shah (2019) đã áp dụng mô hình ba chiều của Fairclough để phân tích sự thể hiện giới tính trong sách giáo khoa tiếng Anh dạy cho học sinh lớp 5 ở các trường công lập và tư thục ở Punjab (Pakistan). Kết quả chỉ ra rằng có sự thể hiện không đồng đều về cả hai giới tính trong sách giáo khoa nói trên, trong đó nữ giới được thể hiện ở vị trí phụ thuộc và thấp kém trong khi nam giới được thể hiện ở vị trí thống trị và có ảnh hưởng. 

Ouyang (2022) đã tiến hành phân tích về định kiến giới tính trong hai cuốn sách giáo khoa tiếng Anh lớp 7 dành cho các trường trung học cơ sở của Trung Quốc, tập trung vào cách trình bày trực quan. Theo như kết quả nghiên cứu, nhân vật nam chiếm những vị trí nổi bật hơn hoặc đảm nhận những vai trò tích cực, quan trọng hơn so với các nhân vật nữ trong các tranh minh hoạ. Ngoài ra, nam giới được thể hiện là những người hướng ngoại và năng động hơn trong khi phụ nữ trầm tính hơn và thích im lặng. Đàn ông quan tâm nhiều hơn đến các môn học STEM, trong khi phụ nữ lại quan tâm đến những môn mang tính nghệ thuật hơn. Đồng thời, tỷ lệ tham gia chính trị của nam giới cũng cao hơn nữ giới, và phụ nữ chỉ chiếm vị trí quan trọng trong đời sống gia đình. 

Söğüt (2018) đã phân tích các cuốn sách giáo khoa và bài tập EFL trung học được xuất bản bởi Bộ Giáo dục Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Nghiên cứu cho thấy các nhân vật nữ được thể hiện thực hiện các công việc trong nhà và những công việc truyền thống như giáo viên, y tá, phục vụ bàn, quản gia, thợ dệt thảm trong khi nam giới được thực hiện hầu hết các công việc ngoài trời và những công việc có uy tín cao như nhà nghiên cứu, doanh nhân, giáo sư, nhà thiên văn học, kiến trúc sư, giám đốc điều hành, nhà leo núi, nhiếp ảnh gia. Ngoài phát hiện nói trên, người ta thấy rằng đa số tính từ dùng để miêu tả nữ giới có hàm ý tiêu cực như chống đối xã hội, cô đơn, căng thẳng, lo lắng, phòng thủ, tức giận, thiếu kinh nghiệm, ghen tị, thiếu tôn trọng trong khi nam giới chủ yếu được gán cho những tính từ có hàm ý tích cực như trung thành, huyền thoại, thông minh, chung thủy, thành công, tài năng, hòa đồng, nổi tiếng v.v. 

Một bài báo của tờ VNExpress tại Việt Nam cũng đã đề cập đến vấn đề bất bình đẳng giới trong sách giáo khoa. Nhà báo Dương Tâm (2017) đã phân tích 76 cuốn sách giáo khoa của 6 môn học phổ thông, trong đó có gần 8,300 nhân vật được đề cập nhưng nam giới chiếm tới 69%, nữ chỉ chiếm 24% và trung tính về giới chiếm 7% (đứa trẻ, học sinh, phụ huynh). Thêm vào đó, trong gần 8,000 nhân vật được đề cập trong các hình ảnh thì nam giới chiếm 58%, nữ giới chiếm 41%, còn lại là trung tính. Đặc biệt, 95% ví dụ trong sách giáo khoa về các nhân vật quan trọng, nổi tiếng là nam giới. Qua đó, ông Trần Kim Tự, Cục phó Nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng đã chỉ rõ những vấn đề giới trong sách giáo khoa Việt Nam vẫn còn nhiều nội dung, hình ảnh mang nặng định kiến giới. Vấn đề đầu tiên là liên quan đến số lượng tác giả nam và nữ của sách giáo khoa, số lượng tác giả nam vẫn nhiều hơn tác giả nữ. Thứ hai là mất cân đối số lượng nhân vật nam và nữ. Thứ ba, vẫn còn tồn tại những định kiến giới về nghề nghiệp, hành động của nam và nữ vì vậy hình ảnh đại diện nghề nghiệp của nam và nữ vẫn chưa phản ánh được những xu hướng thay đổi trong xã hội bây giờ. Cuối cùng là những nội dung, kỹ năng sống về giáo dục giới tính vẫn chưa được đề cập một cách bài bản. 

Một nghiên cứu khác về sự hiện diện của nam giới và nữ giới trong sách giáo khoa Tiếng Anh được sử dụng ở cấp trung học phổ thông là Bahasa Inggris (BI) và Aim High (AH) ở Indonesia , Yonata và Mujiyanta (2017) cũng đã nhấn mạnh về sự mất cân đối của các nhân vật nam và nữ cũng như những định kiến giới. Đối với sách BI, tỷ lệ nhân vật nam chiếm là 48% trong khi nữ giới chỉ chiếm 35%, 17% còn lại là trung tính. Tương tự, đối với sách AH, nữ giới cũng chỉ chiếm 39% và nam giới vẫn giành phần lớn hơn là 48%. Đáng nói hơn, nghiên cứu đã chỉ rõ ràng sự khác nhau về vai trò, hoạt động, nghề nghiệp của nam giới và nữ giới. Khi nhắc đến sự nghiệp học hành thì nam giới được thể hiện một cách rõ ràng. Nam giới luôn được miêu tả là một người có học thức và tham gia vào các công việc liên quan tới khoa học kỹ thuật, điều này dẫn tới giả định chỉ có nam giới mới có thể phát triển sự nghiệp học hành để nâng cao trình độ. Trong khi đó, khi đề cập đến các hoạt động thường làm trong thời gian rảnh thì nữ giới thường gắn liền với công việc nhà, nội trợ, chăm sóc gia đình. 

Ullah và Skelton (2013) đã sử dụng phương pháp định tính để phân tích vai trò giới tính được thể hiện rõ ở sách giáo khoa tại tỉnh KPK ở Pakistan. Trong khi nam giới xuất hiện ở những vị trí có quyền lực, chẳng hạn như thẩm phán, cảnh sát, sĩ quan quân đội, giám đốc điều hành doanh nghiệp thì phụ nữ lại xuất hiện với những hình ảnh đại diện kém quyền lực hơn. Tương tự như các nghiên cứu trên, trong sách giáo khoa, hình ảnh phụ nữ ít được xuất hiện ở các vị trí chủ chốt, quan trọng, thay vào đó, việc dạy học được coi là công việc phù hợp với phụ nữ vì đó được xem là công việc rập khuôn, ngoài ra bởi giáo viên thì có thể nghỉ giữa giờ giúp phụ nữ quán xuyến được cả việc nhà. Điều này đã dẫn đến một lối suy nghĩ rằng công việc phù hợp với phụ nữ khi nó không ảnh hướng đến những việc nội trợ. Ngoài ra, nghiên cứu cũng đã phân tích những đề cập đến sự khác biệt của nam giới và nữ giới khi chơi thể thao. Xuyên suốt sách giáo khoa, nam giới được xuất hiện với tần suất thường xuyên (85 lần) và có đa dạng thể loại thể thao như bóng chuyền, bóng bàn, bóng rổ, cưỡi ngựa, đá bóng, bơi, bóng gậy, khúc côn cầu trên băng, ngược lại nữ giới chỉ được thể hiện 17 lần ở trong phạm vi hẹp hơn như nhảy dây và đu quay. Azzarito (2012) cũng cho rằng những phát hiện này càng làm rõ rằng vấn đề giới tính vẫn tiếp tục hạn chế những lựa chọn, cơ hội của nữ giới trong thể thao. 

Tiếp theo là một nghiên cứu phân tích sách giáo khoa Tiếng Anh dành cho khối 10 của trường Trung học Phổ thông ở Indonesia có tên là Bahasa Inggris của Setyaningsih, Agni và Sarosa công bố năm 2020. Ngoài những định kiến giới liên quan đến nghề nghiệp, thể thao, hoạt động như các nghiên cứu trên thì Setyaningsih, Agni và Sarosa (2020) đã chỉ ra rằng trong sách giáo khoa này về sự khác nhau về sử dụng tính từ để miêu tả nam giới và nữ giới. Xuyên suốt cuốn sách, tác giả đã sử dụng những tính từ liên quan đến cảm xúc, tuổi tác, ngoại hình để miêu tả phái nữ. Trong khi đó, nam giới được thể hiện bằng cách sử dụng những tính từ liên quan đến sức mạnh thể chất, tinh thần , quyền lực. Bên cạnh đó, nghiên cứu chỉ ra rằng nam giới thường được miêu tả với những tính từ tích cực hơn nữ giới. 

Tajeddin và Enayat (2010) sử dụng phương pháp định tính và định lượng để phân tích sự thể hiện của nam giới và nữ giới trong sách giáo khoa Tiếng Anh “New Headway”. Xuyên suốt cuốn sách, nam giới được miêu tả thường mặc quần áo kín (98%), ngược lại nữ giới chiếm 79%, dù đây là con số cao nhưng 17,7% nữ giới mặc quần áo có phần hở hang và điệu đà. Kress và van Leeuwen (2006) cũng cho rằng sự xuất hiện của nữ giới thì thường sẽ gắn liền với trang phục nhẹ nhàng, có phần gợi cảm là điều dễ hiểu. Trong khi đó, nam giới sẽ thường xuất hiện với hình ảnh trong bộ quần áo kín, giản dị, chuyên nghiệp. 

Zhang và Cao (2022) đã phân tích những vấn đề về định kiến giới xuất hiện trong sách giáo khoa Tiếng Anh của học sinh tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Tương tự như những nghiên cứu trên, sách đã thể hiện rõ những định kiến giới chẳng hạn như nam giới thường tham gia những hoạt động thể thao theo nhóm như bóng đá, bóng rổ ,ngược lại nữ giới thường gắn liền những môn thể thao nhẹ nhàng hơn như yoga, khiêu vũ. Mặc dù ngay cả khi nam giới được đề cập với những việc nhà thì nam giới thường làm những công việc như sửa chữa đồ gia dụng trong nhà, ngược lại nữ giới thường được gắn bó với những hình ảnh “nhẹ nhàng” như đang nấu ăn, dọn dẹp. 

Một nghiên cứu khác phân tích về sách giáo khoa tiếng Ả Rập, Kuraedah và cộng sự (2023) cũng đã chỉ rõ những thành kiến về giới tính. Điều này có thể thấy được từ tỷ lệ đại diện giới tính trong sách giáo khoa bằng lời nói và hình ảnh có xu hướng thiên về nam giới hơn so với nữ giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau như sở thích, sức khỏe, sinh viên đại học, nghề nghiệp. Hình ảnh phụ nữ vẫn gắn liền với những công việc nội trợ, việc nhà. Tất cả những định kiến trên đều là những ảnh hưởng của chế độ phụ hệ. 

Sau khi tìm hiểu các nghiên cứu liên quan đến vấn đề đại diện giới trong các sách giáo khoa ở trong và ngoài nước, có thể thấy các nghiên cứu trên đã chỉ ra được những vấn đề thể hiện định kiến giới một cách rõ ràng. Nhìn chung, các nghiên cứu đã phản ánh sự thiên lệch về giới tính, nơi mà nam giới thường được miêu tả với vai trò chủ động, quyền lực, mạnh mẽ và có những vị trí xã hội cao hơn, ngược lại nữ giới thường bị giới hạn trong những vai trò phụ trợ, thụ động, yếu đuối và thường chỉ được mô tả trong bối cảnh gia đình. Từ đó, các nhà nghiên cứu cũng đã khuyến nghị cho việc cân bằng hơn giữa các vai trò của nam và nữ cũng như tăng cường sự hiện diện của nhân vật nữ và đảm bảo rằng họ được mô tả trong những vai trò quan trọng trong xã hội.

2.4. Phân tích diễn ngôn phê phán (Critical discourse analysis – CDA) 

Phân tích diễn ngôn phê phán (CDA) tập trung vào mối liên hệ giữa ngôn ngữ và các khía cạnh xã hội, chẳng hạn như các mối quan hệ về quyền lực, các tư tưởng hay các nhân dạng xã hội. Fairclough (2002) cũng đã chỉ ra rằng khởi nguồn của CDA là các vấn đề xã hội, mà một trong số đó là giới tính, một vấn đề của phụ nữ và cả đàn ông khi xét theo một mặt khác, và chung quy lại, là các mối liên hệ về giới tính (Sunderland, được trích dẫn bởi Vu, 2023). Bởi vậy, CDA là một phương pháp hợp lý và tối ưu cho các nghiên cứu về giới tính mà tập trung vào quyền lực, bất bình đẳng và các định kiến, tư tưởng. 

2.5. Lý do nghiên cứu 

Mặc dù vấn đề này đã nhận được sự quan tâm rộng rãi trên toàn thế giới, nhưng các nghiên cứu từ trước đến nay về sự thể hiện giới trong hầu hết sách giáo khoa EFL và các sách giáo khoa ngoại ngữ khác ở các quốc gia khác nhau chủ yếu tập trung vào cấp tiểu học và trung học, ít chú ý đến sách giáo khoa ở cấp đại học. Bên cạnh đó, sinh viên đại học hiện nay cũng đề cao việc tôn trọng bình đẳng giới hơn bao giờ hết và chỉ khi hệ tư tưởng giới được phản ánh trong sách giáo khoa tương ứng với hệ tư tưởng của họ thì việc học ngôn ngữ của họ mới có thể tiến bộ và gặt hái được những kết quả tốt hơn. Hơn nữa, hầu hết các nghiên cứu trước đây tập trung chủ yếu vào sách giáo khoa tiếng Anh. Việc nghiên cứu các ngoại ngữ khác có thể cung cấp cái nhìn tổng quan hơn về định kiến giới trong toàn bộ chương trình giáo dục. Theo tờ báo VNExpress, hiện nay có khoảng 60 trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam đào tạo chuyên ngành tiếng Hàn với số lượng sinh viên khoảng 25.000. Mặc dù nhu cầu học tiếng Hàn ngày càng cao ở Việt Nam nhưng việc nghiên cứu các bộ sách giáo khoa được sử dụng trong giảng dạy ngoại ngữ này vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Chính vì những lí do trên, bài nghiên cứu này nhằm mục đích nghiên cứu xem nam giới và nữ giới được thể hiện như thế nào trong Sách tiếng Hàn tổng hợp dành cho người Việt Nam – Sơ cấp 1 từ góc độ phân tích diễn ngôn phê phán (CDA). 

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

Aguilar, J. S. (2021). Gender Representation in EFL Textbooks in Basic Education in Mexico. Mextesol Journal, 45(1), 1–9. https://doi.org/10.61871/mj.v45n1-11 Ahmad, M., & Shah, S. K. (2019). A Critical Discourse analysis of gender representations in the content of 5th Grade English Language Textbook. International and Multidisciplinary Journal of Social Sciences, 8(1), 1.

Amini, M., & Birjandi, P. (2012). Gender bias in the Iranian high school EFL textbooks. English Language Teaching, 5(2). https://doi.org/10.5539/elt.v5n2p134 Bahman, M., & Rahimi, A. (2010). Gender representation in EFL materials: an analysis of English textbooks of Iranian high schools. Procedia – Social and Behavioral Sciences, 9, 273–277. https://doi.org/10.1016/j.sbspro.2010.12.149 

Coates, J. (2015). Women, men and language. In Routledge eBooks. https://doi.org/10.4324/9781315645612 

Dương Tâm (2017). Bất bình đẳng giới trong sách giáo khoa. vnexpress.net. https://vnexpress.net/bat-binh-dang-gioi-trong-sach-giao-khoa-3634161.html Eckert, P., & McConnell-Ginet, S. (2013). Language and gender. https://doi.org/10.1017/cbo9781139245883 

Fairclough, N. (2001). Language and power. Routledge. 

Gee, J. P., & Handford, M. (2013). The Routledge Handbook of Discourse Analysis. https://doi.org/10.4324/9780203809068 

Hamdan, S. (2010). English-language textbooks reflect gender bias: A case study in Jordan. Advances in Gender and Education, 2(2), 22-26. 

Kuraedah, S., Gunawan, F., Alam, S., Ubaidillah, M. F., Alimin, A., & Fitriyani, F. (2023). Gender representation in government-endorsed Arabic language textbooks: Insights from Indonesia. Frontiers in Education, 7. https://doi.org/10.3389/feduc.2022.1022998 

Minh, B. (2023, July 13). Korean language on the rise in Vietnam. VnExpress International – Latest News, Business, Travel and Analysis From Vietnam. https://e.vnexpress.net/news/education/the-rise-of-the-korean-language-in-vietnam-46 26584.html

Ouyang, Y. (2022). Analysis of gender stereotypes in illustrations of the 2nd edition of junior high school English textbooks “Go For It.” In Proceedings of the 2022 International Conference on Science Education and Art Appreciation (SEAA 2022) (pp. 715–721). https://doi.org/10.2991/978-2-494069-05-3_87 

Porreca, K. L. (1984). Sexism in current ESL textbooks. TESOL Quarterly, 18(4), 705. https://doi.org/10.2307/3586584 

Setyaningsih, E., Agni, A., Z. & Sarosa, T. (2020) Examining gender representation in an Indonesian EFL textbook. Register Journal. Vol. 13, No. 1, (2020), pp.183-207 https://doi.org/10.18326/rgt.v13i1.183-207 

Söğüt, S. (2018). GENDER REPRESENTATIONS IN HIGH SCHOOL EFL COURSEBOOKS: AN INVESTIGATION OF JOB AND ADJECTIVE ATTRIBUTIONS. Abant İzzet Baysal Üniversitesi Eğitim Fakültesi Dergisi, 18(3), 1722–1737. https://doi.org/10.17240/aibuefd.2018.18.39790-471184 

Tajeddin, Z. & Enayat, J.,M. (2010) Gender representation and stereotyping in ELT textbooks: A critical image analysis. TELL, Vol. 4, No. 2, Fall & Winter 2010, pp. 51-79 

Talbot, M. (2019). Language and gender. John Wiley & Sons. 

Tannen, D. (1990). Gender differences in topical coherence: Creating involvement in best friends’ talk. Discourse Processes, 13(1), 73–90. https://doi.org/10.1080/01638539009544747 

Ullah, H., & Skelton, C. (2013). Gender representation in the public sector schools textbooks of Pakistan. Educational Studies, 39(2), 183–194. https://doi.org/10.1080/03055698.2012.702892 

Vu, T. P. Q. (2023). MALE REPRESENTATION IN SUPER BOWL COMMERCIALS 2019. VNU Journal of Foreign Studies, 39(3), 128–151.

West, C., & Zimmerman, D. H. (1987). Doing gender. Gender & Society, 1(2), 125–151. https://doi.org/10.1177/0891243287001002002 

Yonata, F & Mujinata, Y (2017). The Representation of Gender in English Textbooks in Indonesia. https://journal.unnes.ac.id/nju/LC/article/view/11473 

Zhang, L., Zhang, Y., & Cao, R. (2022). “Can we stop cleaning the house and make some food, Mum?”: A critical investigation of gender representation in China’s English textbooks. Linguistics and Education, 69, 101058. https://doi.org/10.1016/j.linged.2022.101058 

3. Ý nghĩa khoa học 

Sau thời gian dài tìm hiểu, đề tài của nghiên cứu “Sự thể hiện của nam và nữ trong sách Tiếng Hàn tổng hợp 1” là một trong những nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam tập trung vào phân tích khía cạnh giới tính trong sách giáo trình tiếng Hàn, đặc biệt là cuốn “Sách tiếng Hàn tổng hợp dành cho người Việt Nam – Sơ cấp 1”. Từ đó, có thể thấy rằng sự bất bình đẳng không chỉ thể hiện ở trong 76 cuốn sách giáo khoa của sáu môn học phổ thông của Việt Nam, mà nó còn thể hiện một cách rõ ràng và cụ thể ở trong sách ngôn ngữ tiếng Hàn được viết bởi tác giả người Hàn Quốc. Bằng cách tiếp cận từ góc độ giới tính, nghiên cứu này sẽ góp phần làm rõ cách thức nam và nữ được thể hiện trong giáo trình ngôn ngữ, một lĩnh vực chưa được nghiên cứu sâu rộng ở Việt Nam. 

Đề tài áp dụng các lý thuyết và phương pháp nghiên cứu hiện đại trong lĩnh vực phân tích giới tính và giáo dục, bao gồm phân tích nội dung, phân tích diễn ngôn , thống kê thu thập dữ liệu và đánh giá định tính. Nghiên cứu này không chỉ dừng lại ở việc phân tích bề mặt mà còn đi sâu vào ngữ cảnh để hiểu rõ hơn về cách giới tính nam và nữ được thể hiện trong sách. 

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cung cấp những phát hiện mới và bổ sung vào kho tàng kiến thức về giáo trình ngôn ngữ và cách mà các yếu tố văn hóa, xã hội như giới tính có thể ảnh hưởng đến việc trình bày nội dung. Từ đó, có thể mở ra hướng đi mới cho các nghiên cứu tiếp theo trong các giáo trình ngôn ngữ.