1. Nhu cầu thực tiễn
Nhật Bản là quốc gia được biết đến với văn hóa doanh nghiệp đặc trưng bởi chế độ tuyển dụng trọn đời, tăng lương theo thâm niên,… Tuy nghiên, theo thời gian, nét đặc trưng này dần có sự thay đổi. Theo khảo sát do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội thực hiện năm 2020, 33% doanh nghiệp Nhật Bản có nhân sự chuyển việc. Có thể nói, hiện nay “chuyển việc” đã dần trở thành thuật ngữ quen thuộc với người lao động Nhật Bản, đặc biệt là lao động trẻ.
Cùng nằm ở châu Á và có mối quan hệ tốt đẹp với Nhật Bản, Việt Nam được đánh giá là quốc gia đang phát triển, có nhiều lao động trẻ. Tại Việt Nam, thị trường lao động có nhiều thay đổi do đổi mới công nghệ, thay đổi cơ cấu kinh tế hay ảnh hưởng của đại dịch… Trong đó, chuyển việc ở lao động trẻ là vấn đề thường xuyên được nhắc tới. Theo khảo sát nhân sự do Anphabe thực hiện vào tháng 12 năm 2021, 58% người lao động tại Việt Nam đang tìm kiếm công việc khác.
Vì vậy, nghiên cứu này sẽ tiến hành khảo sát để làm rõ xu hướng chuyển việc làm của lao động trẻ ở Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời so sánh xu hướng chuyển việc của lao động trẻ ở hai nước từ đó phân tích những điểm tương đồng và khác biệt. Hy vọng rằng kết quả thu được từ nghiên cứu này sẽ trở thành tài liệu tham khảo hữu ích với các công ty Nhật Bản-Việt Nam trong quá trình sử dụng nguồn nhân lực, với những lao động trẻ trong quá trình gây dựng sự nghiệp.
2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan
– Hagiwara và Makiko (2014) 『若年転職行動の国際比較研究』(Nghiên cứu so sánh quốc tế về xu hướng chuyển việc ở giới trẻ). Đại học Osaka. Luận án tiến sĩ. tr57-66
Nội dung được làm rõ: các yếu tố dẫn đến nghỉ việc sớm (trong vòng ba năm sau khi gia nhập công ty) và ảnh hưởng của điều này tới sinh viên mới tốt nghiệp ở Nhật Bản; phân tích và so sánh đa quốc gia về tần suất chuyển việc, các yếu tố cùng tác động của chuyển việc ở tám quốc gia châu Á (gồm cả Việt Nam và Nhật Bản).
Tuy nhiên, nghiên cứu này chưa phân tích được nguyên nhân dẫn đến sự giống và khác nhau trong xu hướng chuyển đổi việc làm của giới trẻ Việt Nam và Nhật Bản.
– Duxin (2001) 『「日本人の労働観」研究の歴史的変遷:その位相と今後的課 題』(Nghiên cứu chuyển biến lịch sử về quan niệm lao động của người Nhật: vị thế hiện tại và những vấn đề trong tương lai) 慶應義塾大学大学院社会研究科紀 要:社会学心理学教育学 (Studies in sociology, psychology and education). No 52 (2001.) tr39-49
Nghiên cứu này đã chỉ ra tác động của những thay đổi trong cơ cấu ngành công nghiệp và chuyển biến về kinh tế, lịch sử đối với quan niệm làm việc của người lao động Nhật theo giới tính và nhóm tuổi từ thời Meiji đến năm 2001. Sau đó, phân tích tầm ảnh hưởng của chúng đến lựa chọn công việc của người lao động, đặc biệt là lao động trẻ Nhật Bản.
Tuy nhiên, nghiên cứu này chưa chỉ ra cụ thể xu hướng thay đổi việc làm của lao động trẻ Nhật Bản.
– Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc (2019).『日本とベトナムの転職の決定要因の比較考 察ーGlobal Career Survey を用いた軽量研究ー』(Khảo sát so sánh những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chuyển việc của Việt Nam và Nhật Bản – Nghiên cứu định lượng có sử dụng dữ liệu từ Global Career Survey). Đại học Kobe. Luận văn. tr10-18, tr26, tr 59-61
Dựa theo Global Career Survey, nghiên cứu đã chỉ ra tình trạng chuyển việc hiện nay theo giới tính, độ tuổi và loại hình công việc ở Nhật Bản- Việt Nam cũng như hệ quả của chuyển việc. Từ đó, so sánh các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chuyển việc của người lao động ở hai nước, đồng thời đề xuất một số giải pháp. Tuy nhiên, vì tham khảo nhiều dữ liệu từ Global Career Survey (2012) nên dữ liệu nghiên cứu thu được so với thực tế chưa có sự cập nhật. Hơn nữa, nghiên cứu này hướng tới người lao động ở Việt Nam và Nhật Bản nói chung, không tập trung vào lao động trẻ.
– Phạm Thị Hiền (2023). “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định nhảy việc của nhân viên thế hệ gen Z tại thành phố Hồ Chí Minh”. Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh. Luận văn. tr5, 58-65
Nghiên cứu chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng đến ý định chuyển việc của giới trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh và đo lường tầm ảnh hưởng của những yếu tố này, theo thứ tự là: (1) tính chất công việc, (2) mối quan hệ nơi làm việc, (3) lương và phúc lợi, (4) ảnh hưởng từ xã hội, (5) môi trường làm việc, (6) đào tạo và năng lực. Từ đó, đề xuất một số biện pháp nhằm hạn chế tình trạng chuyển việc thường xuyên của người trẻ và thu hút lao động trẻ vào các công ty.
Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ nhắm đến đối tượng là thanh niên ở Thành phố Hồ Chí Minh và chưa phân tích xu hướng chuyển việc của người lao động trẻ Việt Nam nói chung.
3. Ý nghĩa khoa học
Có nhiều nghiên cứu liên quan đến đề tài chuyển việc. Nhưng chưa có nghiên cứu nào đi sâu phân tích xu hướng chuyển việc của lao động trẻ Việt Nam và Nhật Bản, từ đó so sánh điểm tương đồng-khác biệt và đưa ra một số kiến giải. Vì vậy, nghiên cứu này đã được thực hiện nhằm giải quyết những vấn đề trên.