Nghiên cứu mối quan hệ giữa các yếu tố gia đình và hành vi quản lý tài chính cá nhân của sinh viên QH2021 trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

1. Nhu cầu thực tiễn 

Là những người trẻ bắt đầu cuộc sống tự lập, sinh viên đại học thường đối mặt với nhiều thách thức về tài chính. Việc quản lý chi tiêu một cách hiệu quả đòi hỏi nhiều kỹ năng và kinh nghiệm. 

Thực tế, có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến hành vi quản lý tài chính của cá nhân. Một trong số đó chính là yếu tố gia đình. Cụ thể, mặc dù tư tưởng Nho giáo không còn ảnh hưởng sâu sắc như trước đây, song, cha mẹ Việt Nam hiện vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng tư duy và hành động của con cái, bao gồm cả các kỹ năng quản lý tài chính. Bên cạnh đó, tại các trường học ở Việt Nam, hầu như không có chương trình giảng dạy hoặc học phần chính thức nào về quản lý tài chính. Phần lớn kiến thức tài chính của sinh viên chủ yếu được tiếp thu và học hỏi từ gia đình thông qua các tương tác hàng ngày. Nhận thức được điều đó cũng như nhận thấy hiện nay, Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu khai thác đề tài này, nhóm nghiên cứu quyết định tiến hành tìm hiểu, làm rõ các yếu tố gia đình có mối tương quan với hành vi quản lý tài chính cá nhân của sinh viên ULIS thông qua việc trả lời câu hỏi chính: “Mối quan hệ giữa các yếu tố gia đình và hành vi quản lý tài chính cá nhân của sinh viên QH2021 là gì?”. 

2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan

Có rất nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến định nghĩa về hành vi quản lý tài chính cá nhân. Weston và Brigham (1981) mô tả hành vi này là một lĩnh vực liên quan đến việc đưa ra các quyết định tài chính phù hợp với động cơ của cá nhân với các mục tiêu của một tổ chức. Trong khi đó, Horne và Wachowicz (2002) cùng với Deacon và Firebaugh (1988) lại cho rằng quản lý tài chính cá nhân là các hành vi liên quan đến việc lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá các khía cạnh khác nhau như tiền mặt, tín dụng, đầu tư, bảo hiểm nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính. Còn theo nghiên cứu của Dew & Xiao (2011), hành vi quản lý tài chính là kiểm soát chi tiêu, tiết kiệm tiền, lập kế hoạch tài chính cho tương lai, nuôi sống cho bản thân và chu cấp gia đình, và cuối cùng là thanh toán hóa đơn đúng hạn. 

Bàn về các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi quản lý tài chính cá nhân, Nur và Mardiana (2020), Prihartono và Asandimitra (2018) đều cho rằng thái độ tài chính giúp cá nhân hình thành tư duy, cho phép họ kiểm soát hành vi tài chính của mình thông qua việc tác động đến cách họ ra các quyết định về quản lý tài chính. Trong khi đó, Garman & Forgue (2000) lại chỉ ra rằng hiểu biết tài chính cung cấp cho mọi người kiến thức và kĩ năng cần thiết để quản lý tiền bạc một cách hiệu quả. Tương tự, kết quả nghiên cứu của Borden và cộng sự (2008) cũng cho thấy sinh viên tham gia hội thảo về hiểu biết về tài chính có xu hướng tăng cường hạn chế sử dụng thẻ tín dụng để quản lý tài chính tốt hơn. Tuy nhiên, theo Delafrooz và Paim (2011), Hayhoe, Leach, Turner, Bruin, và Lawrence (2000), những người tham gia vào các hoạt động tài chính thường có xu hướng vượt trội về các kỹ năng quản lý tiền bạc. Ngoài thái độ tài chính, hiểu biết tài chính và thực hành tài chính, cũng có một số kết quả nghiên cứu về tác động của yếu tố gia đình đến hành vi quản lý tài chính cá nhân. Cụ thể Lusardi et al. (2010) và Webley & Nyhus (2006) đã chứng minh qua nghiên cứu: cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc xã hội hóa tài chính của con cái thông qua những hành vi như thảo luận về các vấn đề tài chính và định hướng chi tiêu. 

Khi xét đến các yếu tố trong nhóm yếu tố gia đình có tác động đến hành vi quản lý tài chính cá nhân, Murphy (2005), Antoni et al. (2019) và Zulfaris et al. (2020) đều nhận định sự giáo dục về tài chính của gia đình dưới các hình thức như: cha mẹ thường xuyên hướng dẫn, trao đổi với con về các vấn đề tài chính sẽ giúp chúng hình thành các hành vi quản lý tài chính cá nhân trong tương lai. Bên cạnh đó, một yếu tố khác cũng được đánh giá là có ảnh hưởng đến hành vi quản lý tài chính cá nhân là bối cảnh kinh tế tài chính của gia đình. Yếu tố này được chứng minh qua các nghiên cứu của Herawati et al. (2018), Oseifuah et al. (2018), Thompson (2014), và Gutter et al. (2009). Kết quả các nghiên cứu trên chỉ ra rằng: Khi gia đình có bối cảnh kinh tế tài chính ở mức cao, xu hướng con cái sẽ có hành vi quản lý tài chính cá nhân tốt hơn. Ngoài ra, Tang (2017) và Irma et al. (2023) chỉ ra tác động 2 mặt của một yếu tố khác có ảnh hưởng đến hành vi quản lý tài chính cá nhân là hành vi tài chính chính bậc cha mẹ. Theo Tang (2017), các hành tài chính tích cực được thể hiện bởi cha mẹ có thể góp phần phát triển kỹ năng tài chính và hiểu biết sâu sắc hơn về quản lý tài chính ở con cái của họ. Trong khi Irma et al. (2023) chứng minh rằng những hành vi tài chính tiêu cực do cha mẹ thể hiện có thể dẫn đến những tác động xấu đến hành vi tài chính của con cái. 

3. Ý nghĩa khoa học 

Nghiên cứu này chỉ ra hành vi quản lý tài chính của sinh viên chịu ảnh hưởng tích cực và đáng kể bởi ba yếu tố gia đình, cụ thể là giáo dục tài chính từ gia đình, bối cảnh kinh tế xã hội của gia đình và hành vi tài chính của cha mẹ. Đồng thời, nghiên cứu cũng đánh giá thực trạng quản lý tài chính của một bộ phận người Việt Nam. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy ở Việt Nam, vẫn còn thiếu nhiều các nghiên cứu sâu rộng về ảnh hưởng của gia đình đến hành vi quản lý tài chính cá nhân của sinh viên nói chung và sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN (ULIS) nói riêng. Những phát hiện này nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiến hành thêm nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực này để hiểu rõ hơn và giải quyết những thách thức và cơ hội liên quan đến quản lý tài chính cá nhân tại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh sinh viên ULIS.