Phân tích nội dung văn hóa trong Sách giáo khoa tiếng Anh lớp 6 tại Việt Nam

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

1. Nhu cầu thực tiễn 

Văn hóa đóng vai trò quan trọng trong giảng dạy ngoại ngữ vì nó có mối liên hệ chặt chẽ với ngôn ngữ. Bên cạnh đó, sách giáo khoa, được xem như “sản phẩm văn hóa”, cũng có vai trò then chốt trong các lớp học ngoại ngữ, cụ thể trong việc cung cấp mô hình ngôn ngữ và nội dung văn hóa, góp phần nâng cao nhận thức và động lực học tập của người học. 

Tại Việt Nam, tiếng Anh là ngoại ngữ chính được dạy và học qua các cấp. Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư về chương trình tiếng Anh mới dành cho bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Trong đó, một trong những mục tiêu chương trình hướng tới là nâng cao năng lực giao tiếp và hiểu biết văn hóa cho người học qua các cấp. Ở cấp tiểu học, nội dung về văn hóa trong môn tiếng Anh mang tính giới thiệu và hình thành sơ khai. Ở cấp trung học cơ sở, nội dung về văn hóa được nhấn mạnh và làm rõ hơn, khi đặt mục tiêu giúp học sinh trung học cơ sở có hiểu biết và kiến thức sâu sắc hơn về văn hóa của các quốc gia nói tiếng Anh và văn hóa Việt Nam. Cùng năm, nhiều bộ sách giáo khoa tiếng Anh có tích hợp yếu tố văn hóa đã được xuất bản để đáp ứng yêu cầu thông tư. 

Bởi vậy, việc phân tích và đánh giá sự tích hợp của nội dung văn hóa trong các bộ sách giáo khoa tiếng Anh cấp trung học cơ sở là điều cần thiết vì điều này cung cấp cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về khía cạnh kiến thức văn hóa mà học sinh trung học tiếp thu trong giai đoạn trọng tâm này, và đánh giá mức độ phù hợp của các bộ sách này với mục tiêu chương trình mới xét theo khía cạnh văn hóa. Bên cạnh đó, điều này cũng giúp các nhà giáo dục và hoạch định chính sách có thêm thông tin cho việc định hướng cải thiện sách giáo khoa tiếng Anh tại Việt Nam trong tương lai. 

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả tập trung việc phân tích nội dung văn hóa được tích hợp trong sách giáo khoa tiếng Anh 6 Global Success (gồm 2 tập). Lý do chọn khối lớp 6 vì đây là khối lớp đầu tiên trong cấp trung học cơ sở, là giai đoạn chuyển tiếp từ cấp tiểu học, đồng thời đặt nền móng cho các khối lớp sau. Bộ sách giáo khoa tiếng Anh 6 Global Success, gồm tập 1 và tập 2, được chọn để làm khách thể nghiên cứu vì đây là một trong những bộ sách được sử dụng rộng rãi nhất trong toàn hệ thống giáo dục phổ thông ở Việt Nam, và bộ sách này cũng được biên soạn để phù hợp mục tiêu của thông tư năm 2018. 

2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan 

a. Văn hoá và ngôn ngữ 

Theo Baldwin và cộng sự (2014), văn hóa là “lối sống của một nhóm người, bao gồm các biểu tượng, giá trị, hành vi, hiện vật và các khía cạnh chung khác” (trang 5). Mặt khác, thuật ngữ “văn hóa”, về bản chất, nó gắn liền chặt chẽ với ngôn ngữ vì ngôn ngữ là phương tiện truyền đạt, phản ánh và tượng trưng cho bản sắc văn hóa (Wardhaugh, 2002, trích dẫn trong Wahyuni, 2019). Ngoài ra, nghiên cứu của Wardhaugh (2002, tr.219-220) chỉ ra rằng văn hóa và tư duy được xác định và chịu ảnh hưởng bởi ngôn ngữ; ngôn ngữ của con người chịu ảnh hưởng của văn hoá; ngôn ngữ và văn hoá ảnh hưởng mạnh mẽ lẫn nhau. Do đó, ngôn ngữ và văn hóa không thể tách rời nhau (Mitchell và Myles, 2004, tr.235, trích dẫn trong Wahyuni, 2019). 

Nhận thức về ngôn ngữ nảy sinh thông qua mối quan hệ chặt chẽ giữa văn hóa và ngôn ngữ, trong đó người học ngôn ngữ có thể tiếp thu các tiêu chuẩn, chuẩn mực, giá trị và quy tắc ứng xử văn hóa mới cũng như một góc nhìn mới về thế giới (Ellis, 1985; Puente, 1997; Gieve, 1999; Abdullah, 2009, trích dẫn trong Ririn, 2012). Ngoài ra, một nghiên cứu của Puente (1997, trích dẫn trong Rajabi và Ketabi, 2012) đã chứng minh rằng văn hóa được phản ánh và ảnh hưởng bởi ngôn ngữ, tạo thành một kết nối nội tại và tương tác. Mối liên hệ này được thể hiện thông qua thuật ngữ “lingua-culture” trong đó ngôn ngữ và văn hóa có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau và lần lượt được dạy đồng thời trong quá trình giảng dạy và học ngôn ngữ. 

b. Tầm quan trọng của sách giáo khoa trong việc dạy và học ngôn ngữ Sách giáo khoa được định nghĩa : 

“Sách giáo khoa là công cụ không thể thiếu trong hầu hết các hoạt động dạy và học (Tiếng Anh). Hàng triệu bản được bán ra mỗi năm và nhiều dự án hỗ trợ đã được thành lập để sản xuất chúng ở (nhiều) quốc gia… Có vẻ như không có tình huống dạy học nào được coi là hoàn thiện cho đến khi có sách giáo khoa phù hợp” (Hutchinson & Torres, 1994, tr.315).

Sách giáo khoa đóng vai trò là một khuôn khổ và hướng dẫn có tổ chức, dựa trên mục tiêu để cả giáo viên và học sinh tuân theo (Garinger, 2002). Richards và Renandya (2002) làm rõ rằng sách giáo khoa rất hữu ích vì chúng có thể cung cấp các mô hình ngôn ngữ hiệu quả và đầu vào trực quan hấp dẫn đối với người học. Tương tự như vậy, theo Sheldon (1988), Cortazzi và Jin (1999) và Cunningworth (1995), trích dẫn trong Ajideh và Panahi (2016), sách giáo khoa đóng vai trò quan trọng trong chương trình giảng dạy và lớp học EFL/ESL, mang lại lợi thế cho cả người giáo dục và người học, đóng vai trò là nguồn lực, hệ tư tưởng và hướng dẫn, đồng thời cung cấp các hoạt động có tổ chức giúp hệ thống hóa quá trình giảng dạy và hỗ trợ giáo viên thiếu kinh nghiệm. 

c. Sách giáo khoa và nội dung văn hóa 

Theo Setiadi và cộng sự (2022), việc tích hợp nội dung văn hóa vào sách giáo khoa là một phương pháp điển hình để đưa văn hóa vào lớp học. Ngày nay, việc sử dụng sách giáo khoa ngày càng phổ biến vì mối liên hệ chặt chẽ giữa ngôn ngữ và văn hóa. Do đó, hầu hết giáo viên có thể cho học sinh tiếp xúc với nhiều khía cạnh của văn hóa nhờ việc tích hợp văn hóa vào sách giáo khoa một cách có chủ ý (Wahid và cộng sự, 2023). Một nghiên cứu của Bahrami (2015, trích dẫn trong Setiadi và cộng sự, 2022) chỉ ra rằng sách giáo khoa là công cụ cung cấp cho người học những nội dung ngôn ngữ cũng như tăng cường tương tác giữa các nền văn hóa của họ, do đó, họ có thể dễ dàng tiếp thu sâu sắc hơn với nhiều nền văn hóa khác nhau thông qua việc tích hợp văn hóa vào sách giáo khoa. Ngoài ra, nhiều người tin rằng việc tích hợp nội dung văn hóa vào sách giáo khoa tiếng Anh là điều hết sức cần thiết vì nó có thể giúp người học khơi dậy năng lực liên văn hoá và tăng cường động lực học ngôn ngữ (McKay, 2000, được trích dẫn trong Setiadi et al., 2022). 

d. Những nghiên cứu liên quan 

Nghiên cứu về mức độ tích hợp văn hóa trong nội dung của sách giáo khoa tiếng Anh đã được thực hiện nhiều trên thế giới. Trong một bài nghiên cứu của Syahri và Susanti (2016), họ sử dụng khung nghiên cứu của Cortazzi và Jin (1999) để phân tích mức độ tích hợp văn hóa nguồn và văn hóa đích trong 9 cuốn sách tiếng Anh cho học sinh cuối cấp 3 ở Palambang, Indonesia và từ kết quả chênh lệch giữa các mức độ biểu hiện văn hóa trong các cuốn sách, họ đề xuất thay đổi cần được thực hiện cho những cuốn sách như là các nhà xuất bản sách nên cân nhắc đưa tỷ lệ cân bằng giữa văn hóa nguồn và văn hóa đích. Với khung nghiên cứu tương tự với bài trên, Faris (2014) nghiên cứu nội dung có văn hóa trong một cuốn sách tiếng Anh cho học sinh ở Cianjur, West Java, và đề xuất chuyên viên phát triển học liệu nên bổ sung thêm văn hóa nguồn và văn hóa quốc tế vì có tới 77,05% nội dung có văn hóa thuộc văn hóa đích trong khi văn hóa nguồn chỉ chiếm 13,11% và văn hóa quốc tế chiếm 9,84%. Cũng ở Indonesia, Riadini và Cahyono (2021) kết hợp khung nghiên cứu của Cortazzi và Jin (1999) và Byram (1993) để phân tích biểu hiện văn hóa trong sách tiếng Anh “Bahasa Inggris”, và họ kết luận rằng những nội dung liên quan tới văn hóa trong cuốn sách đã được trình bày hiệu quả và giáo viên tiếng Anh nên sử dụng cuốn sách đó. 

Trong bối cảnh Việt Nam, khá ít nghiên cứu đã được thực hiện để đánh giá mức độ tích hợp nội dung văn hóa trong sách tiếng Anh. Nguyễn (2018) nghiên cứu những biểu hiện của văn hóa nguồn, văn hóa đích và văn hóa quốc tế bộ sách giáo khoa tiếng Anh 10, 11 và 12 của chương trình tiếng Anh hệ 10 năm, xuất bản bởi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam năm 2012. Bà phát hiện rằng bộ sách giáo khoa đã có một sự phân bổ hợp lý giữa ba loại văn hóa: văn hóa nguồn, văn hóa đích và văn hóa quốc tế. Tỷ lệ cao nhất thuộc về văn hóa nguồn (34,4%), gần bằng với văn hóa quốc tế (30,2%) và văn hóa đích (20,4%). Tác giả nghiên cứu kết luận rằng bộ sách này đáp ứng yêu cầu của việc dạy tiếng Anh như một ngôn ngữ quốc tế về mặt nội dung văn hóa. 

Như vậy, mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về mức độ tích hợp văn hóa trong nội dung sách giáo khoa tiếng Anh trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, các nghiên cứu tương tự vẫn còn hạn chế, đặc biệt là đối với sách giáo khoa tiếng Anh mới xuất bản dành cho học sinh cấp 2 sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nghiên cứu của Nguyễn (2018) đã phân tích sự phân bố của ba loại văn hóa trong bộ sách giáo khoa tiếng Anh cấp 3 của chương trình 10 năm, nhưng chưa có nghiên cứu nào tập trung vào sách giáo khoa tiếng Anh cấp 2 thuộc chương trình mới 2018. Sự thiếu vắng này tạo ra một khoảng trống nghiên cứu, cho thấy cần thiết phải đánh giá mức độ tích hợp văn hóa trong các sách giáo khoa mới dành cho học sinh cấp 2, nhằm hiểu rõ hơn về cách các loại văn hóa được tích hợp và

phân bổ trong tài liệu giảng dạy hiện tại. 

e. Trích dẫn một số nghiên cứu liên quan 

Riadini, U. S., & Cahyono, B. Y. (2021). The Analysis of the Culture-Related Contents in an Indonesian English Textbook. Indonesian Journal of English Language Teaching and Applied Linguistics, 5(2), 285-295. 

Syahri, I., & Susanti, R. (2016). An analysis of local and target culture integration in the English textbooks for senior high school in Palembang. Journal of Education and Human Development, 5(2), 97-102. 

Faris, I. N. I. (2014). Cultural content analysis of an English textbook for senior high school grade three in Cianjur, West Java. Journal of English and Education, 2(2), 14-25. 

Nguyễn, T. H. H. (2018). A study on the Features of Source culture, Target culture and International culture Represented in textbook Tiếng Anh 10, Tiếng Anh 11 and Tiếng Anh 12 of the 10-Year Curriculum= Nghiên cứu những biểu hiện văn hóa nguồn, văn hóa đích và văn h (Doctoral dissertation). 

3. Ý nghĩa khoa học 

Thông qua nghiên cứu này, nhóm tác giả mong muốn phân tích và đánh giá mức độ tích hợp văn hoá có trong bộ sách giáo khoa Tiếng Anh 6 Global Success của Việt Nam hiện nay, loại văn hoá nào được tích hợp vượt trội hơn: văn hoá nguồn, văn hoá đích, hay văn hoá quốc tế. 

Đồng thời, nghiên cứu này muốn tìm hiểu được mức độ phù hợp của bộ sách này so với yêu cầu đặt ra của Bộ Giáo dục và Đào Tạo theo thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ban hành năm 2018 về việc giúp học sinh có những hiểu biết cơ bản, khái quát và sâu rộng về nền văn hoá của các nước nói Tiếng Anh và của các quốc gia khác trên thế giới, đồng thời có hiểu biết và tự hào về những giá trị của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bằng Tiếng Anh. 

Cùng với đó, nhóm tác giả hy vọng nghiên cứu này có thể mở ra tiềm năng trong việc phát triển, thúc đẩy năng lực liên văn hoá trong giáo dục ngôn ngữ nói chung và Tiếng Anh nói riêng ở nền giáo dục Việt Nam ngày nay. Bên cạnh đó, nghiên cứu này mong muốn giúp ích cho các giáo viên Tiếng Anh việc có thể đưa nội dung văn hoá vào bài học một cách chủ động và có chủ ý để giúp người học có thể phát huy được năng lực giao tiếp liên văn hoá và hứng thú học Tiếng Anh, đồng thời điều này cũng giúp các nhà giáo dục và hoạch định chính sách có thêm thông tin cho việc định hướng cải thiện sách giáo khoa tiếng Anh tại Việt Nam trong tương lai.