“A qualitative study on the perspective of Vietnamese Tiktok users towards women’s willingness to join the military force (Nghiên cứu định tính về quan điểm của người dùng TikTok Việt Nam đối với việc nữ giới tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự)”

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

1. Nhu cầu thực tiễn

Mục đích của nghiên cứu này là làm sáng tỏ quan điểm của người dùng mạng xã hội Việt Nam về việc nữ giới tham gia nghĩa vụ quân sự, để từ đó nhận ra những hệ tư tưởng ẩn giấu liên quan đến vai trò của phụ nữ trong lực lượng vũ trang. Với hy vọng thúc đẩy nhận thức và hiểu biết sâu sắc hơn về những thách thức và cơ hội mà những người phụ nữ mong muốn phục vụ trong quân đội phải đối mặt, những kết quả thu được từ nghiên cứu này có thể góp phần đóng góp, giúp đỡ các bên liên quan để giải quyết khó khăn, cũng như thúc đẩy tính toàn diện và hướng tới một môi trường quân sự không còn ràng buộc về giới. Cuối cùng, những phát hiện của nghiên cứu này có thể đóng góp vào các cuộc thảo luận rộng rãi hơn về bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực mà thường được coi là dành cho nam giới tại Việt Nam.

2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan

Trong nhiều thập kỷ qua, ở một số quốc gia, chính phủ vẫn đang nỗ lực tăng cường sự công bằng và đa dạng giới trong lực lượng quân đội (Pendlebury, 2020), điều này đã thúc đẩy phụ nữ tích cực tham gia vào quân đội hơn. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn đang phải đối mặt với những thái độ tiêu cực trong các đơn vị chiến đấu, bao gồm các định kiến và thành kiến về giới.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ thường gắn liền với vai trò nội trợ, cho nên những nghề nghiệp yêu cầu nhiều thời gian đào tạo như quân đội được cho là không phù hợp. Trong khi đàn ông thường được tôn vinh vì sự cống hiến cho công việc thì phụ nữ lại bị chỉ trích khi chọn những nghề nghiệp buộc họ phải xa gia đình (Waruszynski và cộng sự, 2018; Van Gilder, 2019). Ngay cả khi phụ nữ cân bằng được công việc và gia đình, họ vẫn cảm thấy áp lực khi phải chăm sóc gia đình sau khi hoàn thành nhiệm vụ (Trisko Darden, 2015). Cụ thể, bảng câu hỏi của Savell và cộng sự vào năm 1979, cho thấy những người tham gia khảo sát ủng hộ phụ nữ lựa chọn những công việc truyền thống như đầu bếp, nhân viên hành chính nhân sự, kỹ thuật viên radar hơn là những công việc không truyền thống như thợ hàn, thợ máy động cơ diesel, hay lính bộ binh. Tương tự, vào năm 1994, Hurrell và cộng sự tiến hành khảo sát về quan điểm đối với việc phụ nữ ở trong quân đội, và kết quả đã cho thấy rằng việc phụ nữ đảm nhận vai trò chiến đấu hoặc sự phù hợp của họ trong quân đội thường nhận được điểm đánh giá thấp hơn. Và điều này cũng được tìm thấy trong nhiều nghiên cứu ở Việt Nam. Khi nghiên cứu về định kiến giới trong sách giáo khoa tiếng Anh đương đại ở Việt Nam, Trang và Thúy (2021) kết luận rằng phụ nữ Việt Nam bị đóng khung trong các vai trò truyền thống như là chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Trách nhiệm hiện có của phụ nữ trong xã hội Việt Nam đương đại không hề ít đi, họ được kỳ vọng là giỏi việc nước, đảm việc nhà. Một nghiên cứu khác do Anh và Thọ (2021) thực hiện cũng đã chỉ ra kết quả tương tự về hình ảnh của phụ nữ trong sách giáo khoa. Họ có ít lựa chọn nghề nghiệp hơn và thường được miêu tả là những học sinh hoặc làm việc trong lĩnh vực giảng dạy hoặc nông nghiệp. Và những suy nghĩ, ý kiến này đã làm ảnh hưởng đến tỷ lệ tuyển dụng và giữ chân phụ nữ trong ngành quân đội trên khắp thế giới (Badaró, 2015; MacKenzie và Gunaydin, 2022). Ngoài ra, phụ nữ thường được xem là người cần được bảo vệ, vì họ được miêu tả là yếu đuối hơn và dễ xúc động hơn so nam giới (McSally, 2011). Ngược lại, nam giới được mô tả là có nhiều lựa chọn nghề nghiệp, đặc biệt là những công việc đòi hỏi nhiều sức mạnh thể chất hơn (như lính cứu hỏa, vệ sĩ, cảnh sát) (Anh và Thọ, 2021). Theo Hilary Kathryn Aydt (1998), nam giới phản đối mạnh mẽ việc đưa phụ nữ vào quân đội vì họ cảm thấy phụ nữ không có khả năng về thể chất hoặc tinh thần để đáp ứng các tiêu chuẩn của một số công việc quan trọng trong quân sự. Những đặc điểm sinh học được nêu ra để không tuyển dụng phụ nữ bao gồm sức mạnh phần thân trên yếu hơn, sự bất tiện của việc mang thai, kinh nguyệt, kích thước cơ thể nhỏ hơn. Một lý do khác là nữ giới có thể đối mặt với việc nam giới không kiểm soát được ham muốn tình dục và có thể quấy rối hoặc cưỡng hiếp đồng nghiệp nữ, gây nguy hiểm cho cả hai bên (Aydt, 1998).

3. Ý nghĩa khoa học

Trong khi ngày càng có nhiều tài liệu nước ngoài nghiên cứu về sự tham gia của phụ nữ trong quân đội, thì vẫn còn thiếu các nghiên cứu tập trung cụ thể vào bối cảnh Việt Nam, đặc biệt là qua lăng kính của các nền tảng truyền thông xã hội như TikTok. Do đó, nghiên cứu này tập trung tìm hiểu về quan điểm của người dùng TikTok Việt Nam về sự tham gia của phụ nữ trong quân đội tại Việt Nam để lấp đầy khoảng trống nghiên cứu.