Nghiên cứu khám phá thói quen sử dụng tài liệu thực tế trong việc học nghe tiếng Anh mở rộng của sinh viên khoa Sư phạm tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN – Investigation into the use of Authentic Materials in Extensive Listening practice of FELTE students in ULIS

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

1. Nhu cầu thực tiễn 

Trong thời gian gần đây, việc học tiếng Anh với tài liệu thực tế (authentic materials) ngày càng trở nên phổ biến. Những tài liệu thực tế (authentic materials) như bài hát, phim ảnh, video và podcast cho người học tiếp xúc với ngôn ngữ thực tế, khác với ngôn ngữ được trình bày trong sách vở truyền thống, giúp tạo sự hứng thú và tò mò cho người học, và khiến người học tiếp thu ngôn ngữ một cách tự nhiên, hiệu quả hơn. Việc học với tài liệu thực tế (authentic materials) thường được áp dụng trong thực hành nghe mở rộng (extensive listening). Nghe mở rộng (extensive listening) là thực hành học ngôn ngữ tập trung vào sự tiếp xúc với ngữ liệu trong một khoảng thời gian dài. Bằng phương pháp này, người học có thể hoàn toàn nhập tâm vào ngôn ngữ, qua đó tiếp thu nhanh và hiệu quả hơn. Nghiên cứu về việc sử dụng tài liệu thực tế trong việc nghe mở rộng sẽ góp phần tối ưu hóa quá trình luyện nghe của người học cũng như những hoạt động giảng dạy kỹ năng nghe ở lớp của người dạy. Vì thế, nghiên cứu này mong muốn khám phá thói quen nghe mở rộng (extensive listening) với tài liệu thực tế (authentic materials) của sinh viên khoa Sư phạm tiếng Anh.

2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan 

2.1. Các công trình nghiên cứu quốc tế 

Có nhiều nghiên cứu quốc tế đã làm rõ các góc độ về tầm quan trọng và quan điểm của người học về việc luyện nghe mở rộng (extensive listening) bằng tài liệu thực tế (authentic materials). Hapsari and Ratri (2014) đã chỉ ra rằng tiếp xúc với các nguồn tài liệu này sẽ giúp người học vượt qua những khó khăn liên quan đến khả năng nhận biết giọng đọc và ngôn ngữ trong quá trình nghe hiểu, nhưng chưa làm rõ được sử ảnh hưởng của trình độ tiếng Anh đối với quá trình học và loại ngữ liệu được lựa chọn để luyện tập của người học. Công trình nghiên cứu của Metruk (2018) đã làm sáng tỏ thói quen sử dụng loại tài liệu này của người học ở các trình độ khác nhau và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc luyện nghe mở rộng (extensive listening) trong việc cải thiện trình độ tiếng Anh. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ tập trung vào tìm hiểu các nguồn tài liệu thực tế (authentic materials) theo hình thức Nghe – Nhìn và khái quát ảnh hưởng của tài liệu thực tế (authentic materials) lên người học nhưng lại

không giải thích được ảnh hưởng của các hoạt động hỗ trợ đối với quá trình luyện tập của họ. Nghiên cứu của Lauwereyns (2016) đã chỉ ra được rằng người học có những đánh giá khác nhau với từng loại tài liệu dựa trên độ khó của chúng. Nghiên cứu này đã đề cập đến sự khác biệt về trình độ của họ, cũng như khai thác được những hoạt động hỗ trợ cho quá trình luyện nghe, cùng với đó là những ưu điểm và nhược điểm khi sử dụng tài liệu thực tế (authentic materials). 

2.2. Các công trình nghiên cứu trong nước 

Tại Việt Nam, các nghiên cứu đã nêu bật những kết quả khả quan của việc sử dụng tài liệu nghe thực tế để luyện tiếng Anh. Cao and Bui (2023) nhận thấy rằng Podcast được người học đánh giá cao vì nội dung đa dạng và tính thực tiễn trong việc cải thiện kỹ năng nghe thực tế, trong khi Nguyen (2016) nhấn mạnh vào các phương pháp tự học nghe tiếng Anh phổ biến như xem phim, nghe nhạc và chép lại. Các nghiên cứu của Le and Pham (2020), Yen and Thao (2021), và Ly and Nga (2020) cũng đã chứng minh hiệu quả của việc nghe mở rộng (extensive listening) trong việc nâng cao kỹ năng nghe và kiến thức từ vựng ở người học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Tuy nhiên, Vu and Shah (2016) chỉ ra rằng người học thiếu chủ động, và việc tự học thường nhằm mục đích chuẩn bị cho các bài kiểm tra hơn là luyện tập thường xuyên. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người học thành thạo ngôn ngữ hơn có xu hướng sử dụng tài liệu thực tế (authentic materials) thường xuyên hơn. 

2.3. Khoảng trống trong nghiên cứu 

Hiện nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu khai thác về góc nhìn của người dạy và các phương pháp giảng dạy đối với các bài tập nghe chuyên sâu (intensive listening) ở lớp. Tuy vậy, số nghiên cứu tìm hiểu về trải nghiệm của người học đối với việc luyện nghe mở rộng (extensive listening) vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc tích hợp tài liệu thực tế (authentic materials) vào quá trình luyện nghe mở rộng (extensive listening) là tương đối mới ở Việt Nam. Có rất ít nghiên cứu tìm hiểu về cách sinh viên Việt Nam sử dụng các tài liệu này để tự luyện nghe ngoài giờ học, đặc biệt là với sinh viên khoa Sư phạm Tiếng Anh tại trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN. Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm hiểu về thói quen luyện nghe mở rộng (extensive listening) với tài liệu thực tế (authentic materials) của sinh viên khoa Sư phạm Tiếng Anh, nhằm xác định tỷ lệ sử dụng và các chiến thuật luyện nghe trong quá trình tự học của sinh viên. 

3. Ý nghĩa khoa học 

Bài nghiên cứu được thực hiện nhằm hỗ trợ giảng viên và sinh viên khoa Sư phạm tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN tối ưu hóa hiệu quả quá trình dạy, học tiếng Anh. Thông qua nghiên cứu này, giảng viên có thể hiểu rõ thói quen luyện nghe của sinh viên, qua đó đưa ra những điều chỉnh và sáng kiến phù hợp cho việc giảng dạy. Bài nghiên cứu cũng sẽ giúp sinh viên hiểu rõ các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình tự học kỹ năng nghe, qua đó tự điều chỉnh phương pháp luyện tập của bản thân nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.