Khảo sát và phân tích về hoạt động làm thêm bán thời gian của sinh viên khoa NN&VH Pháp – Trường Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc Gia Hà Nội

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

1. Nhu cầu thực tiễn
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập hóa đất nước, nhu cầu nhân lực của ngành ngôn ngữ đã và đang ngày càng tăng cao, đem đến những cơ hội việc làm liên quan đến ngành ngôn ngữ với cơ hội, mức thu nhập tốt cho người trẻ nói chung và sinh viên theo đuổi ngành ngôn ngữ nói riêng. Trong những năm qua, đào tạo ngoại ngữ chất lượng đi đôi với thực tiễn, đáp ứng với nhu cầu của nhà tuyển dụng, thị trường lao động, điều này chính là mục tiêu tiên quyết mà các đơn vị đào tạo ngoại ngữ bậc đại học như trường ĐHNN – ĐHQGHN, trường ĐH Hà Nội, trường ĐH KHXH&NV – ĐHQGHN,… đặc biệt chú ý quan tâm và các cơ sở đào tạo bậc đại học này đã không ngừng thay đổi chương trình đào tạo ngày càng thực tiễn, thích ứng với sự thay đổi của thời đại. Tại khoa NN&VH Pháp, Trường ĐHNN – ĐHQGHN, đội ngũ cán bộ giảng viên trong Khoa luôn tiên phong trong nghiên cứu, giảng dạy, thay đổi chương trình đào tạo phù hợp nhất để hỗ trợ sinh viên ngành Ngôn ngữ Pháp vừa học tốt tiếng Pháp, khám phá đất nước, văn hóa con người Pháp, vừa được trang bị những kiến thức, kỹ năng thiết thực qua những môn học chuyên ngành để có thể chinh phục nhà tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp. Trong quá trình học tập tại khoa Pháp, nhiều sinh viên đã đi làm thêm bán thời gian (part time) từ rất sớm để có thể rèn luyện kỹ năng mềm, kinh nghiệm làm việc cũng như có thêm thu nhập phụ giúp gia đình và tự lập sớm.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhóm nghiên cứu nhận thấy thực trạng sinh viên khoa NN&VH Pháp có xu hướng làm thêm bán thời gian các công việc không liên quan đến tiếng Pháp hoặc công việc sử dụng ngôn ngữ khác, cụ thể là tiếng Anh thay vì tiếng Pháp. Vậy đâu là nguyên nhân sinh viên khoa Pháp không đi làm thêm những công việc liên quan đến tiếng Pháp để có thể thực hành tiếng cũng như rèn luyện, học hỏi thêm các kiến thức liên quan đến thị trường lao động Pháp ngữ. Việc sinh viên học tiếng Pháp đi làm thêm công việc sử dụng ngôn ngữ khác/ công việc không liên quan đến chuyên ngành đào tạo mang lại lợi ích và bất lợi gì cho họ. Chúng tôi mong muốn thực hiện nghiên cứu này nhằm làm rõ về hoạt động làm việc bán thời gian của sinh viên ngành Ngôn ngữ Pháp, đồng thời cung cấp những thông tin hữu ích, đề xuất thiết thực cho Ban chủ nhiệm khoa cũng như nhà trường trong định hướng giới thiệu việc làm thêm cho sinh viên.
2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan
Để mở đầu cho bài nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu mong muốn có thể làm rõ các khái niệm về việc làm thêm/việc làm bán thời gian cũng như khái niệm về kết quả học tập. Trong nghiên cứu “Part-time work in international perspective” (1990), Thurman & Trah có đề cập đến định nghĩa công việc bán thời gian được ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) sử dụng cho các mục đích nội bộ trong nhiều năm. Khái niệm này được làm rõ qua một số điểm sau: đây là công việc “thường xuyên”, song song với việc làm chính thức; “được trả lương” và có số giờ làm việc ngắn hơn “đáng kể” so với mặt bằng chung (luật ở mỗi quốc gia sẽ quy định khác nhau về ngưỡng này). Theo Đặng, T. H. và cộng sự (2016), khái niệm việc làm thêm đối với sinh viên có nghĩa là sự tham gia làm việc ngay khi vẫn còn đang học ở trường mà không bị pháp luật ngăn cấm, không làm ảnh hưởng nhiều đến học tập. Trong công trình này, chúng tôi cũng làm rõ khái niệm “kết quả học tập” được đề cập bên trên. Gronlund, trong cuốn sách “Measurement and Evaluation in Teaching” (1971), “kết quả học tập” (learning
outcomes) đã được đề cập như sau: mục đích của giáo dục là sự tiến bộ của học sinh, sinh viên; đây là kết quả cuối cùng của quá trình học tập nhằm mục đích thay đổi hành vi của người học, khi nhìn nhận mục tiêu giáo dục theo hướng kết quả học tập, chúng ta cần phải lưu tâm rằng đang đề cập đến những sản phẩm của quá trình học tập chứ không phải bản thân quá trình đó, cũng không phải chỉ chú trọng đến điểm số của bài kiểm tra. Mối liên hệ giữa mục tiêu giáo dục (sản phẩm) và kinh nghiệm học tập (quá trình) được thiết kế nhằm hướng tới những thay đổi hành vi theo như mong muốn. Tác giả Hoàng, Đ. N. và Lê, Đ. P. trong cuốn “Cơ sở lý luận của việc đánh giá chất lượng học tập của HS phổ thông” (1995) đã đưa ra lời giải thích riêng cho khái niệm này: thứ nhất, đó là mức độ thành tích mà một chủ thể học tập đã đạt được, xem xét trong mối quan hệ với công sức, thời gian đã bỏ ra, với mục tiêu xác định; thứ hai, nó còn là mức độ thành tích của một học sinh so với các bạn học khác.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải phân biệt hai khái niệm rất dễ nhầm lẫn: “kết quả học tập” và “điểm số”, lý do bởi rất nhiều người vẫn nghĩ rằng điểm số thể hiện toàn bộ kết quả học tập của sinh viên và có thể đánh giá trình độ của một cá nhân. Theo Bloom (1981), kết quả nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt rõ rệt giữa đánh giá tổng kết (đặc trưng là điểm số) và đánh giá quá trình học tập, dựa trên ba tiêu chí là mục đích, thời lượng khóa học và mức độ phổ quát của các câu hỏi trong bài thi. Mục tiêu của đánh giá quá trình không phải là chấm điểm hay cấp chứng chỉ cho học sinh mà nhằm định hướng cho các em cũng như giáo viên tập trung vào những nội dung cần thiết để có thể làm chủ được kiến thức. Tác giả của bài báo “Grading vs Assessment of Learning Outcomes: What’s the difference?” cũng nhận thấy sự thật rằng thường có sự nhầm lẫn giữa điểm số và đánh giá học tập. Thực tế, tiêu chí chấm điểm của giáo viên thường bao gồm cả thái độ và hành vi, chẳng hạn như sự chuyên cần, sự tham gia trong các tiết học, sự nỗ lực và tiến bộ trong quá trình học. Mặc dù những yếu tố này có nét tương quan với kết quả học tập và có thể được dùng để đánh giá hiệu quả của khóa học, nhưng thông thường chúng không phải là thước đo cho kết quả học tập. Điểm chỉ là một trong số các nguồn dữ liệu trong công tác đánh giá kết quả học tập của sinh viên.
Có rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để tìm ra những yếu tố quyết định thúc đẩy sinh viên đi làm thêm (Nguyễn, X. L., 2009; Trần, T. H., 2017; Ngô, S. T., Nguyễn, X. T., 2018) và tùy vào mục đích cá nhân mà việc lựa chọn công việc, ngành nghề cũng khác nhau. Nhìn chung, các nguyên nhân chính được đưa ra là: thu nhập, kinh nghiệm và mối quan hệ. Không chỉ các nhà nghiên cứu ở Việt Nam, có rất nhiều tác giả nước ngoài cũng đã tìm hiểu về chủ đề này và đưa ra kết luận về mục đích đi làm thêm của các bạn trẻ: kiếm tiền trang trải những nhu cầu thiết yếu cơ bản hoặc các chi phí liên quan (Callender, 2008); giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình (Hall, 2010); cải thiện và mở rộng các mối quan hệ xã hội (Curtis, 2007); tích lũy kinh nghiệm làm việc hoặc kỹ năng thực tế (Wang và cộng sự, 2010); ủng hộ lối sống độc lập hoặc chịu ảnh hưởng từ bạn bè xung quanh (Oi I & Morrison, 2005).
Theo Tessema et Ready al Astani (2014, tr.2), việc hiểu biết những tác động của công việc bán thời gian (và số giờ làm việc) đến kết quả học tập là rất quan trọng, không chỉ đối với bản thân các bạn sinh viên, mà còn với phụ huynh, giảng viên, nhà trường. Trong nhiều nghiên cứu được thực hiện, các tác giả đều nhận thấy có sự liên quan giữa việc đi làm thêm và kết quả học tập của các bạn học sinh, sinh viên. Ví dụ, về loại công việc làm thêm: nghiên cứu của (Muluk, 2017) đã xác định “tính chất công việc làm thêm” có ảnh hưởng nhất định đến kết quả học tập của người học. Paolo và Matano (2016) nhận định kết quả học tập sẽ chịu tác động tiêu cực bởi một công việc làm thêm không liên quan đến ngành học, ngược lại, nó sẽ mang lại nhiều lợi ích nếu có liên quan đến ngành mà sinh viên theo học.
Khảo sát của Hammes và Haller (1983) trên 159 sinh viên năm cuối đại học cho thấy công việc bán thời gian có thể giúp tăng điểm số, hoàn thiện hình ảnh của bản thân, tăng tính độc lập, mở rộng quan hệ xã hội cũng như học tập thêm các kỹ năng
mới. Mặc dù những sinh viên đi làm thêm có ít thời gian tự học hơn những bạn không đi làm, nhưng ngược lại, các bạn sinh viên viên này rèn luyện được cách sử dụng thời gian hợp lý và có thói quen học tập hiệu quả hơn. Theo Yanbarisova (2017), những sinh viên từng làm thêm trong cùng lĩnh vực sẽ có cơ hội nhận được công việc cao hơn so với những bạn làm trái ngành, và đôi khi trong CV có kinh nghiệm làm việc dù không đúng ngành cũng có lợi thế hơn so với những người không làm gì. Tác giả cũng khuyến khích sinh viên nên kết hợp việc học với làm thêm các công việc liên quan đến ngành học để củng cố kiến thức đã học và rèn luyện thêm kỹ năng cần thiết. Nghiêncứu “The Effect of Part Time Jobs on University Students’ Academic Achievement” (Saddique et Raja al Khurshid, 2023) đã sử dụng các yếu tố như điểm trung bình GPA, số giờ làm việc trong ngày, loại công việc bán thời gian cũng như khối lượng công việc để tìm hiểu tác động của việc làm thêm đến thành tích học tập của sinh viên đại học. Kết quả cho thấy công việc bán thời gian có tác động tích cực đến điểm trung bình của những bạn đạt từ 2,6 trở lên. Những sinh viên này có lịch làm việc linh hoạt và cũng có thể làm việc vào cuối tuần, từ đó rèn luyện các kỹ năng cần thiết nhằm tăng cơ hội được tuyển dụng vào những vị trí tốt hơn sau này.
Tuy nhiên, làm việc bán thời gian song song với học tập ở trường cũng khiến cho sinh viên gặp một số khó khăn. Đi làm thêm có thể ảnh hưởng xấu đến học tập và cuộc sống: theo mô hình phân bổ thời gian tổng bằng không của Coleman (1961), thời gian dành cho công việc sẽ làm giảm thời gian dành cho học tập, cho hoạt động ở trường, cho bản thân và cho gia đình, bạn bè. Đầu tiên là vấn đề về sức khỏe, Carney (2006) nhận thấy làm việc bán thời gian có tác động đến sức khỏe tinh thần và thể chất của sinh viên. Dựa trên các tiêu chí sức khỏe được đo lường, những bạn trẻ tham gia nghiên cứu không đạt 7/8 tiêu chí đặt ra. Trong nghiên cứu “Weighting the Benefits of Part-Time Employment in College: Perspectives from Indigenous Undergraduates” (Wang & Chen, 2013), các tác giả đã thực hiện khảo sát đối với sinh viên nhằm tìm hiểu quan điểm của các bạn trẻ đối với công việc bán thời gian. Sau khi phân tích dữ liệu, nghiên cứu chỉ ra rằng ngày càng có nhiều sinh viên đi làm thêm và hầu hết đó là những công việc khó khăn – làm việc nhiều giờ hơn, khối lượng công việc nặng hơn và mức lương thấp hơn. Điều này có tác động tiêu cực đến kết quả học tập của các bạn bởi họ không có đủ thời gian và sức khỏe để hoàn thành bài tập được giao. Do làm việc trong thời gian dài hơn nên việc tự học cũng bị gián đoạn, đặc biệt là đối với các bạn làm những công việc không liên quan đến ngành học ở trường thì lại càng gặp nhiều bất lợi. Khi sinh viên dành nhiều thời gian cho công việc cũng làm giảm thời gian dành cho việc học, tham gia ngoại khóa ở trường và cũng ít thời gian cho bản thân, bạn bè. Cụ thể hơn, các nhà nghiên cứu đã đưa ra lời giải thích về những tác động tiêu cực của việc đi làm thêm trong khi học đại học như nghỉ học, đi học trễ, khó tập trung trong lớp, ít đến thư viện hay phòng học liệu, và còn cảm thấy mệt mỏi khi đến trường (Tessema et Ready al Astani, 2014, tr.3).
Đi từ thực tiễn trong quá trình đọc và tổng quan lại các nghiên cứu liên quan đến cùng với đề tài nghiên cứu của chúng tôi, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng chưa có nghiên cứu nào đề cập sâu và làm rõ về nguyên nhân cũng như ảnh hưởng của thực trạng sinh viên học ngôn ngữ Pháp và đi làm thêm các công việc không sử dụng tiếng Pháp. Điều này đã thôi thúc nhóm nghiên cứu quyết tâm thực hiện đề tài “Khảo sát và phân tích về hoạt động làm thêm bán thời gian của sinh viên khoa NN&VH Pháp – Trường Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc Gia Hà Nội”
3. Ý nghĩa khoa học
Chúng tôi mong rằng nghiên cứu sẽ tìm hiểu và đúc kết được những kết luận rõ ràng về lợi ích và bất lợi của việc sinh viên khoa Pháp làm việc bán thời gian không sử dụng tiếng Pháp nhằm giúp đội ngũ giảng viên có thêm góc nhìn mới về tác động của việc làm thêm trong trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng của sinh viên; đồng thời, nghiên cứu cũng mong muốn cung cấp cho các bạn sinh viên những tổng quan chính xác về ý nghĩa của công việc làm thêm trong rèn luyện kỹ năng và gia tăng tri thức, kinh nghiệm cho công việc tương lai. Ngoài ra, thông qua nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu cũng tìm hiểu sâu hơn về nhu cầu thị trường lao động Pháp ngữ với lĩnh vực công việc bán thời gian, công việc dành cho thực tập sinh nhằm gợi ý những hướng đi trong giới thiệu việc làm thêm cho sinh viên. Điều này có thể giúp nhà trường và các cơ quan liên quan điều chỉnh chương trình đào tạo và cung cấp giải pháp hỗ trợ việc làm phù hợp hơn cho sinh viên. Cuối cùng, chúng tôi cũng hy vọng có thể đóng góp vào sự phát triển của ngành giáo dục ngôn ngữ và sự thành công trong sự nghiệp của sinh viên khoa NN&VH Pháp, giúp họ trở thành nguồn nhân lực chuyên nghiệp đa năng và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp.