“베트남인 학습자를 대상으로 한국어 부탁 화행 수행전략 연구 (Tên tiếng Việt: Nghiên cứu về chiến lược thực hiện hành động nhờ vả bằng tiếng Hàn cho người Việt học tiếng Hàn)”

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

Khi mối quan tâm đến Hàn Quốc ngày càng tăng ở Việt Nam, số lượng sinh viên đại học theo học tiếng Hàn cũng theo đó ngày càng tăng. Đặc biệt, số lượng người học đại học chuyên ngành tiếng Hàn ngày càng tăng. Vào tháng 11 năm 2020, Ban Chỉ đạo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia Việt Nam cho biết “Chúng tôi đang hướng dẫn thiết kế chương trình giảng dạy tiếng Hàn như ngoại ngữ 1”. Hơn 16.000 người đang học tiếng Hàn tại 29 trường đại học ở Việt Nam và hơn 15.000 người đang tham gia kỳ thi Năng lực tiếng Hàn (TOPIK) mỗi năm. Hay, tại 15 Học viện King Sejong ở Việt Nam, năm 2019 có 12.000 sinh viên theo học tiếng Hàn và văn hóa Hàn Quốc, chiếm 17% trong tổng số 213 sinh viên của Học viện King Sejong tại 76 quốc gia.
Ngữ pháp và từ vựng rất quan trọng trong việc học tiếng Hàn như một ngoại ngữ, nhưng khả năng sử dụng ngôn ngữ để tìm hiểu các vấn đề xã hội và văn hóa bằng tiếng Hàn và cách sử dụng ngôn ngữ đúng cách trong các tình huống thực tế cũng rất quan trọng. Về văn hóa, Việt Nam và Hàn Quốc có rất nhiều điểm chung, tuy nhiên ở mỗi quốc gia cũng có nhiều điểm khác biệt và sự khác biệt đó có thể dẫn đến những sai sót khi sử dụng từ ngữ khi giao tiếp với người Hàn Quốc. Vì vậy, người Việt Nam khi nói tiếng Hàn hoặc nói chuyện với người Hàn Quốc cần biết cách nói tiếng Hàn để khắc phục vấn đề này.
Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đặc biệt nhận thấy tầm quan trọng của hành vi nhờ vả và cho rằng đây là một chủ đề hay, thiết thực, có tính ứng dụng cao. Ngoài ra, nghiên cứu về các chủ đề như hành vi nhờ vả ở Việt Nam chưa đa dạng.Vì vậy, với tư cách là một sinh viên đang theo học tại trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, để tìm ra cách sử dụng từ phù hợp khi nhờ vả dành cho sinh viên của trường, chúng tôi đã lựa chọn và tiến hành khảo sát đề tài “Nghiên cứu về chiến lược hành động nhờ vả bằng tiếng Hàn cho người Việt học tiếng Hàn ”.

Nghiên cứu này đã thực hiện một cuộc khảo sát về chiến lược hành vi nhờ vả bằng tiếng Hàn của sinh viên chuyên ngành Hàn Quốc của trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN từ năm 1 đến năm 4 dưới hình thức điền bảng biểu Online và thu nhận kết quả vào ngày 21/01/2022. Thông qua quá trình phân tích, có thể kết luận rằng, mức độ thân thiết và địa vị xã hội là hai yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến hành vi lựa chọn chiến lược nhờ vả bằng tiếng Hàn của sinh viên Việt Nam học tiếng Hàn.
Phần lớn những sinh viên tham gia khảo sát đã lựa chọn sử dụng chiến lược nhờ vả gián tiếp trong hầu hết các tình huống đặc biệt khi người nói và người nghe có quan hệ không thân thiết, phân rõ cấp bậc. Ngược lại mức độ thân thiết càng cao thì việc sử dụng chiến lược nhờ vả trực tiếp càng nhiều.

Bên cạnh đó, người Việt Nam có thể nâng cao kỹ năng vận dụng chiến lược nhờ vả bằng tiếng Hàn theo thời gian thông qua quá trình mở rộng các kênh tiếp xúc với kiến thức tiếng Hàn, tăng cường tần suất sử dụng chiến lược trong thực tế để tránh vấp phải các vấn đề như nói sai ngữ pháp, sử dụng cách diễn đạt gượng gạo, không tự nhiên,… Để thực hiện được điều này, cần có thêm các nghiên cứu sâu hơn về sự khác biệt trong nhận thức về văn hóa nhờ vả giữa người Hàn Quốc và người Việt Nam.