1. Nhu cầu thực tiễn
Từ lâu, thương mại quốc tế đã được coi là “động lực tăng trưởng” của nhiều quốc
gia qua nhiều thế kỷ, trong đó, mối quan hệ thương mại giữa hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ. Kể từ khi hai nước bắt đầu quan hệ ngoại thương vào thế kỷ XIX cho tới bây giờ, việc giao thương giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào nhau. Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu của Mỹ từ Trung Quốc là chất bán dẫn, thiết bị y tế, di động, …; còn Trung Quốc lại nhập khẩu máy bay, đậu tương và các sản phẩm tự động của Mỹ. Mặc dù vậy, cán cân thương mại lại cho thấy sự chênh lệch giữa hai quốc gia, khi phía Hoa Kỳ liên tục chịu tình trạng thâm hụt thương mại nặng nề với Trung Quốc trong vài năm trở lại đây, đến cuối năm 2018 giá trị thâm hụt đã đạt khoảng 419 tỷ USD (Binh Ngo, 2019). Sau sự kiện Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, vấn đề này đã được ông chú ý. Kết quả, vào ngày 22/03/2018, Tổng thống D. Trump tuyên bố áp mức thuế 50 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ, khơi ngòi cho cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bùng nổ. Cho tới nay, cuộc chiến này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, mặc dù hai bên bước đầu đã có động thái nhượng bộ.
Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia có quy mô nền kinh tế đứng
đầu thế giới hiện nay, với tổng GDP ước tính chiếm khoảng 40,01% quy mô GDP toàn cầu năm 2018 (theo IMF). Thêm vào đó, hai quốc gia này cũng là hai bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam và có tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương cao trong giai đoạn gần đây. Tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và Mỹ năm 2018 đạt khoảng 89 tỷ USD (chiếm 36,5% tổng kim ngạch xuất khẩu), trong đó riêng xuất khẩu sang Mỹ đạt 47,5 tỷ USD (tăng 14,2% so với năm 2017), xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 41,3 tỷ USD (tăng 16,6% so với năm 2017) (theo Tổng cục Hải quan). Chính vì vậy, tranh chấp thương mại Mỹ – Trung sẽ có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng (IMF, 2019). Ảnh hưởng của cuộc chiến đối với Việt Nam còn diễn ra trên quy mô rộng, trên mọi khía cạnh của kinh tế, trong đó hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng phải chịu tác động từ cuộc thương chiến này. Việt Nam hiện đứng thứ bảy trên thế giới và đứng thứ năm châu Á về độ mở kinh tế với tỷ lệ xuất nhập khẩu/GDP tăng từ 66% năm 1995 lên 203% năm 2017, trong khi tỷ lệ trung bình trên thế giới là 28%, Trung Quốc là 19,6%, và rất cao như Singapore cũng chỉ có 172% theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB). Ở khu vực ASEAN, nền kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào xuất khẩu với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bằng 200% GDP theo báo cáo gần đây của FT Confidential Research. Điều này chứng tỏ rằng, nếu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung kéo dài sẽ tác động nhất định tới kinh tế Việt Nam, đặc biệt là tới các ngành hàng xuất khẩu hoặc nguyên liệu đầu vào để sản xuất hàng xuất khẩu. Cuộc chiến này có thể vừa mang đến cả thách thức và cơ hội cho xuất nhập khẩu Việt Nam.
Mỹ và Trung Quốc đều là những đối tác kinh tế lớn của thị trường Việt Nam, do
đó, khi hai ông lớn về kinh tế này bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại thì tác động không nhỏ đến xuất nhập khẩu nước ta. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với doanh thu 06 tháng đầu năm là 21,5 tỷ USD, tương đương gần 19% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Còn Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch nhập khẩu đạt 31,1 tỷ USD trong 06 tháng đầu năm 2018, tương đương gần 28% tổng nhập khẩu của Việt Nam. Trước những diễn biến khó lường cuộc chiến, việc đánh giá tác động lên hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ vẫn còn gặp nhiều khó khăn và còn chưa rõ ràng. Chính vì những lý do cấp thiết này, tôi quyết định làm bài nghiên cứu khoa học với đề tài “Phân tích tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đến hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam sang thị trường Mỹ” để nêu nên ý kiến cũng như đưa ra một số đề xuất có lợi cho nền kinh tế nước ta.
2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan
Hầu hết các nghiên cứu trước đây bàn về vấn đề ai có thể hưởng lợi từ chiến
tranh thương mại dựa trên lý thuyết trò chơi đều thống nhất rằng: “Không có người
thắng cuộc trong một cuộc chiến thương mại” (Glenn W. Harrison & cộng sự, 2016; KPMG, 2018).
Trên thực tế, việc đo lường tác động của chiến tranh thương mại tới các bên thứ
ba không tham gia vào cuộc chiến là khá phức tạp. Vì thế, nhiều công trình nghiên cứu gần đây đã tập trung khai thác vấn đề này, chủ yếu đi sâu vào phân tích ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung lên các quốc gia có quan hệ thương mại sâu sắc với hai nước tham chiến này, bao gồm EU và một số nước thuộc khu vực Châu Á (trong đó ASEAN là tâm điểm nghiên cứu). Những nghiên cứu này nhìn chung đều thống nhất quan điểm, cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ – Trung thực sự đã tạo cơ hội cho một vài ngành sản xuất của các nước Châu Á, đặc biệt là ASEAN. Satoru Kumagai & cộng sự (2019) đã đề xuất mô hình giả lập cân bằng tổng thể IDE-GSM nhằm đo lường tác động kinh tế của thương chiến với kịch bản khi hai nước “đối đầu toàn diện” (đều cùng áp mức thuế bổ sung 25% đối với tất cả các hàng hóa nhập khẩu). Kết quả tính toán cuối cùng cho thấy, mặc dù kịch bản này khiến cho nền kinh tế của Mỹ và Trung Quốc giảm trung bình 0,5% nhưng một số quốc gia trong Châu Á lại hưởng lợi từ cuộc chiến này. Cụ thể, ngành CNTT có Malaysia và Việt Nam hưởng lợi; với ngành hàng may mặc có Bangladesh, Việt Nam và Ấn Độ; ngành tự động hóa thì có Malaysia và Thái Lan. Cũng đưa ra kết luận tương tự, Mohamed Aslam (2019) cho rằng nhờ sự tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, các nước ASEAN có thể tận dụng thời cơ trở thành đối tác thương mại với Hoa Kỳ thay thế cho nguồn hàng nhập khẩu từ Trung
Quốc hiện nay đã giảm, đồng thời cũng nhân cơ hội này gia tăng thương mại song
phương ASEAN – Trung Quốc. Một nghiên cứu khác từ Joergen O. Moeller (2018)
nhận định rằng một số ngành sản xuất ở Đông Nam Á có thể gặp khó khăn ban đầu,
song về trung và dài hạn, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung lại có tính tích cực đối với các quốc gia này. Tuy nhiên, nghiên cứu của Kamran & Seyed (2019) lại có kết quả trái ngược hẳn khi cho rằng cuộc chiến này có ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế khu vực ASEAN. Tác giả cho rằng, vì ASEAN là một trong những đối tác thương mại lớn của cả Mỹ và Trung Quốc nên đây là những nước dễ bị tổn thương hơn cả trong cuộc chiến.
Trong trường hợp này, hội nhập kinh tế khu vực sẽ giúp hạn chế tối đa những rủi ro
trong tương lai. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để xem xét cụ thể về ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại này tới một vài nước thuộc ASEAN. Lấy Thái Lan làm đối tượng nghiên cứu chính, Bhanupong Nidhiprabha (2019) đã sử dụng mô hình tự hồi quy vector, qua đó cho biết sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung làm giảm sản lượng xuất khẩu của Thái Lan tới các thị trường trọng điểm. Trái ngược với trường hợp của Thái Lan, nghiên cứu của Ting K.Y (2020) nhận định hoạt động xuất khẩu của Malaysia sẽ tăng trưởng mạnh khi trở thành thị trường thay thế cho Trung Quốc, đặc biệt là ở lĩnh vực xuất khẩu khí gas tự nhiên và hợp kim. Ngoài ra, thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đem lại tác động tích cực trong việc thu hút nguồn vốn FDI của nước này.
Không nằm ngoài xu hướng chung của khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được
cho là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung (Seah, 2018).
Nhận thấy được thực trạng này, một vài nghiên cứu đã khai thác những tác động có thể xảy ra đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như đề xuất hàm ý chính sách trong bối cảnh sự tranh chấp thương mại đang ngày càng leo thang giữa hai cường quốc này. Khi cuộc chiến mới trải qua giai đoạn đầu, các nghiên cứu của Tuan Ho & cộng sự (2018), Do Tien Sam (2018) đã nêu ra cái nhìn toàn cảnh về những cơ hội và khó khăn mà Việt Nam phải đối diện trước cuộc thương chiến. Hai bài viết đều đồng tình khi dự đoán rằng trong ngắn hạn Việt Nam có thể hưởng lợi từ cuộc chiến khi trở thành thị trường xuất khẩu thay thế cho Trung Quốc và là điểm đến mới của đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam cũng không thể không đề phòng trước những xu hướng tiêu cực mà cuộc chiến có thể gây ra trong dài hạn. Vì thế, các tác giả gợi ý rằng Việt Nam cần có những chiến lược lâu dài để đối phó với những tình huống bất lợi và hướng đến phát triển bền vững. Cũng đề cập đến rủi ro kinh tế của Việt Nam trước ảnh hưởng của thương chiến Mỹ – Trung, Nguyen Hoang Tien & cộng sự (2020), Pham Hoang Tu Linh & Trinh Thi Nhuan (2020) còn nêu lên việc Trung Quốc có thể lợi dụng việc chuyển sản xuất sang
Việt Nam để tránh thuế quan, cũng như khả năng nhà sản xuất trong nước sẽ chịu áp lực cạnh tranh nặng nề hơn khi hàng xuất khẩu Trung Quốc chuyển hướng vào thị trường Việt Nam. Ngoài ra còn có nghiên cứu của Binh Ngo (2019) đã tiếp cận tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung dưới góc độ của một doanh nghiệp cụ thể. Kết quả được phân tích cụ thể bằng cách thu thập dữ liệu và phỏng vấn giám đốc công ty Seditax VN, cho thấy cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung khiến công ty gặp khó khăn trong khâu quản lý chất lượng và dịch vụ tư vấn. Từ nhận xét này, bài viết còn đưa ra một số hàm ý để các doanh nghiệp khác trong khu vực Đông Nam Á có chính sách phù hợp thích nghi với những diễn biến phức tạp của cuộc chiến.
3. Ý nghĩa khoa học
Tìm hiểu và nhận thức rõ hơn nữa về những tác động của cuộc chiến tranh thương
mại Mỹ Trung đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ. Từ đó, giúp mở mang và có thêm nhiều góc nhìn trên lĩnh vực kinh tế trong bối cảnh cuộc chiến thương mại này vẫn đang diễn ra.