So sánh hành vi ngôn ngữ chào trong tiếng Trung và tiếng Việt hiện đại (现代越南语和汉语招呼语言行为对比)

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

1. Nhu cầu thực tiễn
Chào là một hành vi ngôn ngữ đóng vai trò hết sức quan trọng trong giao tiếp.
Có thể nhận thấy rằng, dù ở bất cứ nơi nào và trong bất cứ tình huống giao tiếp ngôn ngữ nào, thì nghi thức giao tiếp đầu tiên bao giờ cũng bắt đầu bằng hành vi chào. Nếu hành vi chào được sử dụng phù hợp và thỏa đáng, chúng ta có thể bày tỏ tình cảm thân thiện, thái độ lịch thiệp và sự quan tâm, tôn trọng của mình dành cho đối phương, từ đó duy trì, củng cố mối quan hệ giữa những người tham gia giao tiếp theo chiều hướng tốt đẹp, dễ chịu, đạt hiệu quả giao tiếp mong muốn. Ngược lại, nếu chúng ta phạm sai lầm trong hành vi này thì có thể cuộc giao tiếp không còn diễn ra như mong muốn nữa, thậm chí kết thúc một cách nhanh chóng, ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ của những người tham gia giao tiếp.
Đối với bất kỳ quốc gia, dân tộc nào, việc chào hỏi luôn là một phần không thể
thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, do mỗi dân tộc, mỗi quốc gia khác nhau sẽ có bối cảnh văn hoá, khởi nguồn lịch sử và và khu vực sinh sống khác nhau nên tất yếu có sự khác biệt rõ rệt về tập quán sinh hoạt và giao tiếp, về phương thức chào hỏi và hình thức lời chào.
Trong đó, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước hàng xóm láng giềng thân thiết,
lại cùng sống trong một không gian văn hóa phương Đông, nhân dân hai nước cũng có sự giao lưu trao đổi lâu dài về ngôn ngữ và văn hóa. Vì thế, hành vi chào trong tiếng Trung và tiếng Việt chắc hẳn ít nhiều cũng có đặc điểm tương đồng nào đó, và tất nhiên vẫn tồn tại một số điểm khác biệt.
Là sinh viên đang theo học chuyên ngành Ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc,
chúng tôi tin rằng việc nắm rõ được nội dung, đặc điểm, ngữ dụng, ngữ nghĩa…của hành vi chào trong tiếng Việt và tiếng Trung, làm rõ được những điểm tương đồng và khác biệt của hành vi này trong hai ngôn ngữ sẽ giúp ích cho quá trình học tập của bản thân, nâng cao hiệu quả giao tiếp giữa tiếng Trung và tiếng Việt, cũng như làm sâu sắc hơn sự hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc.
Với những lí do trên, chúng tôi chọn đề tài nghiên cứu “So sánh hành vi ngôn
ngữ chào trong tiếng Trung và tiếng Việt hiện đại.”
2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan
a. Những công trình nghiên cứu của Trung Quốc có liên quan đến hành vi
chào
Cho đến nay, những bài nghiên cứu về hành vi chào trong tiếng Trung khá phong
phú và đa dạng, khai thác được nhiều khía cạnh của hành vi chào như đặc điểm, phân loại, tình hình sử dụng… Có thể kể đến như:
Năm 2003, Trần Hiểu Yên (陈晓燕) với bài nghiên cứu “Phân tích lời chào
trong xã hội hiện nay”(当代社会招呼语分析) đã tập trung phân tích các kiểu chào
trong xã hội ngày nay và các yếu tố ảnh hưởng khi sử dụng lời chào, đồng thời tìm hiểu tâm lý văn hóa dân tộc được bộc lộ qua lời chào và chức năng giao tiếp quan trọng của lời chào trong giao tiếp hàng ngày.
Năm 2006, Trương Hán Kiều (张汉娇) trong luận văn Thạc sĩ “Nghiên cứu về
tình hình sử dụng hành vi chào hỏi trong tiếng Trung của sinh viên nước ngoài và
phương pháp giảng dạy” (留学生汉语招呼言语行为研究及教学探讨) đã tiến hành phân loại hành vi chào và phân tích yếu tố văn hóa xã hội ảnh hưởng đến việc lựa chọn hành vi chào. Dựa trên những cơ sở đó, tác giả tiến hành điều tra thực trạng sử dụng hành vi chào tiếng Trung của sinh viên nước ngoài và tìm ra được một số vấn đề trong việc sử dụng. Từ đó đề xuất phương pháp giảng dạy phù hợp.
Năm 2011, Trần Phi Phi (陈菲菲) trong luận văn Thạc sĩ “Nghiên cứu về lời
chào trong tiếng Trung hiện đại” (现代汉语招呼语研究) đã tiến hành phân loại lời
chào theo hai cách: Phân loại dựa trên hình thức câu chào và dựa trên ngữ nghĩa của lời chào. Qua đó, đưa ra được những đặc điểm chính của lời chào và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng lời chào từ ba khía cạnh: ngữ cảnh giao tiếp, văn hóa dân tộc và thời đại xã hội.
Năm 2012, Phan Hiểu Phân (潘晓芬) trong Luận văn tốt nghiệp “Nghiên cứu
ngữ dụng và phương pháp dạy học về lời chào trong tiếng Trung” (汉语招呼语语用及教学对策研究) tập trung nghiên cứu về các khía cạnh khác nhau của lời chào bao gồm khái niệm, nguồn gốc, đặc điểm, loại hình và cách sử dụng lời chào tiếng Trung. Đồng thời, dựa trên những cơ sở lý thuyết đó để phân tích những sai sót trong việc sử dụng lời chào của sinh viên quốc tế, từ đó đưa ra những đề xuất về cách dạy lời chào tiếng Trung.
Năm 2015, Trương Hỉ Văn (张喜文) trong luận văn Thạc sĩ “Nghiên cứu về lời
chào trong tiếng Trung và tình hình dạy học về lời chào tiếng Trung cho người nước ngoài” (汉语招呼语及其对外汉语教学研究) đã tìm hiểu lời chào qua các phương diện như định nghĩa, đặc điểm và phân loại. Tiếp đó tiến hành so sánh đối chiếu các loại chào hỏi của tiếng Trung và tiếng Anh để làm cơ sở cho việc phân tích các lỗi sai mà sinh viên quốc tế thường mắc phải trong quá trình học và sử dụng lời chào tiếng Trung, chỉ ra được nguyên nhân sai sót là do sự khác biệt về văn hóa, tài liệu giảng dạy tiếng Trung, nguyên tắc giao tiếp, chiến lược học tập và môi trường xã hội, cũng như dịch thuật tiếng Trung – Anh và các yếu tố khác. Cuối cùng, đưa ra một số đề xuất về cách dạy hiệu quả và phương pháp người học tiếng Trung có thể áp dụng để nắm vững cách chào hỏi tiếng Trung hiệu quả hơn.
Năm 2021, Triệu Hiểu Mai (赵晓梅) trong bài nghiên cứu “Phân tích so sánh
lời chào tiếng Anh và tiếng Trung” (英汉问候语的比较分析) đã phân tích những điểm tương đồng và khác biểu của lời chào tiếng Anh với tiếng Trung qua 4 phương diệnchính: nội dung, ý nghĩa, xưng hô và nguyên tắc hợp tác.
Nhìn chung, các bài nghiên cứu về lời chào hoặc hành vi chào của Trung Quốc
tương đối phong phú, chủ yếu đi sâu nghiên cứu theo 3 hướng:
(1) Nghiên cứu, phân tích những phương diện khác nhau của lời chào, bao gồm
định nghĩa, phân loại, đặc điểm, các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng lựa chọn lời chào, …
(2) Tiến hành nghiên cứu so sánh lời chào bằng tiếng Trung và bằng ngôn ngữ
nước ngoài, chủ yếu là ngôn ngữ phương Tây như tiếng Anh.
(3) Nghiên cứu về vấn đề giảng dạy lời chào bằng tiếng Trung cho người học
tiếng Trung ở nước ngoài. Bài nghiên cứu phân tích các lỗi trong cách diễn đạt hoặc
hoàn cảnh sử dụng lời chào, từ đó đề xuất phương pháp giảng dạy có hiệu quả hơn.
b. Những công trình nghiên cứu của Việt Nam có liên quan đến hành vi chào
Năm 2008, Lương Ngọc Hoàn trong bài “Nghiên cứu lời chào của người Việt và
so sánh lời chào của người Pháp” chỉ ra những lời chào phân theo vai vế (Lời chào của người dưới với người trên, của người trên với người dưới, giữa những người ngang bằng nhau) và một số câu hỏi thay cho lời chào của người Việt, đồng thời tiến hành điểm giống và khác nhau trong cách chào của người Việt và người Pháp.
Năm 2009, Võ Thị Ngọc Trâm trong luận văn Thạc sĩ “Hành vi chào hỏi của
người Việt và hệ thống bài tập dạy hành vi chào hỏi cho học sinh tiểu học” đã nghiên cứu hành vi chào hỏi trực tiếp và gián tiếp của người Việt, phân loại, các kiểu chào, cấu trúc, nội dung đặc điểm, hoàn cảnh sử dụng và hành vi chào hỏi hồi đáp tương ứng của từng kiểu.
Năm 2011, Đỗ Thị Thúy Hằng trong Luận văn Thạc sĩ “Nghiên cứu lời thăm hỏi
trong tiếng Hán hiện đại (so sánh với tiếng Việt)” đã chỉ ra các cấu trúc, nội dung – đặc điểm, hoàn cảnh sử dụng, ngữ nghĩa, chức năng ngữ dụng và các đặc điểm khác của lời thăm hỏi tiếng Trung, trên cơ sở đó so sánh để tìm ra những điểm giống và khác nhau giữa lời thăm hỏi tiếng Trung và tiếng Việt.
Năm 2013, Hoàng Thị Hải Yến trong luận văn Thạc sĩ “Đặc trưng ngôn ngữ –
văn hóa trong hành vi chào hỏi Nga – Anh- Việt” đã chỉ ra các cấu trúc câu chào trong tiếng nước ngoài và tiếng Việt, thông qua đối chiếu với những hình thức chào tương đương có trong tiếng Việt, nêu ra những nét giống nhau và những điểm khác nhau trên bình diện ngôn ngữ, ngữ dụng và bình diện liên văn hóa, từ đó nêu bật lên những đặc trưng ngôn ngữ và văn hóa chào hỏi.
Năm 2020, Bùi Thị Phương Lan nghiên cứu “Đặc trưng văn hóa, ngôn ngữ và
cách thức chào hỏi của người Việt và người Anh” chỉ ra những nét đặc trưng về văn
hóa, các ngôn từ, hình thức chào hỏi đặc trưng (ngôn ngữ và phi ngôn ngữ) của hai
nước, từ đó làm rõ được những điểm tương đồng và dị biệt giữa hai ngôn ngữ.
Nhìn chung, bài viết nghiên cứu về hành vi chào hỏi tiếng Việt, so sánh hành vi
chào hỏi tiếng Việt với các ngôn ngữ phương Tây khác (Anh, Nga, Pháp) trên các
phương diện cấu trúc, ngữ nghĩa, văn hóa khá phong phú. Tuy nhiên, đề tài so sánh
hành vi chào hỏi giữa tiếng Việt với tiếng Trung còn chưa nhiều, chưa đi sâu vào nghiên cứu đồng thời cả hai ngôn ngữ mà chỉ tiến hành tìm hiểu hành vi chào trong tiếng Trung, sau đó so sánh hành vi chào trong 2 ngôn ngữ dựa trên các loại hành vi chào trong tiếng Trung, vì thế những điểm giống và khác nhau của hành vi chào trong tiếng Trung và tiếng Việt vẫn chưa rõ ràng và khách quan.

Vậy nên nhóm lựa chọn đề tài nghiên cứu “So sánh hành vi ngôn ngữ chào
trong tiếng Việt và tiếng Trung hiện đại”, hy vọng nhận được những nhận xét, góp ý để dự án này ngày càng hoàn thiện, thực sự trở thành một đề tài có tính khả thi góp phần làm giàu kho tàng nghiên cứu khoa học, cung cấp tri thức, cái nhìn đầy đủ hơn về ngôn ngữ Việt – Trung cũng như văn hóa 2 nước.
3. Ý nghĩa khoa học
Thông qua việc khảo sát, phân tích và đối chiếu các hành vi ngôn ngữ chào trong
tiếng Việt và tiếng Trung, bài viết có ý nghĩa:
Đóng góp thêm vào lý thuyết hành vi ngôn chào trong tiếng Trung và tiếng
Việt, từ đó giúp thấy được rõ nét, sâu sắc về hành vi ngôn ngữ chào cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn.
Đối chiếu so sánh để chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt trong hành vi
chào của hai ngôn ngữ, góp phần nâng cao khả năng vận dụng hành vi chào phù hợp cho sinh viên hai nước.
Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến những điểm tương đồng và khác biệt, góp phần
phong phú thêm vốn hiểu biết về văn hóa chào hỏi trong tiếng Việt và tiếng Trung.