1. Nhu cầu thực tiễn
Người khuyết tật là một trong những nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội,
họ gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt và học tập. Theo Điều tra Quốc gia
người khuyết tật của Tổng cục thống kế, tính đến năm 2016, Việt Nam có hơn
6.2 triệu người khuyết tật, tương đương 6.8% dân số. Điều tra thống kê nhận
định “Cơ hội tiếp cận trường học của người khuyết tật thấp hơn nhiều người
không khuyết tật”. Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu xây
dựng các chính sách và kế hoạch nhằm đảm bảo trẻ khuyết tật có cơ hội tiếp
cận giáo dục và được học trong các trường phổ thông hòa nhập. Tuy nhiên, do
nhiều rào cản đã khiến người khuyết tật tại Việt Nam vẫn gặp phải nhiều khó
khăn trong quá trình học tập, vì vậy việc nghiên cứu đề tài này là việc cần thiết
để giúp người khuyết tật có thể tiếp cận một nền giáo dục chất lượng hơn.
2.Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan
2.1. Ở nước ngoài
“Disability: The basics” của Tom Shakespeare trình bày sự thay đổi về
cách định nghĩa khuyết tật và người khuyết tật và tiếp cận người khuyết tật trên
nhiều phương diện khác nhau: lịch sử, xã hội, môi trường, kinh tế…, từ đó
đánh giá các ảnh hưởng của các yếu tố này đến trải nghiệm của những người
khuyết tật trong xã hội hiện nay. Tham khảo chương 4 “Disabling barriers”,
khi nhắc về những rào cản của người khuyết tật, tác giả tập trung vào ba khía
cạnh chính: những rào cản vật lý, những định kiến và sự bất bình đẳng trong
việc tiếp cận dịch vụ xã hội. Đồng thời tác giả cũng nhấn mạnh giáo dục là một
nhân tố quan trọng để hướng tới một thế giới – nơi sẽ không còn hiện diện “cái
tính chất tách biệt của khuyết tật”.
“The Learning Experience of Students with Disabilities in Higher
Education. A case study of a UK university” của John Borland & Sue James là
kết quả của một cuộc điều tra trải nghiệm xã hội và học tập của sinh viên
khuyết tật tại một trường đại học ở Anh. Bài viết nhấn mạnh các vấn đề được
người người khuyết tật quan tâm trong quá trình học tập và rút ra một số kết
luận nhằm hỗ trợ sinh viên khuyết tật trong giáo dục đại học ở Anh và xứ
Wales.
Bài nghiên cứu “残疾人教育公平问题探究” của 谢九英 nêu lên thực
trạng về vấn đề bất bình đẳng giáo dục trên trên thế giới nói chung và tại
Trung Quốc nói riêng, đồng thời đặc biệt nhấn mạnh vai trò của giáo dục đối
với người khuyết tật trong việc cải thiện cuộc sống và tìm kiếm việc làm sau
này. Nghiên cứu đã chỉ ra các biểu hiện chủ yếu của bất bình đẳng giáo dục
đối với người khuyết tật: về cơ hội nhập học, người khuyết tật thường xuyên bị
nhà trường từ chối; về điều kiện giáo dục, môi trường khách quan cho người
khuyết tật học tập còn có nhiều trở ngại, tài liệu, chuyên môn giáo dục đặc biệt
của các giáo viên còn hạn chế; về kết quả giáo dục, tỉ lệ người khuyết tật tìm
được việc làm sau khi tốt nghiệp thường thấp hơn nhiều so với người bình
thường.
Nghiên cứu “不同安置模式下残疾人高等教育体验的质性研究” của 汪
甜甜 tiến hành so sánh hai mô hình: giáo dục chuyên biệt và giáo dục hoà
nhập, từ đó đưa ra kết luận giáo dục hòa nhập là cánh cửa mới đối với người
khuyết tật, tuy trong quá trình học tập người khuyết tật sẽ phải trải qua những
khó khăn khi phải thích nghi với “thế giới của những người không khuyết tật”
như tâm lý tự ti, thiếu thốn trong tài liệu học tập hay cơ sở vật chất không đảm
bảo nhưng những học sinh tham gia mô hình giáo dục hoà nhập sẽ có nhiều sự
lựa chọn trong quá trình chọn trường, việc làm hơn so với học sinh tham gia
mô hình chuyên biệt. Ngoài ra, những học sinh này thường tự tin, chủ động hơn
trong việc tham gia các hoạt động xã hội.
“My Dance with Cancer: An Autoethnographic Exploration of the
Journey” của Vardine K. Simeus và “Performing Disability: An Autoethnographic of Persevering and Becoming” của Carol Rogers-Shaw là hai bài nghiên cứu sử dụng phương pháp autoethnography để nghiên cứu quá trình đối mặt với khuyết tật của chính tác giả. Tuy hai bài nghiên cứu đứng trên góc nhìn của người có loại tật khác nhau nhưng đều phân tích những ảnh hưởng của khuyết tật đến các mối quan hệ trong gia đình, mối quan hệ bạn bè, việc học tập và công việc sau này của tác giả, là nghiên cứu ghi lại hành trình kiên trì, nỗ lực của tác giả để tìm ra cách chung sống với khuyết tật và tìm ra ý nghĩa của cuộc sống.
Bài nghiên cứu này tham khảo nghiên cứu “Disability, advocacy and
coping : an autoethnography on non-visible disability” của Dana L. Morella,
tác giả sử dụng phương pháp autoethnography để tìm hiểu về quá trình thích
nghi của chính tác giả – một sinh viên khuyết tật với môi trường học tập ở đại
học. Nghiên cứu trước hết là quá trình hồi thuật và tìm ra các khó khăn tác giả
phải đối mặt trong quá hành trình học tập từ đó khám phá cách tác giả tự giải
quyết các khó khăn khi không nhận được sự giúp đỡ và sự ủng hộ tích cực từ
người xung quanh. Và đây cũng là nghiên cứu gần nhất và giúp định hướng bài
nghiên cứu của tôi. Tuy nhiên nội dung bài nghiên cứu của tôi sẽ đứng trên góc
nhìn người khuyết tật vận động để nghiên cứu những trải nghiệm và những khó
khăn trong học tập, ngoài ra, thay vì tìm ra các cách cụ thể để đối mặt với khó
khăn bài viết sẽ phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới quá trình nỗ lực học tập đó.
2.2. Ở Việt Nam
Nghiên cứu “Những rào cản chất lượng học tập của trẻ khuyết tật ở Việt
Nam” của Nguyễn Thanh Bình trình bày kết quả nghiên cứu về các rào cản trẻ
khuyết tật đến trường được học tập có chất lượng trong các cơ sở giáo dục phổ
thông ở Việt Nam. Những rào cản trẻ khuyết tật đến trường bao gồm nhận thức
của cha mẹ còn hạn chế, hoàn cảnh gia đình khó khăn, công tác tuyên truyền,
vận động của địa phương chưa hiệu quả,… Những rào cản trẻ khuyết tật được
học tập có chất lượng bao gồm chưa đánh giá đúng loại, mức độ khuyết tật và
điểm mạnh cùng nhu cầu của trẻ khuyết tật để xây dựng kế hoạch giáo dục cá
nhân, thiếu phương tiện dạy học đặc thù, điều kiện cơ sở vật chất chưa được
cải thiện cho phù hợp với học sinh khuyết tật, xã hội còn nhiều định kiện với trẻ
khuyết tật… Trên cơ sở phát hiện những khó khăn đó, bài viết cũng đưa ra các
biện pháp trong việc quản lý và áp dụng công nghệ thông tin nhằm giảm thiểu
những rào cản chất lượng giáo dục trẻ khuyết tật.
Nghiên cứu “Exploring the experience of children with disabilities at
school settings in Vietnam context” của Trần Văn Kham, với 230 câu trả phiếu
hỏi khảo sát và 36 cuộc phỏng vấn trên các trẻ khuyết tật, trẻ em không khuyết
tật, cha mẹ của trẻ khuyết tật, và giáo viên ở các cơ sở trường học, chỉ ra: những khó khăn quan trọng mà TKT phải trải qua ở trường thường đến từ sự thiếu đồng cảm từ bạn học và những rào cản trong môi trường vật chất; những cách mà trẻ khuyết tật cố gắng đối phó với những khó khăn này chủ yếu cố gắng tự thích nghi hơn là yêu cầu tìm sự hỗ trợ. Dựa trên những phát hiện này, bài nghiên cứu đưa ra các khuyến nghị nhằm thay đổi nhận thức xã hội về người khuyết tật, các cơ cấu hỗ trợ cụ thể cho trẻ khuyết tật và nhân viên nhà trường được đưa ra nhằm thúc đẩy sự hòa nhập xã hội của trẻ khuyết tật trong trường học.
Ngoài ra, một nghiên cứu khác của Trần Văn Kham “Nghiên cứu trẻ
khuyết tật vận động ở trường học Việt Nam: Trải nghiệm, khả năng tự thích
ứng và mô hình trợ giúp công tác xã hội” được thực hiện vào năm 2014, chỉ ra
trẻ khuyết tật vận động gặp những khó khăn về đi lại, học tập nhiều hơn về mặt
thái độ, kỳ thị xã hội; vì vậy trẻ khuyết tật hướng đến sự tự thích ứng, tạo dựng
các mối quan hệ hơn là đòi hỏi những thay đổi về cơ sở vật chất. Dựa trên kết
quả đó, bài viết đưa ra các đề xuất hướng đến việc xây dựng và phát triển các
hoạt động đào tạo, tập huấn và dịch vụ xã hội cho trẻ khuyết tật nói chung và
trẻ khuyết tật vận động nói riêng trong trường học.
3. Ý nghĩa khoa học
Các nghiên cứu trình bày đều rất chi tiết về những rào cản của người
khuyết tật, tuy nhiên trong nhiều nghiên cứu người khuyết tật thường được
nhắc đến là nhóm người yếu thế, cần được xã hội quan tâm mà ít nhắc đến họ
trong vai trò chủ động vượt qua khó khăn và tìm ra giá trị sống của mình. Vì
vậy nghiên cứu này tiếp tục khai thác vai trò của chính người khuyết tật trong
quá trình vượt qua các khó khăn trong học tập.