“Lợi ích và hạn chế của ChatGPT đối với việc học kỹ năng viết: Góc nhìn của sinh viên khoa Sư phạm Tiếng Anh (Benefits and challenges of ChatGPT in learning writing skills: FELTE students’ perceptions).”

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

  1. Tổng quan

1.1. Nhu cầu thực tiễn

Trong thời kỳ thế giới mới, sự trỗi dậy của AI (Trí tuệ nhân tạo) đã thâm nhập vào nhiều khía cạnh của cuộc sống; và giáo dục cũng không phải là ngoại lệ. Trong lĩnh vực dạy và học tiếng Anh, AI đã được dùng để cung cấp các định hướng ngôn ngữ phù hợp, đánh giá trình độ ngôn ngữ, từ đó nâng cao hiệu quả của các chương trình tiếp thu ngôn ngữ. Đáng chú ý, một lĩnh vực nổi bật mà AI đặc biệt được ứng dụng là việc dạy và học kỹ năng viết (Abdullayeva & Muzaffarova, 2023). Với khả năng tiếp cận và chức năng ngày càng tăng của công nghệ, sự ra đời của các công cụ và ứng dụng dựa trên AI đã mở ra những thay đổi quan trọng về mô hình trong lĩnh vực công nghệ hỗ trợ viết ngôn ngữ thứ hai (L2) (Yan, 2023)

Chat GPT, ra đời vào tháng 11 năm 2022, là một mô hình chatbot hỗ trợ AI sở hữu khả năng tạo văn bản tự động. Sự ra đời của công cụ AI này đã mang lại những lợi ích vượt trội cho cả giáo viên và học sinh trong quá trình học tập (Karthikeyan, C., 2023). Baskara (2023) cho rằng những lợi ích mà ChatGPT mang lại bao gồm cá nhân hóa tiến độ học tập, và tạo động lực cho người học cũng như tạo điều kiện phát triển kỹ năng ngôn ngữ thông qua thực hành và lặp lại có cấu trúc.

Đối với kỹ năng viết, sinh viên có cơ hội sử dụng ChatGPT như một phương tiện để trau dồi các khía cạnh khác nhau của quá trình viết (Beck, S. W., & Levine, S. R., 2023). ChatGPT có khả năng cung cấp bản thảo cho bài viết của học sinh, đưa ra phản hồi mang tính xây dựng về bài viết của họ và đưa ra các đề xuất để hoàn thiện phong cách viết của học sinh (Abdullayeva, M., & Musayeva, 2023). Hơn nữa, nền tảng này đưa ra nhiều đề xuất khác nhau để nâng cao cấu trúc câu, lựa chọn từ và độ rõ ràng tổng thể (Chawla, 2022; Al-Garaady & Mahyoob, 2023). Tuy nhiên, vấn đề đạo văn và đạo đức của ChatGPT càng trở nên trầm trọng hơn do quy trình làm việc hoàn toàn tự động, điều này càng trở nên phức tạp hơn khi tỷ lệ phát hiện đạo văn ở đầu ra của công cụ này giảm đi khi kết hợp với các sửa đổi của con người hoặc các công cụ khác dựa trên sự vận hành của AI (Gao, 2022; Haque, 2022) (Yan, 2023).

Một khía cạnh đáng chú ý khác cần được nhấn mạnh trong nghiên cứu này là tầm quan trọng của việc viết đối với người học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (ESL). Quan điểm này bắt nguồn từ khả năng của việc viết trong việc củng cố sự hiểu biết về các cấu trúc ngữ pháp, mở rộng vốn từ vựng và giúp học sinh làm quen với các cách diễn đạt thành ngữ. Điều này còn được thừa nhận rộng rãi như một hành trình khám phá, nơi người viết định hướng con đường của mình trong khi vật lộn với sự phức tạp của suy nghĩ, sáng tác và sắp xếp ý tưởng của họ.

Đối với sinh viên khoa Sư phạm Tiếng Anh tại trường Đại học Ngoại Ngữ, kỹ năng viết là điều cần thiết trong một số môn học như (Tiếng Anh Học thuật; Văn học các nước nói tiếng Anh) từ năm đầu tiên của hành trình học tập. Khi tiến qua các năm học tiếp theo, kỳ vọng về yêu cầu về bài luận dần dần tăng lên, đòi hỏi sinh viên phát triển khả năng viết ngày càng tinh vi. Đáng chú ý, một phần đáng kể của sinh viên đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc đáp ứng các yêu cầu này, chủ yếu do Tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính của họ. Do đó, nền tảng này thúc đẩy việc nghiên cứu các chiến lược và cơ chế được sử dụng bởi cá nhân để vượt qua những rào cản này và đạt được sự thành thạo trong kỹ năng cụ thể này.

Dựa vào những yếu tố đã đề cập, nghiên cứu của chúng tôi được tiến hành với mục tiêu nhằm hiểu rõ cách sinh viên Sư phạm Tiếng Anh tại ULIS nhận thức về việc sử dụng ChatGPT để cải thiện khả năng viết của họ và đánh giá chung về hiệu quả của nó như một công cụ giúp nâng cao kỹ năng viết.

1.2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan

  1. Tài liệu công trình nước ngoài

Sự phát triển của ChatGPT đã kéo theo nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm tìm hiểu lợi ích và hạn chế của phần mềm này, đặc biệt đối với lĩnh vực giáo dục nói chung và việc học Tiếng Anh nói riêng. Cụ thể hơn, một số nghiên cứu quốc tế liên quan đến quá trình học kỹ năng viết Tiếng Anh đã được thực hiện.

Trong nghiên cứu “Thái độ và nhận thức của sinh viên Đại học Trung Quốc đối với việc học Tiếng Anh bằng ChatGPT”, Liu (2023) chỉ ra rằng ChatGPT có khả năng cung cấp câu trả lời tức thì, linh hoạt. Từ đó, tác giả cũng nhấn mạnh tiềm năng của ChatGPT đối với sự phát triển năng lực ngôn ngữ, tư duy giải quyết vấn đề của sinh viên. Liu cũng đưa ra lo ngại về đạo văn, gian lận và trung thực trong học thuật.

Harunasari (2022) thực hiện một nghiên cứu tình huống “Kiểm tra tính hiệu quả của phương pháp tiếp cận tích hợp AI trong việc viết luận Tiếng Anh của những người không sử dụng Tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ”, áp dụng với đối tượng sinh viên chưa tốt nghiệp ở Indonesia. Nghiên cứu chỉ ra một số điểm mạnh của ChatGPT khi hỗ trợ các bước đầu của quá trình viết như: lập dàn ý chi tiết, cung cấp các ý tưởng sáng tạo, … Ở các bước sau khi viết, ChatGPT được cho là có khả năng xác định các lỗi ở cả cấp độ cú pháp và ngữ nghĩa. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng nêu lên các lo ngại liên quan đến đạo văn, khả năng có hạn của AI đối với các bài viết nâng cao và thiếu tính mềm mại.

Đồng quan điểm với Harunasari (2022), Yan (2023) trong “Tính năng tạo văn bản tự động của ChatGPT đã tác động như thế nào đến quá trình thực hành viết ngôn ngữ hai của người học?” cũng nhấn mạnh một số ưu điểm khác của ChatGPT như: cung cấp bài viết mẫu cho một đề tài cụ thể, nhận dạng lỗi đạo văn và tự động diễn giải lối hành văn khác. Tác giả cũng cho rằng việc rút ngắn quá trình từ “đọc – viết – chỉnh sửa” thành “tự động viết – chỉnh sửa hậu kỳ” có thể khiến học sinh cảm thấy mất động lực và không công bằng, đặc biệt đối với học sinh không có quyền truy cập vào ChatGPT.

Đối lập với Yan (2023), nghiên cứu “Ảnh hưởng của chatbot AI đối với động lực của học sinh trong lớp kỹ năng viết Tiếng Anh” lại cho rằng ChatGPT giảm bớt lo âu, tạo động lực cho những học sinh còn thiếu sót ở kỹ năng viết (Kurniati & Fithriani, 2022). Tuy nhiên, tác giả cũng chỉ ra rằng đa số bài viết của ChatGPT cứng nhắc và thiếu sắc thái cá nhân.

Đào sâu hơn về hạn chế của ChatGPT, Garaady và Mahyoob (2023) thực hiện nghiên cứu “Khả năng của ChatGPT trong việc phát hiện và phân tích lỗi trong bài viết của người học Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai”. Bài viết đi đến kết luận ChatGPT chỉ có khả năng phân tích lỗi ở bề mặt, lỗi ngữ pháp cơ bản nhưng không hiểu được các lỗi ngữ cảnh và cấu trúc phức tạp. Như vậy, quan điểm mới nhất này đối lập với nghiên cứu của Harunasari (2022).

1.2.2.  Tài liệu công trình trong nước

Ở trong nước, ChatGPT cũng thu hút sự quan tâm rất lớn từ ngành giáo dục, song còn nhiều hạn chế. Một số nghiên cứu liên quan đến kỹ năng viết Tiếng Anh có thể kể đến Tipayavaravan và Sirichokcharoe (2023) với nghiên cứu “ChatGPT: Công cụ mới cho giảng dạy Tiếng Anh ở trường Trung học phổ thông ở Việt Nam”. Tác giả tập trung vào vai trò của ChatGPT trong giảng dạy ngoại ngữ như: kiểm tra đánh giá, thiết kế bài giảng, tạo bài tập.

Một phân tích khác của Nguyễn (2023) tập trung chủ yếu vào góc nhìn của giáo viên là nghiên cứu tình huống “Quan điểm của giáo viên dạy Tiếng Anh đối với việc sử dụng ChatGPT trong lớp dạy viết tại Đại học Văn Lang”, sử dụng phương pháp khảo sát trực tuyến và phỏng vấn. Tác giả đưa ra những lo ngại về mặt bảo mật thông tin, độ chính xác và khách quan của nội dung trên ChatGPT, từ đó rút ra kết luận về cách ứng dụng trong quá trình giảng dạy kỹ năng viết. Mặt khác, Trương (2023) nghiên cứu “Vai trò của ChatGPT đối với giáo dục Việt Nam”, tập trung vào ảnh hưởng của ChatGPT đối với hệ thống giáo dục ở cấp phổ thông. Một số kết quả nghiên cứu được Trương đưa ra gồm ChatGPT có thể giải các đề thi tốt nghiệp Trung học, hỗ trợ học sinh giải các bài tập liên quan đến môn toán hoặc khoa học tự nhiên, phân tích văn bản trong môn văn học, hướng dẫn học ngoại ngữ, … Bên cạnh đó, tác giả cũng đề xuất một số giải pháp dành cho giáo viên và học sinh để sử dụng ChatGPT hiệu quả hơn.

Các công trình nghiên cứu trên đã cung cấp góc nhìn tổng quan về ảnh hưởng của ChatGPT trong dạy và học Tiếng Anh. Tuy nhiên, ít có nghiên cứu quốc tế nào đề cập cụ thể đến thái độ của học sinh khi ứng dụng của phần mềm này vào học viết. Ở Việt Nam các nghiên cứu càng hạn chế hơn và thường tập trung vào các vấn đề vĩ mô như Truong (2023) hay chủ yếu quan điểm của giáo viên như Nguyen (2023). Với nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu muốn tìm hiểu về góc nhìn của sinh viên đối với việc sử dụng ChatGPT trong học tập kỹ năng viết.

1.3. Ý nghĩa khoa học

Dựa vào những yếu tố đã đề cập, nghiên cứu của chúng tôi được tiến hành với mục tiêu nhằm hiểu rõ cách sinh viên Sư phạm Tiếng Anh tại ULIS nhận thức về việc sử dụng ChatGPT để cải thiện khả năng viết của họ và đánh giá chung về hiệu quả của nó như một công cụ giúp nâng cao kỹ năng viết.

Các giáo viên có thể nhờ đến sự tiện ích của công nghệ AI này trong quá trình hỗ trợ sinh viên cách tận dụng công cụ khôn ngoan khi tự học. Ngoài ra, bản thân người giáo viên cũng nên tự trang bị các kỹ năng, kiến thức cần thiết khi áp dụng ChatGPT trong quá trình dạy. Thêm vào đó, qua các kết quả từ nghiên cứu này, giáo viên có thể tìm thấy sự hữu ích trong quá trình hỗ trợ họ nhận thức về hành vi của học sinh đối với việc sử dụng ChatGPT trong việc viết và cách họ có thể thích nghi để hướng dẫn và xử lý nhiệm vụ.

Đối với tầm nhìn xa hơn, nghiên cứu của chúng tôi đóng góp cho sự phát triển liên tục và cải tiến của các công cụ viết dựa trên trí tuệ nhân tạo bằng việc làm nổi bật những lĩnh vực cần cải thiện dựa trên phản hồi từ học sinh. Ngoài ra, chúng tôi cũng hy vọng tạo nên một nền tảng cho các nghiên cứu tiếp theo trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong giáo dục nói chung và viết nói riêng.