1. Tổng quan
1.1. Nhu cầu thực tiễn
Đề tài “Thế giới nhân vật nữ trong tiểu thuyết “Hảo nữ Trung Hoa” của nhà văn Hân Nhiên là một đề tài tương đối mới mẻ và đầy thách thức nhưng có sức thu hút và gây được nhiều ấn tượng cũng như khơi gợi trí tò mò của người học. Lấy tác phẩm “Hảo nữ Trung Hoa” (The Good Women of China: Hidden Voices) của Hân Nhiên làm đối tượng nghiên cứu, chúng tôi không không chỉ muốn mang lại niềm đam mê với văn học mà còn xuất phát từ nhận thức sâu sắc về vai trò quan trọng của phụ nữ trong xã hội. Tác phẩm như một viên ngọc sắc nhọn, cứa sâu vào thâm tâm của người đọc, để mỗi chúng ta không chỉ nhận ra được vẻ đẹp quá đỗi chân thực của nó, mà còn nếm trải nỗi đau thấm thía của từng nhân vật nữ được kể lại qua ngòi bút của tác giả Hân Nhiên.
Chúng tôi hy vọng sẽ góp một cái nhìn mới mẻ về thế giới nhân vật trong tiểu thuyết “Hảo nữ Trung Hoa” của Hân Nhiên. Nghiên cứu nhằm khai thác hình ảnh người phụ nữ để có cái nhìn đa chiều, đa diện về cuộc sống của một bộ phận người trong xã hội Trung Quốc thời bấy giờ.
1.2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan
Văn học một phần nào đó phản ánh lối suy nghĩ của dân tộc và tiến trình phát triển của lịch sử, từ khía cạnh kinh tế, văn hóa cho đến xã hội, vì vậy mà yếu tố thời đại sẽ tác động mạnh mẽ đến số phận và quá trình sáng tác của tác giả trong thời đại đó. Đã có nhiều bình luận cá nhân về tác phẩm nhưng chưa có một công trình nghiên cứu nào đi sâu vào hình tượng người phụ nữ trong tác phẩm “Hảo nữ Trung Hoa” (The Good Women of China: Hidden Voices) của tác giả Hân Nhiên. Tuy nhiên liên quan đến những đề tài liên quan đến hình tượng người phụ nữ có thể kể đến một vài công trình có liên quan:
1.2.1 Tổng quan trong nước:
Ở Việt Nam, rất nhiều học giả quan tâm đến hình tượng người phụ nữ trong thơ ca, trong các tác phẩm văn học. Trong công trình “Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam thế kỷ XVIII” (2012) của Nguyễn Hoàng Thịnh1 đã chỉ ra một cái nhìn tương đối bao quát và toàn diện về hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình thế kỷ XVIII – XIX ở cả phương diện nội dung và nghệ thuật. Thông qua nghiên cứu, hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam thế kỷ XVIII – XIX đã được xây dựng một cách chi tiết từng mảnh nhỏ xứng đáng có được một vị trí, một chỗ đứng trong hệ thống hình tượng nhân vật văn học.
Trong luận văn thạc sĩ “Hình tượng người phụ nữ trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu sau năm 1975” của Nguyễn Thị Thu Lan2, tác giả đã nghiên cứu một cách hệ thống về hình tượng người phụ nữ trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu sau 1975; ngòi bút Nguyễn Minh Châu đã dành nhiều tâm huyết biểu hiện hình tượng người phụ nữ với những phẩm chất và đức hy sinh cao cả, sâu lắng với vẻ đẹp nhân văn. Nghiên cứu từ đó đưa đến một cái nhìn tổng quát và cụ thể về những đóng góp của nhà văn Nguyễn Minh Châu vào tiến trình vận động và phát triển của văn xuôi hiện đại Việt Nam trên bước đường đổi mới.
1 Nguyễn Hoàng Thịnh (2012). Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam thế kỷ XVIII. Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
2 Nguyễn Thị Thu Lan (1975). Hình tượng người phụ nữ trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu sau năm 1975. Đại học Đà Nẵng.
Bên cạnh những bài viết đã nêu trên, còn có rất nhiều đề tài nghiên cứu liên quan đến hình tượng người phụ nữ hoặc thiên tính nữ, góp phần làm rõ hơn về thân phận, về vai trò của người phụ nữ trong văn học cũng như vị trí của phụ nữ trong xã hội, như: “Truyện ngắn nữ Việt Nam từ 1986 đến nay” của Trần Thị Quỳnh Lê3; “Thiên tính nữ trong tiểu thuyết 1981 và nhiều cách sống của Nguyễn Quỳnh Trang” của Nghiêm Thị Hồ Thu, Đỗ Thị Thu Sinh và Đoàn Đức Hải4;…
1.2.2. Tổng quan ngoài nước:
Liên quan đến đề tài về nghiên cứu hình tượng nhân vật trong thời kì đó, chúng ta có thể kể đến những công trình nghiên cứu như là: 《20世纪90年代小说先锋性研究》(2023) của 王翘楚 5đã nói về các tác phẩm tiểu thuyết có chứa nhiều nhân vật trong thời kì những năm 90 của thế kỉ 20. Đây là thời kì Trung Quốc có sự chuyển mình lớn kể cả về chính sách mở cửa với thể giới, con người , văn hóa, giáo dục đều đón nhận những luồng văn hóa cởi mở, có sự đề cao tính nữ quyền trong thời gian này, Từ đó, chúng tôi có thể thấy cái nhìn tổng quan văn học và cách xây dựng hình tượng nhân vật.
Nghiên cứu 《作为特异叙事空间的日常通过三个男子和一个女人这个小说中的暴力书写》(2023) của 徐维辰f6 đã phân tích hình tượng người phụ nữ qua câu chuyện một người phụ nữ trong gia đình trọng nam khinh nữ đã bị bạo hành bởi ba người đàn ông. Qua đó đã thể hiện một mặt cuộc sống của người phụ nữ trong thời kì đó và sự uất hận, khao khát hạnh phúc của người phụ nữ trong tác phẩm.
Trên đây là những thu thập của chúng tôi về những tài liệu, luận văn, công trình nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan đến chủ đề mà nhóm chúng tôi đang nghiên cứu dựa trên các từ khóa: văn học, phụ nữ, tính nữ. Thông qua những nghiên cứu có liên quan, chúng tôi nhận ra vẫn chưa có nghiên cứu nào đề cập đến tác phẩm “Hảo nữ Trung Hoa” của Hân Nhiên, tuy nhiên những nghiên cứu này sẽ giúp chúng tôi định hướng được quá trình phân tích và lý giải thế giới nhân vật nữ trong nghiên cứu của mình.
1.3. Ý nghĩa khoa học
Đề tài “Thế giới nhân vật nữ trong tiểu thuyết “Hảo nữ Trung Hoa” của nhà văn Hân Nhiên” trước tiên sẽ mở ra cho người đọc số phận của những nhân vật nữ trong tác phẩm, qua đó mang lại cái nhìn sâu rộng và đa chiều về cuộc sống, những khó khăn và đổi mới trong xã hội Trung Quốc. Nghiên cứu không chỉ tập trung vào việc mô tả cuộc sống của những nhân vật nữ mà còn nhấn mạnh vào khả năng đối mặt và thách thức những định kiến xã hội về vai trò của phụ nữ.
Từ đó, giúp cho những người đọc quan tâm về tác phẩm “Hảo nữ Trung Hoa” cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn. Nghiên cứu không chỉ phản ánh về số phận người phụ nữ trong bối cảnh xã hội đó mà còn giúp người đọc nêu cao nhận thức về những khó khăn, thách thức mà người phụ nữ phải đối mặt cũng như vị trí, vai trò của người phụ nữ trong xã hội trước kia và sau này.