跨文化交际视角下越南节目《NHẬP GIA TÙY TỤC》中的文化差异研究 – Chương trình truyền hình “Nhập gia tùy tục” dưới góc nhìn giao tiếp liên văn hóa

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

1. Tổng quan

1.1. Nhu cầu thực tiễn

Sự phát triển của công nghệ thông tin và giao thông vận tải đã làm cho thế giới thu nhỏ hơn. Điều này tạo nên sự hội nhập và va chạm của các nền văn hóa trên thế giới. Chương trình “Nhập gia tùy tục” do VTV (Đài truyền hình Việt Nam) tổ chức không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí mà còn góp phần tôn vinh và bảo tồn văn hóa, giao lưu, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau trong xã hội đa văn hóa ngày nay.

Trong bối cảnh toàn cầu và đa dạng văn hóa ngày càng gia tăng, mỗi chúng ta cũng nên trang bị kiến thức và có cái nhìn khách quan, cởi mở hơn trước những sự vật, hiện tượng khác lạ. Nhìn nhận, phân tích chương trình “Nhập gia tùy tục” dưới góc nhìn giao tiếp liên văn hóa đem lại hiểu biết sâu hơn về đa dạng văn hóa, xây dựng kỹ năng giao tiếp xuyên biên giới và đặc biệt là có đóng góp tích cực và ngành giáo dục nói chung cũng như các chương trình đào tạo chuyên sâu về văn hóa nói riêng.

1.2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan

Về các nguyên cứu lý luận, trên thế giới, năm 1954 được coi là năm ra đời của chuyên ngành giao tiếp liên văn hóa, khi xuất hiện cuốn “Văn hóa là giao tiếp, giao tiếp là văn hóa” (Culture is communication and communication is culture”) của hai tác giả E.Hall và B.Trager. Thuật ngữ giao tiếp liên văn hóa cũng ra đời từ đó. Năm 1959, E.Hall cho ra đời tiếp cuốn “Ngôn ngữ câm” (The Silent Language”) chứng minh về mối quan hệ khăng khít giữa văn hóa và giao tiếp. Về sau xuất hiện thêm những nhà nghiên cứu như Ting-Toomey, hay Gudykunst và Kim, Samovaretal đã bổ sung và làm dày thêm nền tảng lý luận cho bộ môn khoa học này. Tại Việt Nam, đã xuất hiện nhiều các giáo trình, nghiên cứu về văn hóa Việt Nam nổi bật như “Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam” của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm – người có nhiều đóng góp cho ngành Văn hóa học Việt Nam, tuy nhiên phương diện mới như giao tiếp liên văn hóa chưa được phổ biến rộng rãi, các nghiên cứu trong mối tương quan so sánh hay phân tích về khác biệt văn hóa trong phạm vi khảo sát tư liệu của chúng tôi thì chưa có công trình nào nghiên cứu một cách chuyên sâu và có hệ thống về chủ đề này, mà mới chỉ được đề cập một cách chừng mực trong các bài viết mang tính tổng quan, khái quát. Cụ thể có thể kể đến giáo trình giảng dạy nội bộ tại trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội “越汉跨文化交际概论” (Đại cương về giao tiếp liên văn hóa Việt Trung), các bài viết Giao tiếp liên văn hóa: Cơ hội và thách thức của tác giả Lê Đức Thụ, Một số vấn đề giao tiếp nội văn hóa và giao văn hóa (2004) của tác giả Nguyễn Quang.

Về chương trình gameshow hay truyền hình có yếu tố giao tiếp văn hóa, xuất hiện khá nhiều và đa dạng, lấy ví dụ về Trung Quốc, tại đất nước tỷ dân này đã phát sóng hai chương trình nổi tiếng “世界青年说” (Tiếng nói của người trẻ thế giới)hay “非正式会谈” (Hội đàm phi chính chuyên) và nhiều chương trình khác khắc họa rõ nét sự va chạm giữa văn hóa cũng như thể hiện tinh thần liên văn hóa giữa các quốc gia. Các công trình nghiên cứu cũng khá đồ sộ và bài bản mang tính đóng góp cao như: luận văn 由《非正式会谈》看跨文化交际中的文化差异和文化融合 (Nhìn sự khác biệt văn hóa và hội nhập văn hóa trong giao tiếp liên văn hóa trong “Hội đàm phi chính chuyên) (2020) của tác giả Du Mộng, bài nghiên cứu 综艺节目中的跨文化交际现象分析 (Phân tích hiện tượng giao tiếp đa văn hóa trong các chương trình tạp kỹ) của tác giả Nam Thụy Trung. Tại Việt Nam, về nghiên cứu sự khác biệt văn hóa trong chương trình “Nhập gia tùy tục”, trong phạm vi khảo sát tư liệu của chúng tôi thì chưa có công trình nào nghiên cứu một cách chuyên sâu và có hệ thống về chủ đề này.

1.3. Ý nghĩa khoa học

Giao tiếp liên văn hóa là chuyên ngành còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Lực lượng người nghiên cứu và tham gia giảng dạy môn này có thể đếm trên đầu ngón tay và tập trung ở các trường đại học Ngoại ngữ là chính. Các chuyên khảo và sách giáo khoa về chuyên ngành này còn tương đối khiêm tốn. Các nghiên cứu về giao tiếp liên văn hóa mới chỉ dừng lại ở các bài bài báo, bài viết ngắn, đặc biệt tại Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về chương trình mang tính liên văn hóa như “Nhập gia tùy tục” . Trong bối cảnh các nghiên cứu như trên, chúng tôi thực hiện nghiên cứu khoa học với đề tài Chương trình truyền hình “Nhập gia tùy tục” dưới góc nhìn giao tiếp liên văn hóa, thông qua từng tập của chương trình chúng tôi sẽ chỉ ra quan điểm góc nhìn của các đại diện khách mời đến từ khắp nơi trên thế giới, các nét văn hóa đặc sắc riêng biệt của các quốc gia từ đó phân tích trong tương quan đối chiếu. Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên đặt ra vấn đề nghiên cứu phân tích một cách hệ thống về một chương trình Việt Nam mang đậm yếu tố giao lưu văn hóa quốc tế từ đó làm phong phú thêm hệ thống nghiên cứu giao tiếp liên văn hóa tại Việt Nam.