Giảng dạy tiếng Anh (ELT) đang dần khẳng định được tầm quan trọng trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay. Chính phủ và các nhà giáo dục ở Việt Nam đã nhận định tiếng Anh chính là “chìa khóa cho sự hội nhập khu vực và quốc tế” (Lê, 1999). Vì vậy, môn học này đã được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông từ lớp 3. Hoàng Văn Vân trong một nghiên cứu năm 2010 đã chỉ ra trung bình học sinh Việt Nam sau khi kết thúc 12 năm học sẽ hoàn thành 805 giờ học tiếng Anh tại trường. Trong chương trình học, học sinh được tiếp xúc không chỉ với ngôn ngữ mà còn cả văn hóa của các nước nói tiếng Anh.
Trong dạy và học tiếng Anh, ngữ pháp được coi là một trong những thành phần kiến thức quan trọng nhất. Ngữ pháp là những quy tắc về cấu trúc và cách hình thành câu, đảm bảo sự rõ ràng, mạch lạc và giao tiếp hiệu quả (Singh, 2011). Ở Việt Nam, ngữ pháp được coi là một thành tố quan trọng trong giảng dạy tiếng Anh, bất kể giáo viên sử dụng phương pháp dạy học nào (Đỗ, 2013). Trong giảng dạy ngữ pháp, việc dạy thì là một vấn đề quan trọng, đóng một vai trò không thể thiếu trong hầu hết các chương trình giảng dạy ngôn ngữ (Bardovi-Harlig, 2000). Theo Matsumoto và Dobs (2016), thì và thể của tiếng Anh là một trong những khái niệm ngữ pháp khó nhất trong quá trình dạy và học tiếng Anh, một phần là do sự khác biệt giữa các nền văn hóa và ngôn ngữ trong quan niệm về thời gian.
Bởi thì đóng một vai trò quan trọng trong ngữ pháp tiếng Anh và đồng thời được giảng dạy trong chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam, nghiên cứu về nhận định của học sinh đối với những khó khăn trong việc học thì là cần thiết để đưa ra gợi ý phương pháp giảng dạy phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả của việc học kiến thức ngữ pháp này.