Tổng quan
1. Nhu cầu thực tiễn
Việt Nam và Trung Quốc núi liền núi sông liền sông, là hai nước láng giềng gần nhau, có hơn 2000 năm lịch sử tiếp xúc và giao lưu văn hóa, tuy nhiên cho đến hiện tại, đại đa số ấn tượng và sự hiểu biết của người Việt Nam về Trung Quốc vẫn còn đang dừng lại ở những hồi ức trong quá khứ, thiếu đi sự nhìn nhận toàn diện về người hàng xóm này, khiến cho nhân dân hai nước có những quan niệm trái chiều về nhau trong suốt một khoảng thời gian dài.
Hiện nay, láng giềng Trung Quốc là một trong những đầu tàu của nền kinh tế thế giới, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Sau khi vươn lên vị trí nền kinh tế thứ hai thế giới từ năm 2010, thập kỷ qua chứng kiến nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Với những thành tựu thiết thực trong suốt thời gian qua, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn trong nhiều lĩnh vực khác, quan niệm của người Việt Nam về Trung Quốc cũng có những sự thay đổi nhất định dù theo hướng tiêu cực hay tích cực. Sự phát triển của xã hội yêu cầu những số liệu chính xác về vấn đề này, để chúng ta nhận ra những điểm tích cực cần phải duy trì và chú trọng đầu tư hợp tác phát triển, đồng thời phát hiện những điểm tiêu cực cần được thay đổi và cải thiện để tránh việc những quan niệm sai lầm hoặc quá cực đoan khiến cho chúng ta đánh mất một thị trường thương mại tiềm năng và đầy sức khai phá như Trung Quốc. Tuy nhiên cho đến nay vẫn có rất ít những nghiên cứu về quan điểm của người Việt Nam đối với Trung Quốc đã và đang thay đổi như thế nào trong thời kỳ mới.
2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan
Việt Nam và Trung Quốc có vị trí trí địa lý liền kề nhau, cùng với những tương đồng về văn hóa và con người đã tạo ra mối quan hệ gắn bó sâu sắc giữa hai đất nước.
Tuy nhiên quan điểm giữa người dân Việt Nam về đất nước láng giềng lại có nhiều sự thay đổi qua các thời kỳ, giai đoạn của lịch sử. Trước đó, đã có rất nhiều các khảo sát về góc nhìn của người Việt Nam hoặc các khu vực lân cận với Trung Quốc đã được thực hiện nhưng có rất ít nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này. Vì vậy chúng tôi quyết định sẽ thực hiện nghiên cứu để có những bước đột phá mới so với những khảo sát trước đó. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn sẽ tiếp thu những đóng góp, thành tựu của các nghiên cứu trước đây.
Dưới đây chúng tôi xin được liệt kê một số các thành tựu nghiên cứu mà chúng tôi tìm được.
Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) “Views of China and the Global Balance of Power”. Khảo sát cho thấy hình ảnh Trung Quốc trong bạn bè quốc tế được đánh giá như thế nào.
Khảo sát “无滤镜的中国” Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Chiến lược Đại học Thanh Hoa thu được hơn 2500 phiếu khảo sát thể hiện quan điểm, góc nhìn của người dân Trung Quốc về các vấn đề ở thế giới bên ngoài.
Ngày 16/01/2020, Trung tâm nghiên cứu ASEAN thuộc Học viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore, đã cho công bố báo cáo khảo sát các quốc gia Đông Nam Á. Tổng cộng có 1308 người, ở 10 nước thành viên ASEAN đã tham gia trả lời 58 câu hỏi trong bản thăm dò. Những người được hỏi thuộc 5 lĩnh vực : nghiên cứu, kinh doanh và tài chính, lĩnh vực công, xã hội dân sự và truyền thông.
3. Ý nghĩa khoa học
Với đề tài này theo như tài liệu chúng tôi đã tìm hiểu chưa có nhiều khảo sát, hoặc chưa có dữ liệu khảo sát vào nửa đầu năm 2023. Một số khảo sát có vài điểm tương tự, song không hoàn toàn giống với hướng đi và mục đích nghiên cứu của đề tài. Chúng tôi muốn hướng đến kết quả toàn diện, khách quan, cập nhật cho đề tài, từ đó thực hiện khảo sát trên nhiều lĩnh vực, tập trung vào những quan điểm, suy nghĩ của riêng người Việt Nam về Trung Quốc. Chúng tôi tự tin đây sẽ là một điểm sáng, điểm mới trong việc thực hiện đề tài này.