Bước đầu tìm hiểu quy định pháp luật về kết hôn có yếu tố nước ngoài giữa Việt Nam và Trung Quốc (初步研究越南与中国涉外结婚关系的法律规定)

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

Tổng quan

1. Nhu cầu thực tiễn

Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài ngày càng trở nên phổ biến. Năm 2019, Uỷ ban Đối ngoại Việt Nam đã trình lên Quốc hội báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam”. Báo cáo đã chỉ rõ hiện nay số trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài có xu hướng tăng, trong đó số cặp đôi Việt – Trung là nhiều nhất với 4.498 cặp. Nhưng thực tế số cặp đôi kết hôn có yếu tố nước ngoài còn nhiều hơn khi đây mới chỉ là số đã thực hiện đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, trong khi thực tế có nhiều người chọn đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Việc hiểu rõ các quy định pháp luật giúp mỗi người biết mình có những quyền và nghĩa vụ gì trong một mối quan hệ, đặc biệt là trong mối quan hệ phức tạp như quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài, để từ đó bảo vệ quyền lợi chính đáng của chính mình và gia đình.

Nhận thấy sự phổ biến và tầm quan trọng của việc hiểu biết các quy định pháp luật trong quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài, tôi đã chọn nghiên cứu đề tài “Bước đầu tìm hiểu quy định pháp luật về kết hôn có yếu tố nước ngoài giữa Việt Nam và Trung Quốc” với mục đích làm rõ các quy định pháp luật về kết hôn có yếu tố nước ngoài của Việt Nam và Trung Quốc, từ đó cung cấp một chỉ dẫn pháp lý chính xác cho những người có nhu cầu tìm hiểu về vấn đề này.

2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan

Thông qua phương pháp nghiên cứu tài liệu, tôi nhận thấy đã có một số những đề tài nghiên cứu quy định pháp luật về kết hôn có yếu tố nước ngoài của Việt Nam và Trung Quốc, nhưng số lượng các nghiên cứu không nhiều, ngoài ra các nghiên cứu đều là do các tác giả Việt Nam và Trung Quốc nghiên cứu tập trung vào quy định nước mình.

Trong đó nghiên cứu của các tác giả Việt Nam về quy định của pháp luật Việt Nam có thể kể đến tác giả Hoàng Như Thái (2012) với Luận văn thạc sĩ có tên đề tài: “Vấn đề kết hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài theo Pháp luật Việt Nam, so sánh với Pháp luật một số nước trên thế giới” hay của tác giả Nguyễn Cao Hiến (2011) với đề tài “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài theo quy định của Pháp luật Việt Nam trong xu thế hội nhập.”. Tuy nhiên các nghiên cứu về vấn đề này đa số đều được tiến hành và công bố từ trước năm 2014, trong khi đó với sự ra đời của Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam 2014, các quy định pháp luật đã có những thay đổi, vậy nên các nghiên cứu kể trên đặt vào bối cảnh hiện nay đã thiếu đi sự cập nhật. Ngoài ra trong phạm vi tìm hiểu, Việt Nam cũng chưa có bài nghiên cứu nào về quy định pháp luật về kết hôn có yếu tố nước ngoài của Trung Quốc.

Nghiên cứu của các tác giả Trung Quốc đa số chỉ tập trung vào nghiên cứu quy định pháp luật của Trung Quốc mà hiếm khi nghiên cứu về pháp luật Việt Nam. Duy chỉ có một luận văn thạc sĩ có đề cập đến đồng thời pháp luật Việt Nam và Trung Quốc về kết hôn và ly hôn có yếu tố nước ngoài, đây là hai nội dung khó và phức tạp nhưng luận văn có nội dung chỉ khoảng 35 trang, theo tôi thì còn đơn giản và ngắn gọn.

Chính vì chưa tìm được bài nghiên cứu nào nghiên cứu toàn diện và đồng thời những quy định pháp luật hiện hành về kết hôn có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam và Trung Quốc, nên tôi đã chọn vấn đề này làm đề tài nghiên cứu.

3. Ý nghĩa khoa học

Các nghiên cứu trước đó về quy định pháp luật điều chỉnh mối quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài thường là do các tác giả Việt Nam, Trung Quốc tự nghiên cứu về quy định nước mình mà thiếu đi một nghiên cứu tổng hợp về quy định của cả hai nước, trong khi các cuộc kết hôn có yếu tố nước ngoài giữa Việt Nam và Trung Quốc lại tương đối phổ biến. Ngoài ra các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài nghiên cứu cũng là những văn bản hiện hành và cập nhật, giúp người đọc có cái nhìn chính xác về các quy định pháp luật hiện hành.

Bài nghiên cứu có sử dụng phương pháp so sánh và tiến hành so sánh giữa các quy định đã hết hiệu lực và các quy định hiện hành về kết hôn có yếu tố nước ngoài, đồng thời so sánh sự khác biệt giữa các quy định điều chỉnh cùng một vấn đề giữa các luật khác nhau trong hệ thống pháp luật Việt Nam, từ đó cung cấp cho người đọc cái nhìn đa chiều về các quy định này.