Tổng quan
1.Nhu cầu thực tiễn
Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc Gia Hà Nội và Đại học Hà Nội là hai trường đại học đào tạo ngoại ngữ hàng đầu tại Việt Nam. Trong số các ngành học, ngôn ngữ học là một trong những môn học quan trọng nhất trong chương trình giảng dạy tiếng Trung. Tuy nhiên, đây cũng là một môn học mà nhiều sinh viên cảm thấy khó khăn. Trong quá trình học môn ngôn ngữ học, sinh viên phải đối mặt không chỉ với lượng từ vựng chuyên ngành lớn mà còn phải tiếp xúc với rất nhiều kiến thức ngữ pháp phức tạp, điều này khiến cho việc tiếp thu và ghi nhớ trở nên khó khăn.
Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc tại trường Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội cùng trường Đại học Hà Nội đang sử dụng hai giáo trình khác nhau trong quá trình giảng dạy tiếng Trung. Cụ thể, đó là giáo “Giáo trình ngữ pháp Hán ngữ”《汉语语法教程》do Sun Dejin chủ biên, và “Ngữ pháp Hán ngữ hiện đại” 《现代汉语》 do Huang Borong và Liao Xudong biên soạn. Với mục tiêu cải tiến các khóa học trong tương lai, để phù hợp hơn với nhận thức của người học tiếng Trung và đồng thời giải quyết các khó khăn mà họ thường gặp phải trong quá trình học tập, bài viết này đã lựa chọn việc thiết kế chương trình giảng dạy dựa trên hai giáo trình này như là đối tượng nghiên cứu và đề xuất những gợi ý cụ thể.
Trong những năm gần đây, với sự phát triển không ngừng của Trung Quốc, tiếng Trung đã trở thành ngoại ngữ thứ hai sau tiếng Anh tại Việt Nam. Từ đó, việc giảng dạy tiếng Trung ở Việt Nam cũng đang có những bước phát triển đáng kể. Sự gia tăng nhu cầu này đã thúc đẩy môi trường giảng dạy tiếng Trung ngày càng phát triển. Việc làm thế nào để nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo cho sinh viên để đáp ứng nhu cầu thị trường đang là mối quan tâm hàng đầu của các giáo viên giảng dạy tiếng Trung tại Việt Nam. Trong quá trình giảng dạy tiếng Trung, việc thiết lập chương trình học đóng một vai trò quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Để tối ưu hóa quá trình này, tôi đã chọn sinh viên tại hai trường đại học hàng đầu Việt Nam là trường Đại học Ngoại Ngữ và Đại học Hà Nội để làm đối tượng nghiên cứu trong đề tài này.
Bài viết này thực hiện việc so sánh giữa hai giáo trình học theo nguyên tắc và tiêu chuẩn biên soạn giáo trình trong dạy học tiếng Trung do Nhóm nghiên cứu giáo trình của Hiệp hội nghiên cứu giảng dạy tiếng Trung do Zhao Xianzhou đề xuất năm 1988. Bài viết chỉ ra những ưu và nhược điểm của từng giáo trình và tiến hành một đánh giá khách quan về cả hai giáo trình. Thông qua việc thu thập ý kiến từ phía học sinh và giáo viên về môn ngôn ngữ học, bài viết rút ra các quan điểm về nội dung của hai giáo trình cũng như phương pháp giảng dạy trong quá trình sử dụng hai giáo trình. Từ đó, bài viết đề xuất các chiến lược dạy học cùng với gợi ý cho cả giáo viên và sinh viên, góp phần thúc đẩy sự phát triển của việc giảng dạy ngữ pháp tiếng Trung tại Việt Nam. Việc nghiên cứu về việc dạy học ngữ pháp tiếng Trung hiện đại mang lại ý nghĩa to lớn.
2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan
Qua tìm hiểu, tôi thấy hiện tại chưa có nghiên cứu nào tập trung vào đề tài ngôn ngữ học, đặc biệt là nghiên cứu về giáo trình và so sánh giữa hai giáo trình “Giáo trình ngữ pháp tiếng Hán” và “Tiếng Hán hiện đại”. Các nghiên cứu có liên quan chủ yếu tập trung vào một giáo trình cụ thể hoặc so sánh giữa một giáo trình với một giáo trình khác, trong khi việc nghiên cứu so sánh giữa hai giáo trình này chưa được thực hiên.
2.1.Một số nghiên cứu về ngôn ngữ học tại Trung Quốc
Tại Trung Quốc, đang diễn ra một loạt các nghiên cứu và so sánh về một số giáo trình ngữ pháp tiếng Hán, bao gồm những nghiên cứu sau: “Nghiên cứu so sánh ngữ pháp trong ba cuốn giáo trình tiếng Hán hiện đại” 《三部<现代汉语>教材语法对比研究》 của Yan Yapan tập trung chủ yếu vào việc so sánh việc ứng dụng ba cuốn giáo trình này trong việc giảng dạy ngữ pháp tiếng Trung. Nghiên cứu này phân tích kỹ lưỡng những khác biệt về ngữ pháp giữa ba bộ giáo trình “Tiếng Trung hiện đại” 《现代汉语》, đồng thời tìm hiểu triết lý viết của người biên tập, nhằm xác định các quy tắc và hệ thống kiến thức có ích nhất cho việc học tiếng Trung hiện đại. Mục tiêu của nghiên cứu cũng là giúp học sinh hiểu rõ hơn về kiến thức ngữ pháp.
Thông qua việc so sánh giữa “Đại cương ngôn ngữ học” và “Nhập môn ngôn ngữ học”《<语言学纲要>与<语言学引论>的对比看语言学的发展》 của tác giả Ma Ping và Zhang Song, tác giả đã cung cấp một cái nhìn tương đối toàn diện về lịch sử phát triển, khung lý thuyết và phương pháp nghiên cứu trong lĩnh vực ngôn ngữ học. Nghiên cứu này thể hiện sự phát triển không ngừng của ngôn ngữ học qua thời gian và sự thay đổi trong đối tượng nghiên cứu cũng như phương pháp nghiên cứu. Với sự phát triển không ngừng và sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực ngôn ngữ học, ngày càng có nhiều học giả bắt đầu khám phá bản chất, chức năng và ứng dụng của ngôn ngữ từ góc độ liên ngành.
Nghiên cứu so sánh giữa “Ngữ pháp tiếng Trung trung cấp” 《中级汉语语法》và “Ngữ pháp tiếng Trung nâng cao”《高级汉语语法》tập trung vào việc đối chiếu tác động của hai cuốn giáo trình này trong việc nâng cao trình độ ngữ pháp tiếng Trung cho học sinh viên. Thông qua việc phân tích nội dung giáo trình, phương pháp giảng dạy và phản hồi học tập của sinh viên, nghiên cứu này dựa trên ưu và nhược điểm của cách tiếp cận giảng dạy, từ đó đề xuất các chiến lược và gợi ý phương pháp giảng dạy tương ứng.
“Hai bức tường của nghiên cứu truyền thống ngôn ngữ học Trung Quốc – Bình luận về <Sơ lược ngôn ngữ học truyền thống Trung Quốc> và < Tổng hợp những cuốn sách thiết yếu về ngôn ngữ học truyền thống Trung Quốc>”《传统汉语研究的双璧—评<汉语传统语言学纲>和<中国传统语言学要籍述论>》của Gao Zhenyou và Zou Dewen là một tóm tắt toàn diện và cuộc thảo luận sâu sắc về nghiên cứu về ngôn ngữ học và việc khuyến khích nghiên cứu về ngôn ngữ học tiếng Trung hiện đại mang lại ý nghĩa sâu sắc. Các nghiên cứu này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của việc giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ học tiếng Trung, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quá trình phát triển, khung lý thuyết và phương pháp nghiên cứu trong lĩnh vực này, từ đó nâng cao trình độ giảng dạy và khả năng nghiên cứu của chúng ta. Ngoài ra, những nghiên cứu này còn cung cấp cho chúng ta thêm lựa chọn về tài liệu giảng dạy và chiến lược đào tạo nhằm giúp người học hiểu rõ hơn về kiến thức ngữ pháp tiếng Trung và cải thiện trình độ tiếng Trung của họ.
Mặc dù có nhiều tài liệu và nghiên cứu về lĩnh vực ngôn ngữ học, nhưng chủ yếu chúng tập trung vào việc nghiên cứu về bản thể ngôn ngữ và hệ thống ngôn ngữ. Trong khi đó, có tương đối ít nghiên cứu về giáo trình “Giáo trình ngữ pháp tiếng Hán” và “Tiếng Hán hiện đại”. Thậm trí hiện nay chưa có bài viết nào viết về nghiên cứu so sánh giữa hai giáo trình này.
2.2.Một số nghiên cứu về ngôn ngữ học tại Việt Nam
Ở Việt Nam có rất ít tài liệu và công trình nghiên cứu về giáo trình ngôn ngữ học, hiện nay có một số công trình nghiên cứu có nội dung học thuật phong phú như: “Thực trạng, nguyên tắc và xu hướng biên soạn “Giáo trình Hán ngữ” trong những năm trở lại đây” của tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng, “Phân tích thiết kế bài tập trong giáo trình khẩu ngữ tiếng Hán trung cấp – Nghiên cứu trường hợp giáo trình “Khẩu ngữ tiếng Hán trung cấp”” của tiến sĩ Đinh Thu Hoài, “Biên soạn giáo trình tiếng Trung Quốc dành cho sinh viên không chuyên ngữ – Thực trạng kiến nghị” – Lưu Hớn Vũ, Châu A Phí”. Có thể thấy, những tác giả như Nguyễn Quang Hưng, Đinh Thu Hoài chủ yếu nhắm đến đối tượng là người học sơ cấp và trung cấp, đặc biệt là những người theo học chuyên ngành tiếng Trung. Trong khi đó, Lưu Hớn Vũ và Châu A Phí hướng tới không chỉ chuyên ngành tiếng Trung mà còn các đối tượng khác. Mặc dù như vậy, dường như chưa có nghiên cứu nào tập trung vào lĩnh vực ngữ pháp tiếng Trung, đặc biệt là việc so sánh giữa thiết kế giáo trình “Giáo trình ngữ pháp tiếng Trung” và “Tiếng Trung hiện đại”.
Bài viết này mong rằng sẽ cung cấp những gợi ý và tài liệu tham khảo hữu ích để hỗ trợ quá trình nghiên cứu và phân tích sâu rộng lĩnh vực này.
2.3. Tài liệu tham khảo
- 高振友、邹德文.传统汉语研究的双璧评《汉语传统语言学纲要》和
《中国传统语言学要籍述论》[J].长春师范学院学报(社会科学版)1994 年第 1 期.
- 黄伯荣、廖序东.《现代汉语》[M]高等教育出版社,1991.
- 马萍、张松.《语言学纲要》与《语言学引论》的对比看语言学的发展[J].理论界,2006,0(S2):117-118.
- 李泉. 对外汉语教材通论[M]. 商务印书馆, 2012 年. [5] 孙德金. 汉语语法教程[M].北京大学出版社,2009.
- 闫亚盼 .三部《现代汉语》教材语法对比研究.
- Đinh Thu Hoài. Phân tích thiết kế bài tập trong giáo trình khẩu ngữ tiếng Hán trung cấp – Nghiên cứu trường hợp giáo trình “Khẩu ngữ tiếng Hán trung cấp” [J].Tạp Chí Nghiên cứu nước ngoài, 2016,32(3).
- Lưu Hớn Vũ, Châu A Phí. Biên soạn giáo trình tiếng Trung Quốc dành cho sinh viên không chuyên ngữ – Thực trạng và kiến nghị[J].Ngôn ngữ và đời sống, 2014,10(228).
- Nguyễn Quang Hưng. Thực trạng, nguyên tắc và xu hướng biên soạn “Giáo trình Hán ngữ” trong những năm trở lại đây[J]. Nghiên cứu trao đổi,2021.
3. Ý nghĩa khoa học
Bài nghiên cứu có hai điểm mới nổi bật sau đây:
Thứ nhất, về đối tượng nghiên cứu, mặc dù đã có không ít nghiên cứu về lĩnh vực ngôn ngữ học, nhưng rất ít nghiên cứu lấy việc so sánh thiết kế chương trình học của giáo trình “Giáo trình ngữ pháp tiếng Hán” và “Tiếng Hán hiện đại” làm đối tượng nghiên cứu. Việc thiết kế chương trình học của hai giáo trình này làm đối tượng nghiên cứu không chỉ khiến luận văn có tính cụ thể hơn mà còn bổ lấp được một chỗ trống của giới nghiên cứu.
Thứ hai, về phạm vi nghiên cứu, hiện nay đối tượng sinh viên năm 3, 4 là một trong những người đã có nền tảng nhất định trong tiếng Trung tại hai trường đào tạo ngoại ngữ hàng đầu Việt Nam là Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Hà Nội, vẫn còn ít nghiên cứu lấy nhóm đối tượng này làm phạm vi nghiên cứu. Nhận thấy đây là một nhóm đối tượng có tầm quan trọng với xã hội, có thể ảnh hưởng đến sự phát triền của ngành giáo dục tiếng Trung tại Việt nam, bài nghiên cứu lựa chọn sinh viên năm 3,4 tại hai trường đại học này làm đối tượng nghiên cứu.