Nghiên cứu sắc xuân trong thơ Đỗ Mục 杜牧诗中春色分析

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

Tổng quan

1. Nhu cầu thực tiễn

Hiện nay, thơ Đường vẫn là một phần không thể thiếu trong chương trình giáo dục và nghiên cứu ở Việt Nam, tuy nhiên đa số đều tập trung vào học tập và nghiên cứu về một số tác giả nổi tiếng đại diện cho giai đoạn hưng thịnh nhất của Đường thi, mà ít đề cập đến thi đàn cuối thời Đường, dẫn đến cái nhìn thiếu toàn diện trong quá trình học tập và nghiên cứu về Đường Thi. Thơ ca thời kỳ Vãn Đường cũng có rất nhiều thành tựu và tác gia kiệt xuất – điển hình là thi nhân Đỗ Mục, với tài năng thi ca xuất chúng, ông được người đời ưu ái đặt cho cái tên lấy cảm hứng từ “Thi Thánh” Đỗ Phủ – “Tiểu Đỗ”.

2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan

  1. Thực trạng nghiên cứu ở Trung Quốc

Giới học thuật Trung Quốc đã đạt được thành tựu đáng kể với nội dung nghiên cứu về thơ ca Đỗ Mục. Đã có nhiều bài nghiên cứu được công nhận rộng rãi khi phân tích về cảnh sắc thiên nhiên và tư tưởng tình cảm được Đỗ Mục gửi gắm trong thơ.

Năm 2007, bài nghiên cứu “杜牧诗歌研究” (Nghiên cứu về thơ ca Đỗ Mục) của 李 愚 镛 (Lý Ngọc Dung, Tiến sĩ Đại học Phúc Đán, Trung Quốc) tập trung phân tích cảm hứng, nội dung, thành tựu, ảnh hưởng của thi ca Đỗ Mục; tìm hiểu về địa vị và ý nghĩa của danh thi Đỗ Mục trên thi đàn Vãn Đường1. Dựa theo nội dung thơ, “Nghiên cứu thơ ca Đỗ Mục” chia thơ ca Đỗ Mục thành ba nội dung chính, gồm thương nước thương dân, ngâm sử hoài cổ và đề tài phái nữ. Thông qua phân tích tỉ mỉ, tác giả chỉ ra quan điểm văn học của Đỗ Mục – coi trọng nội dung, không coi trọng hình thức, tác phẩm của Đỗ Mục ẩn chứa ý nghĩa hiện thực lớn lao – phản ánh rõ nét hiện thực chính quyền đàn áp, dân chúng lầm than2. Bài nghiên cứu của Tiến sĩ Lý Ngọc Dung đã nêu bật hai nội dung chính trong thi ca Đỗ Mục, một là quan điểm văn học của nhà thơ, hai là tâm tư của tác giả được truyền tải thông qua giá trị hiện thực.

Năm 2009, bài nghiên cứu “杜牧诗歌的江南情结” (Giang Nam trong thơ ca Đỗ Mục) của 马文静 (Mã Văn Tịnh, Thạc sĩ Đại học Sư phạm Sơn Đông, Trung Quốc) đã viết: Giang Nam có phong cảnh thiên nhiên tươi mát và tuyệt đẹp. Bài viết này nghiên cứu về ảnh hưởng của cảnh đẹp và nền văn hóa lâu đời vùng Giang Nam đến sáng tác của Đỗ Mục; đồng thời chỉ ra, với Đỗ Mục, Giang Nam là nguồn cảm hứng nghệ thuật bất tận. Tác giả thưởng thức nét đẹp vùng Giang Nam được khắc họa dưới ngòi bút Đỗ Mục, phân tích đặc điểm thơ ca thi nhân: trang nhã thanh thuần, rực rỡ sắc màu, sử dụng phong phú điển tích điển cố3, từ đó mở ra bức tranh thiên nhiên toàn cảnh trong thơ ca Đỗ Mục trước mắt độc giả.

Năm 2012, bài viết “晚唐——杜耀诗坛——论杜牧诗的情思与风格 ” (Vãn Đường – thi đàn sáng chói – luận về quan điểm và phong cách thơ Đỗ Mục) của 王向峰 (Vương Hướng Đỉnh) đã phân tích ngắn gọn về quan điểm thẩm mỹ và phong cách nghệ thuật phóng khoáng, mạnh mẽ trong thơ ca Đỗ Mục từ góc độ hiểu biết sâu sắc của thi nhân về sự suy tàn trong xã hội thời Vãn Đường. Thơ và tản văn của Đỗ Mục chủ yếu dựa trên nền tảng cảm xúc, từ lo lắng, thương xót đến thái độ phê phán và oán giận trước chính trị – xã hội suy tàn lúc bấy giờ. Những bài thơ của Đỗ Mục đều ẩn chứa ý nghĩa sâu sắc, tâm trạng đau thương, thái độ chỉ trích và phê phán. Thơ ca Đỗ Mục lấy ý làm chủ, ngôn từ sắc bén, tình cảm sâu sắc, phóng khoáng mạnh mẽ4.

Năm 2014, bài nghiên cứu “杜甫、杜牧文学思想比较研究” (So sánh tư tưởng văn học Đỗ Phủ và Đỗ Mục) của 张超 (Trương Siêu, Thạc sĩ Đại học Liêu Ninh, Trung Quốc) đã nghiên cứu, so sánh tư tưởng văn học của hai nhà thơ Đỗ Phủ và Đỗ Mục trong bối cảnh Thịnh Đường và Vãn Đường, từ đó chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt của cả hai thi nhân. Bài nghiên cứu tuy không phân tích sâu về thơ Đỗ Mục nhưng đã chỉ ra tư tưởng văn học, phong cách sáng tác và thế giới quan của nhà thơ tài hoa cuối thời Đường này. Đỗ Mục chú trọng đến giá trị hiện thực của văn học, có xu hướng phác thảo chi tiết, phản ánh hiện thực và theo đuổi sự hoàn hảo trong quan niệm thẩm mỹ. Vì vậy, hình ảnh trong thơ Đỗ Mụ hiện lên chân thực, rõ nét và sống động, đặc biệt là loạt hình ảnh khắc họa cảnh tượng thiên nhiên.

Năm 2020, bài viết “春天里,小杜的江南”(Giang Nam của Tiểu Đỗ trong không khí ngày xuân) của 毕伟玉 (Tất Vĩ Ngọc) tuy tập trung tóm tắt cuộc đời, sự nghiệp của Đỗ Mục trong bối cảnh gia đình xảy ra biến cố giữa thời xã hội loạn lạc, nhưng cũng có những lời bình đắt giá về hai tác phẩm nổi tiếng “Cung A phòng xuất” và “Giang Nam xuân” của thi nhân. Trong lúc luận về hiện thực nhà Đường đang bên bờ vực sụp đổ, tác giả Tất Vĩ Ngọc cảm nhận sâu sắc bức tranh cảnh đẹp trong hai bài thơ, chỉ có điều, hóa ra trong bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp này lại ẩn chứa thăng trầm lịch sử. Trong sắc xuân, Đỗ Mục hồi tưởng quá khứ, nhìn về tương lai. Hình ảnh người đánh cá và chiếc thuyền cô độc lững lờ trôi trên dòng sông ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong thơ Đỗ Mục. “Giang Nam của Tiểu Đỗ trong không khí ngày xuân” tuy không dài, nhưng đã để lại nhiều lời bình đắt giá về tâm tư, nghĩ suy của thi nhân Đỗ Mục được gửi gắm trong cảnh sắc ngày xuân.

Ngoài những bài nghiên cứu kể trên, còn có rất nhiều nghiên cứu có giá trị liên quan đến thơ Đỗ Mục và bút pháp tả cảnh ngụ tình được thi nhân thể hiện trong thơ, có thể kể đến “明代杜牧诗歌接受研究”(Nghiên cứu sự tiếp nhận thơ Đỗ Mục ở thời Minh) của 严惠椿 (Nghiêm Huệ Xuân, Thạc sĩ Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh); “杜牧纪行诗研究”(Nghiên cứu thơ hành ký Đỗ Mục) của 张谦 (Trương Kiêm, Thạc sĩ Đại học Sư phạm Thẩm Dương); “杜牧军事思想及其诗文创作研究”(Nghiên cứu tư tưởng quân sự và sáng thác thơ văn của Đỗ Mục) của 李锋 (Lý Phong, Thạc sĩ Đại học Tế Nam); “晚唐三家研究——文学变革与时代变迁中的杜牧、李商隐和温庭筠”(Nghiên cứu ba nhà thơ Vãn Đường Đỗ Mục, Lý Thương Ẩn, Ôn Đình Quân trong tương quan cải cách văn học và thay đổi thời đại) của 曹渊 (Tào Uyên, Tiến sĩ Đại học Thượng Hải); “杜牧诗思想与艺术述论”(Luận về tư tưởng và nghệ thuật thơ Đỗ Mục) của 寇养厚 (Khấu Dương Hậu, đăng trên Học báo đại học Sư phạm Tây Bắc)… và nhiều công trình nghiên cứu khác.

  1. Thực trạng nghiên cứu ở Việt Nam

Ở Việt Nam, thực trạng nghiên cứu thơ ca Đỗ Mục được tổng kết như sau:

Bài nghiên cứu “Hai cách đọc một bài thơ của Đỗ Mục” của tác giả Hà Văn Thùy: Bài nghiên cứu phân tích câu thơ “Sở yêu tiêm tế chưởng trung khinh” trong bài “Khiển hoài” của Đỗ Mục, từ đó đưa ra cách dịch chính xác nhất cho câu thơ này. Tác giả tiến hành phân tích nghĩa mặt chữ của lời thơ, tâm tình của tác giả khi sáng tác bài thơ này và quan điểm nghệ thuật thẩm mỹ được thể hiện xuyên suốt bài thơ. Sau đó đúc kết ra rằng, bài thơ “Khiển hoài” là những hồi tưởng về thời tuổi trẻ của Đỗ Mục, từ đó phê phán, bác bỏ những bản dịch không sát với bản gốc.

Bài phân tích “Ngày tiết Thanh Minh đọc lại “Thanh Minh” của Đỗ Mục” của tác giả Phan Trường Nghị: Tác giả phân tích bài thơ “Thanh Minh” trong tương quan so sánh với những câu thơ liên quan đến tiết Thanh Minh trong kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, từ đó giúp bài thơ “Thanh Minh” của Đỗ Mục trở nên gần gũi hơn với độc giả Việt Nam. Bài phân tích này chỉ rõ quang cảnh lạnh

lẽo ẩm ướt trong tiết Thanh Minh, cảm hiểu sự cảm thán và xót thương trước nhân sinh vô thường, niềm mong nhớ cố hương, đau đáu một lòng vì nỗi an nguy nước nhà của nhà thơ Đỗ Mục. Hình ảnh một con người cô độc bước đi giữa tiết trời Thanh Minh âm u lạnh lẽo, có chăng là dự báo chẳng lành cho một triều đại đã đi đến bến bờ sụp đổ không cách nào vãn hồi?

Sách “Đỗ Mục – nhà thơ tài hoa thời Vãn Đường” do Lý Văn Đình, Ngô Như Châu biên tập đã tổng hợp một số bài thơ, lời bình và tương truyền về Đỗ Mục, biên soạn và phiên dịch những bài thơ nổi tiếng của ông như “Giang Nam xuân tuyệt cú”, “Đề Ô Giang đình”, “Trang Hảo Hảo thi”, “Chu Pha tuyệt cú”, “Cửu nhật tề sơn đăng cao”, “Giang thượng phùng hữu nhân” …, đồng thời phân tích rõ nét hình tượng nghệ thuật, điển cố lịch sử, phong cảnh thiên nhiên được thể hiện trong thơ, từ đó hiểu sâu sắc hơn hàm ý trong thơ Đỗ Mục, đi sâu vào thế giới nội tâm được tác giả gửi gắm trong mỗi bài thơ.

Luận văn tốt nghiệp chủ đề “Một số ẩn dụ tiêu biểu trong thơ Đường” của Đỗ Ngọc Thuận, sinh viên Đại học Thủ đô Hà Nội: Luận văn nhắc đến một vài bút pháp ẩn dụ điển hình trong thơ Đường như ẩn dụ ý tượng, ẩn dụ từ ngữ, ẩn dụ điển cố… Trong đó, lấy ví dụ là hai bài thơ “Khiển hoài” và “Giang lâu” của Đỗ Mục. Tác giản Đỗ Ngọc Thuận đã viết: “Khiển hoài” xuất hiện một loạt hình tượng và từ ngữ ẩn dụ; trong thơ, Đỗ Mục hồi tưởng năm tháng phong lưu tại Dương Châu, đồng thời thể hiện sự bất mãn với nơi ở hiện tại. Với “Giang lâu”, hình ảnh mây lững lờ trôi trên mặt nước phẳng lặng khiến liên tưởng đến cuộc đời cô độc bôn ba bốn bể, hình ảnh chim nhạn sải cánh bay tượng trường cho khao khát được trở về cố hương. Hai hình ảnh ẩn dụ thể hiện cho cuộc sống tha hương và nỗi niềm mong nhớ quê nhà, hi vọng có một ngày được trở về chốn quê cũ thân quen của nhà thơ Đỗ Mục.

Ngoài những bài nghiên cứu, phân tích kể trên, còn có nhiều trang web, blog đăng tải bản dịch âm Hán – Việt và bản dịch Trung – Việt liên quan đến các bài thơ của Đỗ Mục. Thực trạng nghiên cứu thơ ca Đỗ Mục trong nước được tổng kết như sau, đa số nghiên cứu đều tập trung phân tích một bài thơ cụ thể, hoặc một vài bài thơ nổi tiếng của Đỗ Mục, chưa có nhiều công trình nghiên cứu về sắc xuân trong thơ ông.

Có thể thấy rằng, phạm vi nghiên cứu chủ yếu giới thiệu toàn tập thi ca Đỗ Mục, phân tích quan điểm nổi bật trong thơ, tập trung phân tích, chú giải một số tác phầm tiêu biểu, hoặc tiến hành so sánh Đỗ Mục với nhà thơ khác trên phương diện đề tài sáng tác, tư tưởng văn học…, trong khi đó số lượng nghiên cứu tập trung tìm hiểu sâu hơn về những vẫn thơ tuyệt hảo Đỗ Mục viết về mùa xuân và đồng cảm, thấu hiểu với cảm nhận, tâm tư của nhà thơ trước khung cảnh xuân mới tươi đẹp ấy còn khá ít.

Trích dẫn:

Tài liệu tiếng Trung

  • 袁行霈. 中国文学史. 高等教育出版社,2018.
  • 云根著. 中国历代文化名人诗传. 吉林文史出版社,2020.
  • 毕伟玉. 春天里, 小杜的江南.《当代学生》期刊,2020,第 12 .
  • 张超. 杜甫、杜牧文学思想比较研究. 辽宁大学,2014.
  • 马文静. 杜牧诗歌的江南情结. 山东师范大学,2009.

[6]      王向峰. 晚唐一杜耀诗坛——论杜牧诗的情思与风格. 沈阳工程学院学报

(社会科学版),2012,第 8 卷第 1 .

  • 李愚镛. 杜牧诗歌研究. 复旦大学,2007.
  • 余恕诚. 晚唐两大诗人群落及其风貌特征. 安徽师大学报(哲学社会科学版), 第 24 卷第 2 .
  • 吴在庆. 杜牧诗文选评. 上海古籍出版社,2002
  • 曹渊. 晚唐三家研究 ——文学变革与时代变迁中的杜牧、李商隐和温庭筠. 上海大学,2017.
  • 刘妍蘅. 浅谈杜牧诗歌对后世的影响. 文学评论杂志,2018,第 29 .
  • 孙民立优美的环境,淡淡的离愁——读杜牧《汉江》中学生读写期刊,

2002,第 4 .

  • 田景丽. 探析杜牧的文学创作思想. 古典钩玄刊期,第 441 .
  • 石云涛. 唐诗中长安晋阳官驿道上的行旅——兼谈晚唐诗人杜牧北上游边的经历. 晋阳学刊. 2018.

Tài liệu tiếng Việt

  • Đinh Phan Cẩm Vân (2011), Cảnh và tình trong Đường Thi. Tạp chí Khoa học ĐHSP HCM, số 26, 6-10
  • Trần Thị Ánh Nguyệt (2014), Thiên nhiên – nguồn cảm hứng bất tận của văn chương phương Đông. Tạp chí Khoa học ĐHSP TPHCM, số 60, 145-153.
  • Hà Văn Thùy (2017), Hai cách đọc một bài thơ của Đỗ Mục

<https://www.trieuxuan.vn/Hai-cach-doc-bai-tho-Khien-hoai-cua-Do-Muc/> xem ngày 28/05/2023

3. Ý nghĩa khoa học

Mục đích của nghiên cứu này là phân tích, nghiên cứu sâu hơn về nghệ thuật miêu tả mùa xuân và bút pháp tả cảnh ngụ tình trong thơ Đỗ Mục, đồng thời đóng góp một góc nhìn mới mẻ, toàn diện hơn về chủ đề mùa xuân trong thơ Đỗ Mục nói riêng và cho việc giảng dạy, nghiên cứu thơ Đường Trung Quốc trong chương trình học Việt Nam nói chung. Qua đó, củng cố và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị tốt đẹp, sự hiểu biết lẫn nhau về văn hóa, văn học giữa nhân dân hai nước Trung Quốc và Việt Nam.