Ảnh hưởng của nội dung video trên Tiktok đến quyết định lựa chọn địa điểm du lịch của sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

Tổng quan

1. Nhu cầu thực tiễn

     “Internet trở thành quảng trường cho ngôi làng toàn cầu của tương lai”(Bill Gates, 2019). Và tương lai mà Bill Gates đã nói ngày nay đang thành sự thật: Mạng xã hội Internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, đặc biệt là với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số. Theo số liệu từ VNETWORK Safe & Saved – Trung tâm Ứng cứu và Bảo mật An ninh mạng cho biết, tính đến đầu năm 2023 Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% tổng dân số.

       Từ khi đại dịch Covid 19 bùng phát, nền kinh tế nước ta đối mặt với nhiều thách thức. Ngành du lịch – một ngành kinh tế mũi nhọn trong nước đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch Covid 19: rất nhiều chuyến bay bị hủy hoặc hoãn, số lượng khách du lịch giảm trầm trọng… Do đó, trong Hội nghị Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, báo chí của Bộ VHTTDL (25/6/2021), Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đã phát biểu: “Cần tăng cường hoạt động văn hóa và truyền thông mở rộng trong ngành văn hóa thể thao du lịch”. Trong đó, việc quảng bá hình ảnh du lịch trong nước cũng như ngoài nước không thể không kể đến vai trò của mạng xã hội, đặc biệt là mạng xã hội Tiktok. Chính thức ra mắt tại Việt Nam 2016, tính đến đầu tháng 2/2023 có khoảng 49.9 triệu người sử dụng Tik Tok. Đây là nền tảng được sử dụng rộng rãi với nội dung phong phú, Tiktok cũng cam kết gắn bó lâu dài với đất nước con người Việt Nam, hợp tác với Chính phủ để tôn vinh văn hóa, di sản Việt Nam, từ đó tạo mối quan tâm cho khách du lịch thông qua nền tảng video dạng ngắn của mình.

Nhận thấy sức hút và sức phổ biến của mạng xã hội Tiktok trong việc quảng bá du lịch và văn hóa địa phương, chúng tôi quyết định chọn đề tài nghiên cứu khoa học “Ảnh hưởng của nội dung video trên Tiktok đến quyết định lựa chọn địa điểm du lịch của sinh viên trường Đại học Ngoại Ngữ – ĐHQGHN” nhằm tìm hiểu những ảnh hưởng của Tiktok tới việc quyết định lựa chọn những địa điểm du lịch của sinh viên trường Đại học Ngoại Ngữ – ĐHQGHN; đồng thời đưa ra những kiến nghị trong công tác truyền thông của ngành du lịch.

2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan

Vấn đề về các nhân tố ảnh hưởng tới sự lựa chọn điểm đến du lịch cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều tác giả. Woodside and Lysonski (1989) cũng đã nghiên cứu và phát triển mô hình tiến trình lựa chọn điểm đến của khách tham quan du lịch dựa trên kết quả nghiên cứu đó là nhận thức và tâm lý hành vi dưới sự tác động của hoạt động Marketing du lịch và lữ hành. Các tác giả đã kết luận rằng một sản phẩm hay dịch vụ đều được khách hàng xem xét trong một thời gian nhất định trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Kết quả này chịu sự chi phối của các quảng cáo và hoạt động truyền thông media. Những nhân tố Marketing tác động  mạnh mẽ đến nhận thức của du khách khi họ trải qua giai đoạn tìm kiếm thông tin về điểm đến khi xuất hiện nhu cầu và mong muốn đi du lịch. Những thông tin này có thể tác động tích cực lẫn tiêu cực đến nhận thức về hình ảnh của một điểm đến hiện lên trong tâm trí của họ. Dựa vào mô hình này, các  nhà làm Marketing đánh giá được năng lực cạnh tranh của điểm đến và hiểu nguyên nhân vì sao du khách lựa chọn điểm đến này thay vì một điểm đến khác.

 Ở Việt Nam, đã có một số nghiên cứu đã được thực hiện nhưng phần lớn các nghiên cứu này chỉ tập trung phân tích năng lực cạnh tranh hay hình ảnh điểm đến của một địa phương mà chưa đi sâu khám phá đề tài những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến của khách du lịch.

Đến những năm gần đây, có một số nhà nghiên cứu trong nước đã quan tâm hơn đến những khách du lịch trẻ, thường là những người thuộc gen Z là những người thành thục kỹ năng sử dụng Internet, và do đó, họ thích khám phá thế giới bắt đầu từ lăng kính của Internet. Nghiên cứu “Xu hướng du lịch cá nhân hóa – tiền đề phát triển và khuyến nghị chiến lược” của Phạm Thị Thúy Nguyệt (2016) cũng chỉ ra thế hệ khách du lịch trẻ tiếp cận với các thiết bị kết nối thông minh và Internet từ rất sớm, hình thành xu hướng khai thác các công cụ trực tuyến để cá nhân hóa các nhu cầu trong chuyến đi; bên cạnh đó, sự nở rộ ra đời của các dịch vụ kèm các ứng dụng trên thiết bị di động… Tất cả hình thành một thị trường du lịch hết sức linh hoạt, sáng tạo và “thông minh”. 

Liên quan đến các nghiên cứu về ứng dụng di động, hiện tại đã có nhiều tác giả ở Việt Nam bước đầu quan tâm. Các nghiên cứu này đa phần đều khảo sát các đối tượng người tiêu dùng nói chung ở Việt Nam; một số nghiên cứu đã chú ý đến thị trường mới nổi là người tiêu dùng trẻ, trong đó có thế hệ Z, ví dụ, nghiên cứu “Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng thế hệ Z tại Việt Nam” của tác giả Tạ Văn Thành và Đặng Xuân Ơn (2021). Hiện nay, chưa có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của ứng dụng di động cụ thể là Tiktok đối sự lựa chọn điểm đến du lịch của khách du lịch thế hệ gen Z.

Như vậy, nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn điểm đến dành cho khách du lịch của thế hệ Z ở Việt Nam là một đề tài mới đối với không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp du lịch, mà còn cả với các nhà nghiên cứu khoa học.