Hiện tượng sử dụng từ Hán Việt chưa hợp lý trong dịch thuật tiểu thuyết mạng Trung Quốc

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

Tổng quan

  • 1. Nhu cầu thực tiễn

Trong những năm gần đây, tiểu thuyết mạng Trung Quốc được các bạn trẻ Việt Nam vô cùng yêu thích. Tiểu thuyết mạng Trung Quốc xuất hiện sớm nhất trên các blog với nhiều bản dịch, dần dần việc dịch tiểu thuyết mạng Trung Quốc trở thành trào lưu do sự nhiệt tình đón đọc của các bạn trẻ. Nhắc đến các bản dịch tự do, nhóm tác giả qua nghiên cứu, tìm tòi nhận thấy một vấn đề vô cùng phổ biến, đó là nhiều người dịch trong quá trình dịch thuật đã sử dụng các từ Hán Việt chưa phù hợp, thay vì sử dụng các từ thuần Việt có ý nghĩa tương tự. Hiện tượng này đã dẫn đến các lỗi sai trong dịch thuật từ Hán Việt mà người dịch thường xuyên mắc phải. Từ Hán Việt có ích cho việc dịch thuật Trung-Việt, tuy nhiên không phải từ tiếng Trung hiện đại nào cũng có từ tiếng Việt tương ứng. Trên thực tế, những sai sót trong quá trình dịch thuật này không phải là hiếm, thậm chí còn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng: làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Là người học đam mê với ngôn ngữ Trung Quốc, xuất phát từ những lý do trên, nhóm tác giả chọn phân tích, nghiên cứu lỗi dịch từ Hán Việt trong tiểu thuyết “Vụng trộm không thể giấu”.

2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan

Theo thời gian, từ Hán Việt đã trở thành một phần không thể thiếu của từ vựng tiếng Việt. Từ Hán Việt đóng vai trò rất quan trọng trong vốn từ tiếng Việt, bởi tỷ lệ sử dụng từ Hán Việt trong nhiều lĩnh vực lên tới 70%~80%. Đã có nhiều kết quả nghiên cứu tương đối phong phú và toàn diện về từ Hán Việt. Trước hết có thể nhắc đến ông Vương Lực, người đã có đóng góp tương đối lớn cho việc nghiên cứu từ Hán Việt. Trong cuốn “Nghiên cứu Từ Hán Việt”, ông chia quá trình phát triển của từ Hán Việt thành ba loại: “từ Hán Việt cổ”, “từ Hán Việt Việt hóa”, và “ từ Hán Việt”.

Ngoài ra còn có “Bàn về đặc điểm của từ Hán-Việt và ảnh hưởng của chúng đối với việc dịch từ Hán sang Việt và ngược lại” (2011) của Vương Quang Hòa và Đoàn Tố Quyên cho rằng sau khi từ Hán du nhập vào Việt Nam, một số từ vẫn giữ nguyên nghĩa, nhưng một số đã có sự mở rộng, thu nhỏ hoặc thay đổi ý nghĩa. Vì vậy, khi phiên dịch giữa tiếng Hán và tiếng Việt, cần phải hiểu sâu sắc về nghĩa và cách dùng của những từ Hán Việt này.

Nghiên cứu đối chiếu nghĩa của từ Hán Việt và từ Hán Việt của Lý Thu Trang (2017) chia từ Hán Việt trong “Từ điển tiếng Việt” thành hai loại từ: một là từ Hán Việt có từ Hán tương ứng, hai là từ Hán Việt không có từ Hán tương ứng. “Nghiên cứu so sánh từ loại giữa các từ Hán Việt có hai âm tiết và các từ Hán tương ứng của chúng” (2018) của Trương Duệ cho rằng điều quan trọng nhất là có thể sử dụng cả hai ngôn ngữ chính xác hơn và tránh việc sử dụng sai.

Bài nghiên cứu về “Kỹ thuật dịch Hán Việt từ góc độ ngữ pháp” của Liêu Vinh Dũng đã đề cập đến mối liên quan, các đặc điểm đặc thù về ngữ pháp của tiếng Hán và tiếng Việt nhằm tìm hiểu về tính hoạt dụng, sắc thái biểu thị khác nhau và tính phức tạp của một số hiện tượng ngữ pháp trong quá trình dịch Hán-Việt nhằm làm rõ ý nghĩa ngữ pháp, khả năng kết hợp, cách sử dụng một số hư từ và câu đặc biệt.

Khảo sát tần suất sử dụng tiếng Hán Việt cũng như những bất cập trong việc dùng từ Hán Việt trên truyền thông hiện nay, Lê Thị Bích Hồng đã chỉ ra hiện tượng mượn hình thức ngữ âm của từ Hán rồi thay đổi nghĩa, thu hẹp nghĩa, tạo thêm nghĩa mới cho từ Hán Việt được chuyển dịch. Đồng thời bà còn chỉ ra những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các lỗi sai khi dịch thuật từ Hán Việt.

“Nghiên cứu từ Hán Việt trong tiếng Việt” của Trương Vũ Ngọc Linh (2020) đã xem xét đặc điểm cấu tạo của từ Hán Việt và đặc điểm sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau, trên cơ sở đó phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng từ Hán Việt và dự đoán xu hướng phát triển của từ Hán Việt.

Hiện nay, trong giới học thuật đã xuất hiện nhiều lỗi dịch từ Hán Việt. Qua việc sưu tầm và nghiên cứu các bài báo đó, nhóm tác giả nhận thấy những thiếu sót và những nội dung có thể nghiên cứu thêm từ của các bài báo trên. Chi tiết như sau:

Đầu tiên, các nghiên cứu trước có phạm vi rộng và không đề cập đến bất kỳ lĩnh vực cụ thể nào. Luận văn của nhóm tác giả thu hẹp phạm vi nghiên cứu, đi sâu tìm hiểu một tiểu thuyết mạng của Trung Quốc có tên “Vụng trộm không thể giấu”.

Thứ hai, hầu hết các nghiên cứu trước đều chỉ nghiên cứu từ Hán Việt có từ Hán tương ứng, mà chưa nghiên cứu từ Hán Việt không có từ Hán tương ứng. Luận văn của nhóm tác giả nghiên cứu từ tiếng Hán Việt có từ Hán tương ứng, đồng thời nghiên cứu từ tiếng Hán Việt không có từ Hán tương ứng.

Thứ ba, đối tượng khảo sát của các nghiên cứu trước chưa được cụ thể. Còn đối tượng khảo sát chính của nhóm chúng tôi là sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội.

Các nghiên cứu trước đưa ra một phạm vi vấn đề quá rộng để cho phép phân tích sâu. Nhóm tác giả đã thu hẹp phạm vi nghiên cứu của luận văn này. Việc thu hẹp phạm vi nghiên cứu và ngữ liệu nghiên cứu hướng đến kết quả dịch thuật của giới trẻ giúp nhóm chúng tôi có cơ hội tiếp cận gần hơn với những lỗi dịch thuật mà giới trẻ thường mắc phải hiện nay. Đối với các ngữ liệu nghiên cứu trong báo cáo, nhóm tập trung chỉ ra những cách dùng từ chưa phù hợp trong một số tình huống giao tiếp trong đời sống hàng ngày, để người đọc nắm bắt tốt hơn những kiến thức học thuật mà báo cáo mang lại. Đồng thời, nghiên cứu này đã phân tích cụ thể hơn các biểu hiện khác nhau của lỗi dịch Hán Việt, giải thích sâu hơn, sửa đổi và rút ra kinh nghiệm tránh lỗi dịch sai các từ Hán Việt.

Báo cáo chỉ ra những điểm khác nhau giữa từ Hán Việt và từ dịch âm Hán Việt. Về vấn đề này, nhóm tác giả đã nghiên cứu thêm các tài liệu tham khảo có liên quan để phân biệt hai loại từ này và giá trị sử dụng của chúng trong tiếng Việt. Nhóm tác giả trích dẫn các lỗi dịch từ Hán Việt trong bản dịch tiếng Việt tiểu thuyết “Vụng trộm không thể giấu” được nghiên cứu trong báo cáo này, các lỗi dịch trên được chia thành 4 nhóm lỗi: lỗi liên quan đến nghĩa của từ, liên quan đến sắc thái cảm xúc của từ, lỗi từ loại và lỗi tự tạo từ Hán Việt. Sự thiếu hiểu biết của người dịch về từ dịch âm Hán Việt là nguyên nhân dẫn đến lỗi tự tạo từ Hán Việt. Đối với những từ Hán Việt xuất hiện trong từ điển tiếng Việt có giá trị tham khảo cao, bài viết so sánh từ loại và ý nghĩa của từ trong từ điển tiếng Hán và từ điển tiếng Việt, từ đó đưa ra kết luận liệu từ Hán Việt đó có thể được sử dụng trong ngữ cảnh đó hay không. Đối với những từ dịch âm Hán Việt không có trong từ điển tiếng Việt được báo cáo chỉ ra, nhóm tác giả đưa ra những đề xuất dịch và sửa đổi phù hợp dựa trên các định nghĩa mà từ điển tiếng Trung cung cấp.

3. Ý nghĩa khoa học

Nhận thức được hiện tượng sử dụng từ Hán Việt chưa hợp lý trong bản dịch tiếng Việt của các tiểu thuyết mạng Trung Quốc diễn ra ngày càng nhiều và mang đến những ảnh hưởng tiêu cực với việc sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ, chúng tôi đã quyết định thực hiện nghiên cứu này nhằm tìm ra những giải pháp để khắc phục những vấn đề đó. Những người dịch thuật tiểu thuyết mạng đa phần chưa được đào tạo về nghiệp vụ biên dịch, do đó việc mắc phải những lỗi sai là không thể tránh khỏi. Bài nghiên cứu này đã làm rõ các khái niệm liên quan đến từ Hán Việt và sử dụng từ Hán Việt. Đồng thời sàng lọc ra những từ Hán Việt được sử dụng chưa hợp lí và làm rõ nghĩa gốc, nghĩa Hán Việt cũng như đưa ra các đề xuất dịch hợp lí hơn. Điểm mới nhất trong bài nghiên cứu này so với những đề tài có liên quan là chúng tôi đã tiến hành giải thích và phân loại các từ Hán Việt sử dụng chưa hợp lí vào các nhóm lỗi khác nhau bao gồm: sai về nghĩa, sai về từ loại, sai về sắc thái tình cảm và lỗi dịch trực tiếp âm chữ Hán.