Nghiên cứu thực trạng giảm giá của đồng Yên từ năm 2022 đến nay và ảnh hưởng của xu hướng này tới người lao động Việt Nam tại Nhật Bản

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

Tổng quan

1. Nhu cầu thực tiễn

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đứng trước những cơ hội phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Trong thời kỳ nền kinh tế mở cửa như hiện nay, xuất khẩu lao động đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường lao động trong nước. Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), tính đến tháng 6 năm 2023, Việt Nam có hơn 712.600 người lao động đang làm việc theo hợp đồng trên hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 30 ngành, nghề khác nhau. Số lao động này hàng năm đã gửi về nước một lượng ngoại tệ lớn, đưa xuất khẩu lao động Việt Nam gia nhập nhóm ngành tỷ đô. Xuất khẩu lao động còn là công cụ chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài, giúp đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đồng thời củng cố quan hệ hợp tác quốc tế của Việt Nam với các nước trên thế giới. Hơn thế, việc lao động ở nước ngoài giúp người dân có được khoản thu nhập cao hơn so với làm việc trong nước, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người người lao động Việt Nam.

Trên thị trường xuất khẩu lao động, Nhật Bản luôn là quốc gia dẫn đầu về số lượng người lao động Việt Nam. Năm 2019 là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam có số lượng lao động ra nước ngoài vượt ngưỡng 100.000 lao động/năm. Theo số liệu thống kê của Cục lao động ngoài nước, tính riêng năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 142.779 người. Trong đó, Nhật Bản là thị trường số một tiếp nhận lao động Việt Nam với 67.295 người. Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 72.294 người và Nhật Bản vẫn tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động nhất với 34.508 người, chiếm 47,7% tổng số lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài. Ngoài ra, theo bà Ingrid Christensen – giám đốc ILO tại Việt Nam, qua thống kê, số lao động Việt Nam tại Nhật Bản rất lớn, chiếm tới 1/4 trên tổng số 1,82 triệu lao động nước ngoài tại Nhật Bản và trở thành lực lượng lao động nước ngoài đông nhất tại Nhật Bản.

Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, đồng Yên liên tục mất giá, giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, khiến hàng trăm nghìn người lao động Việt Nam tại Nhật Bản bị ảnh hưởng. Mặc dù họ phải làm việc vất vả nhưng số tiền kiếm được vẫn không xứng đáng với những nỗ lực và công sức mà họ đã bỏ ra. Do đó, họ không còn dự định tiếp tục gia hạn hợp đồng làm việc tại Nhật Bản mà mong muốn trở về nước. Điều này dẫn đến số lượng lao động Việt Nam tại Nhật Bản hiện nay dần có những thay đổi và thậm chí còn có thể dẫn đến cả sự thay đổi trong xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của người lao động Việt Nam liên quan đến thị trường Nhật Bản trong tương lai.

Việc hiểu được thực trạng suy giảm giá trị của đồng Yên và ảnh hưởng của xu hướng này tới người lao động Việt Nam tại Nhật Bản sẽ giúp dự đoán về sự biến động trong số lượng lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản trong tương lai và những sự thay đổi có thể xảy ra trong xu hướng lựa chọn việc làm của người lao động Việt Nam liên quan đến thị trường Nhật Bản, đồng thời giúp đề xuất các biện pháp giảm gánh nặng cho người lao động Việt Nam để họ có thể yên tâm và tiếp tục làm việc tại Nhật Bản.

2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan

  • Ở nước ngoài

Vào cuối năm 2022, tổ chức nghiên cứu Nhật Bản “The Japan Research Institute” có bài nghiên cứu về “Giải pháp của chính phủ Nhật trước bối cảnh đồng Yên giảm sâu kỷ lục”. Trong bài nghiên cứu có đề cập đến thực trạng đồng Yên giảm như thế nào so với đồng đô la Mỹ, song song với đó nhóm chuyên gia cũng chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản với Mỹ và đề xuất những biện pháp mà chính phủ Nhật cần thực hiện trước tình hình đồng Yên giảm giá trị thấp sau nhiều năm. Ngoài ra, trong bài nghiên cứu có đề cập đến một số ảnh hưởng khi đồng Yên giảm mạnh nhưng chủ yếu là ảnh hưởng đến thị trường ngoại tệ, vấn đề xuất nhập khẩu chứ không nhắc đến những ảnh hưởng tới đời sống và tâm lý, tinh thần của người lao động nước ngoài tại Nhật Bản.

Bên cạnh đó, tại các trang báo điện tử quốc gia của Nhật Bản như NHK có bài viết về “Những tác động và lợi ích ngày càng lan rộng do đồng Yên giảm sâu”. Nhóm phóng viên có phỏng vấn những lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản về những ảnh hưởng của việc đồng Yên giảm mạnh đến cuộc sống cá nhân. Cùng với đó là đề cập đến những lợi ích mà tình trạng này đem lại cho ngành du lịch Nhật Bản. Tuy nhiên, trong bài báo mới chỉ có đề cập đến nỗi trăn trở của người lao động khi gửi tiền về quê cho gia đình chứ chưa thực sự phỏng vấn đào sâu đến những khó khăn mà chính họ đang phải đối mặt hàng ngày để tiếp tục sinh sống và làm việc trên đất nước Nhật Bản trong giai đoạn khó khăn này.

  • Ở trong nước

Theo báo điện tử VTV với bài đăng “Đồng Yên mất giá, lao động Việt chật vật mưu sinh”, nhóm phóng viên đã thực hiện phỏng vấn các lao động Việt Nam về việc đồng Yên giảm sâu đã làm thay đổi cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của họ như thế nào. Thông qua cuộc phỏng vấn, người lao động Việt Nam cũng đã bày tỏ hết những nỗi trăn trở của mình về việc chi phí sinh hoạt, chi tiêu ngày càng tăng cao trong khi nhiều nơi không có chế độ tăng ca nên thu nhập bị hạn chế, Yên giảm nên rất lâu không thể gửi tiền về cho gia đình; và họ cũng mong muốn sớm có những biện pháp thay đổi, ổn định tỷ giá đồng Yên để họ có thể tiếp tục làm việc và thực hiện mục tiêu họ đã đặt ra sau khi từ Nhật Bản trở về. Trong bài có nhắc đến ý định muốn từ bỏ nước Nhật để về nước nếu tình hình này vẫn còn kéo dài, tuy nhiên bài phỏng vấn vẫn chưa thực sự tìm hiểm sâu đến những tác động tới tâm lý của người lao động trước tình hình khó khăn này.

Nhìn chung tất cả các bài báo nghiên cứu trên, mỗi bài đều có đề cập đến những khía cạnh khác nhau của đề tài nghiên cứu nhưng đều có điểm chung là chưa thực sự đào sâu vào những ảnh hưởng tới đời sống vật chất và đặc biệt là những tác động tới tâm lý, tinh thần của người lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Vậy nên, dựa trên kinh nghiệm của những bài nghiên cứu đó, chúng tôi sẽ nghiên cứu về thực trạng và nguyên nhân dẫn đến việc đồng Yên giảm giá trong 1 năm gần đây và tập trung nghiên cứu những ảnh hưởng của thực trạng này tới cuộc sống và tâm lý, tinh thần của người lao động Việt Nam tại Nhật Bản, sau đó đưa ra những dự đoán về số lượng lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong thời gian tới cũng như những thay đổi có thể

xảy ra trong xu hướng lựa chọn việc làm của người Việt Nam liên quan đến thị trường lao động Nhật Bản; và đưa ra một vài đề xuất để cải thiện tình hình khó khăn này.

3. Ý nghĩa khoa học

Tổng quát, nắm bắt được thực trạng và nguyên nhân của xu hướng giảm giá đồng Yên từ cuối năm 2022 đến nay. Bên cạnh đó, hiểu rõ được những ảnh hưởng của xu hướng này tới cuộc sống và tâm lý, tinh thần của người lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Hơn nữa, việc nghiên cứu đề tài này sẽ góp phần giúp nhóm nghiên cứu đưa ra những dự đoán về sự biến động trong số lượng người lao động Việt Nam tại Nhật Bản trong tương lai và những thay đổi có thể xảy ra trong xu hướng lựa chọn việc làm của người Việt Nam liên quan đến thị trường lao động Nhật Bản. Bên cạnh đó, việc hiểu được những ảnh hưởng của xu hướng này tới cuộc sống và tâm lý, tinh thần của người lao động Việt Nam tại Nhật Bản sẽ giúp nhóm nghiên cứu đề xuất được các biện pháp giúp giảm gánh nặng cho người lao động Việt Nam để họ có thể yên tâm và tiếp tục làm việc tại Nhật Bản.