Từ 1994, đường hướng dạy học tích hợp nội dung và ngôn ngữ (Content and Language Integrated Learning – CLIL) ngày càng trở nên phổ biến tại các trường học ở tất cả các bậc học trên khắp thế giới (Canado, 2012). Tại Việt Nam, CLIL được thể hiện trong nhiệm vụ 3 của Đề án Ngoại Ngữ Quốc gia 2020 và được miêu tả là một trong 7 đặc điểm của chương trình giáo dục Phổ thông Tiếng Anh 2018. Nhiều bộ sách Tiếng Anh mới tại Việt Nam đã bao gồm những tiết học CLIL trong đó, ví dụ bộ sách giáo khoa tiếng Anh Global Success hay bộ sách English Discovery (Pham, 2022). Sự phổ biến của tiết học CLIL tại chương trình tiếng Anh phổ thông tại Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết về đào tạo cho sinh viên sư phạm với đường hướng dạy học này. Là một trường đại học đứng đầu về đào tạo sư phạm ngoại ngữ tại Việt Nam, trường đại học Ngoại Ngữ, đại học Quốc gia Hà Nội đã chuẩn bị cho sinh viên sư phạm khoa Sư phạm Tiếng Anh với đường hướng dạy học CLIL; tuy nhiên, với sinh viên khóa QH.2019 đồng thời hiện là những sinh viên năm cuối chuẩn bị ra trường trở thành những thầy cô giáo tương lai, học phần về CLIL chỉ được giới hạn trong 1 tuần học của môn ELT 1 (Lý luận giảng dạy Tiếng Anh) ở kỳ 1 năm 3. Vì vậy, nhà nghiên cứu thấy việc nghiên cứu sự chuẩn bị của sinh viên năm cuối với đường hướng dạy học CLIL là vô cùng quan trọng vì nó sẽ đóng góp trực tiếp vào chương trình đào tạo sư phạm các khóa sau của trường. Để nghiên cứu về sự chuẩn bị của sinh viên sư phạm Anh với CLIL, nhà nghiên cứu sẽ đánh giá trên 3 khía cạnh: Năng lực giảng dạy CLIL của sinh viên, nhu cầu được đào tạo thêm của sinh viên với CLIL và đề xuất của sinh viên với chương trình đào tạo sinh viên với CLIL.