“Chiến lược Cool Japan ở Nhật Bản và kinh nghiệm phát triển thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa cho Việt Nam”

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành cao, không chỉ đơn thuần là các lĩnh vực dịch vụ như lưu trú khách sạn, dịch vụ lữ hành (chương trình du lịch, hướng dẫn du lịch…) mà còn cần kết nối với các ngành nghề liên quan như giao thông, ăn uống, thương mại… để tạo ra sản phẩm du lịch. Theo nghiên cứu Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), năm 2019, trước khi dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, ngành du lịch đóng góp gần 9,2 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế thế giới và 10,3% vào GDP toàn cầu, chiếm 1/4 tổng số việc làm mới được tạo ra trên toàn thế giới. Nhằm phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí ngày càng cao của con người, các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng và phong phú, trong đó, sản phẩm du lịch văn hóa là sản phẩm được các quốc gia chú trọng đầu tư và phát triển mạnh mẽ. Chẳng hạn như: năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã phê duyệt “Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa”; năm 2015, Thái Lan triển khai chiến dịch Discover Thainess nhằm giới thiệu đến du khách những văn hóa đặc sắc, đậm chất riêng của đất nước và con người Thái Lan; Hàn Quốc và Nhật Bản sử dụng thế mạnh về điện ảnh và âm nhạc như một công cụ để quảng bá văn hóa đất nước thông qua chiến lược Hallyu – Làn sóng Hàn Quốc (năm 1999) và Cool Japan – Nhật Bản thú vị (năm 2012), thu hút số lượng lớn du khách quốc tế đến với hai quốc gia này. Trước tình hình văn hóa nói chung và du lịch văn hóa nói riêng ngày càng được chú trọng phát triển vào việc quảng bá quốc gia và phát triển kinh tế du lịch, việc nghiên cứu chuyên sâu về đề tài “Chiến lược Cool Japan ở Nhật Bản và kinh nghiệm phát triển thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa cho Việt Nam” mang tính cấp thiết bởi những lý do sau: Thứ nhất, văn hóa là một sản phẩm do con người tạo ra, có ảnh hưởng trên mọi lĩnh vực của đời sống, nhằm đáp ứng nhu cầu về tinh thần của con người. Trong quá trình tồn tại, con người không chỉ cần những sản phẩm vật chất mà còn cần được đáp ứng nhu cầu về các sản phẩm văn hóa để tái tạo năng lượng tinh thần phục vụ cho hoạt động sản xuất ra của cải vật chất. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc với điều kiện tồn tại và phát triển khác nhau, đã tự xây dựng lên những giá trị văn hóa phù hợp với bản thân, mang nét riêng và đậm đà bản sắc, không một quốc gia, dân tộc nào có thể nhầm lẫn được. Vì vậy, các thành tố của văn hóa như di sản, nghề thủ công, điện ảnh, âm nhạc … chính là những chất liệu hữu ích để tạo dựng hình ảnh và thương hiệu đất nước Việt Nam tươi đẹp, giàu truyền thống văn hóa, mang bản sắc độc đáo, thu hút và hấp dẫn đối với cộng đồng quốc tế. Thứ hai, các chuyên gia đã dự đoán rằng du lịch văn hóa sẽ có sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Theo ước tính của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch văn hóa sẽ chiếm gần 40% hoạt động du lịch toàn cầu với tốc độ tăng trưởng là 15%/năm [80, tr.74]; theo báo cáo năm 2009 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), 50% hoạt động du lịch tại Châu Âu và châu Mỹ là có liên quan đến văn hóa [80, tr.74]. Vì vậy, việc đẩy mạnh hoạt động du lịch văn hóa chính là xu thế phát triển của ngành du lịch thế giới. Du lịch văn hóa chính là sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khách du lịch cả trong và ngoài nước. Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa không chỉ góp phần thu hút, đáp ứng nhu cầu của du khách mà còn giúp lan tỏa những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Thứ ba, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng và có khả năng phát triển mạnh loại hình du lịch văn hóa. Về di sản văn hóa vật thể, tính đến năm 2022, Việt Nam có 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới được UNESCO ghi danh, 3.591 di tích xếp hạng di tích quốc gia và 123 di tích xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Về di sản văn hóa phi vật thể, Việt Nam có 14 di sản được UNESCO công nhận (bao gồm 13 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách đại diện của nhân loại và 01 di sản văn hóa phi vật thể trong danh sách cần bảo vệ khẩn cấp), 416 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (bao gồm các lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống, ngôn ngữ…). Chính nguồn tài nguyên về du lịch văn hóa đồ sộ và đặc sắc là tiềm năng để Việt Nam xây dựng thương hiệu quốc gia gắn với văn hóa, tạo nên sự khác biệt và hấp dẫn cho những sản phẩm du lịch mang thương hiệu Việt Nam, thu hút sự quan tâm lớn của du khách quốc tế. Thứ tư, trên thế giới, nhiều quốc gia đã nắm bắt xu hướng phát triển dựa trên nền tảng văn hóa đặc sắc của dân tộc. Điều này không chỉ đem đến lợi nhuận khổng lồ cho quốc gia mà còn góp phần tạo ra những ảnh hưởng của quốc gia đó trong khu vực và trên phạm vi thế giới. Trong số các quốc gia đó, chúng tôi muốn nhấn mạnh trường hợp của Nhật Bản. Từ năm 2012, nước này đã thực hiện chiến lược Cool Japan chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực văn hóa khác nhau của Nhật Bản như truyện tranh, phim ảnh, thời trang, ẩm thực. Chiến lược này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Chẳng hạn, tổng doanh thu của ngành công ngiệp phim hoạt hình anime từ năm 2000 đến 2015 luôn chiếm khoảng 4 – 5% GDP của nước này [18]. Không những vậy, chiến lược Cool Japan còn góp phần khiến cho các yếu tố văn hóa của Nhật Bản như “manga”, “anime”, “sushi”, v.v trở thành các hiện tượng văn hóa phổ biến toàn cầu, khẳng định vị thế của con người và đất nước Nhật Bản trên thế giới. Vì những lý do trên, việc nghiên cứu chiến lược Cool Japan và ảnh hưởng của nó đến thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn.