So sánh câu bị động trong tiếng Nhật và tiếng Việt – Thực trạng sử dụng câu bị động tiếng Nhật của sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/9/1973, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được củng cố và phát triển với nội dung hợp tác ngày càng sâu rộng, tích cực, toàn diện, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, Nhật Bản là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu trên thế giới. Để có thể học tập, tăng cường hội nhập giữa hai quốc gia trong tình hình thế giới phát triển cũng như xu thế toàn cầu hóa vẫn đang trên đà mở rộng như hiện nay, việc học tập và trao đổi giữa hai ngôn ngữ Nhật – Việt là điều kiện không thể thiếu. Theo số liệu báo cáo nhanh của Quỹ giao lưu Quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation – một cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản) năm 2018, số lượng người học tiếng Nhật tại Việt Nam lên tới gần 175.000 người, đứng thứ sáu trên thế giới, sau Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Úc và Thái Lan. Số cơ sở đào tạo tiếng Nhật tại Việt Nam cũng tăng 26 lần sau 20 năm kể từ năm 1998. Có thể khẳng định rằng, nhu cầu học tiếng Nhật tại Việt Nam đang ngày càng mạnh mẽ. Xét về văn hóa và phong tục tập quán, trong khu vực châu Á, Nhật Bản và Việt
Nam có nhiều điểm tương đồng. Xét về hệ ngôn ngữ, tuy Việt Nam hiện đang sử dụng
hệ chữ Latinh, Nhật Bản sử dụng hệ thống chữ tượng hình, song bởi những ảnh hưởng
của Trung Quốc, tiếng Việt và tiếng Nhật vẫn tồn tại những nét tương đồng, đem đến
những thuận lợi nhất định cho người Việt học tiếng Nhật và ngược lại. Tuy nhiên, trong quá trình học ngoại ngữ nói chung và học tiếng Nhật nói riêng, người học không thể tránh khỏi những khó khăn nhất định trong việc nắm bắt những đặc trưng về từ vựng, ngữ âm,… trong ngôn ngữ cũng như sử dụng một cách chính xác và hiệu quả. Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đó là nắm được những đặc trưng về mặt ngữ pháp trong tiếng Nhật. Thực tế cho thấy, “câu bị động” trong tiếng Nhật đối với người Việt học tiếng Nhật là một vấn đề phức tạp dù đã được đưa vào giảng dạy ở trình độ sơ cấp. Song, đặc biệt là với sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), do đặc thù chương trình đào tạo chuyên sâu về giảng dạy và ngôn ngữ học tiếng Nhật, đòi hỏi sinh viên cần có kiến thức chuyên ngành rõ ràng hơn. Bên cạnh kiến thức về câu bị động tiếng Nhật và tiếng Việt, sinh viên cũng cần trang bị những kiến thức chuyên sâu hơn về sự tương đồng và khác biệt trong câu bị động giữa hai ngôn ngữ, cũng như nắm được cách sử dụng chính xác, tránh được những lỗi sai về bản chất và ngữ cảnh sử dụng và trang bị được phương pháp học tập hữu ích để đạt hiệu quả cao nhất. Xuất phát từ những thực tế trên, chúng tôi đã quyết định lựa chọn “So sánh câu bị động trong tiếng Nhật và tiếng Việt – Thực trạng sử dụng câu bị động tiếng Nhật của sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, trường Đại học Ngoại ngữ –
ĐHQGHN” làm đề tài cho bài nghiên cứu.