Quán dụng ngữ trong tiếng Trung được không chỉ được sử dụng phổ biến trong giao tiếp, nó còn xuất hiện trong văn bản dưới các hình thức như tiểu thuyết, phim ảnh, báo chí. Mặc dù vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về giá trị của quán dụng ngữ, nhưng cũng không thể phủ nhận một thực tế là phạm vi sử dụng của nó ngày càng mở rộng. Việc học quán dụng ngữ sẽ giúp sinh viên hiểu được văn hóa của người Trung Quốc cũng như học được cách tư duy trong tiếng Hán, tính độc đáo và nghĩa chỉnh thể trong quán dụng ngữ cũng làm tăng thêm sự hứng thú của sinh viên với tiếng Trung, đặc biệt có thể giúp người học thành thạo và nâng cao trình độ sử dụng tiếng Trung. Tuy nhiên việc giảng dạy về quán dụng ngữ ở trường, ở lớp chưa thực sự được chú trọng, bằng chứng thực tế đó là số lượng quán dụng ngữ xuất hiện trong giáo trình giảng dạy là rất ít.
Chúng tôi đã đặt ra câu hỏi: Liệu sinh viên đang học ngôn ngữ Trung tại Việt Nam có hiểu biết nhiều về quán dụng ngữ hay không? Trong trường hợp trong các giáo trình ít xuất hiện quán dụng ngữ cùng với việc giảng dạy quán dụng ngữ không quá chú trọng như vậy, liệu mức độ hiểu biết của sinh viên về quán dụng ngữ là không được khả quan hay kết quả lại hoàn toàn ngược lại? Từ câu hỏi này, chúng tôi đã suy nghĩ đến việc làm một đề tài khảo sát với đối tượng là sinh viên đang học tiếng Trung tại Việt Nam, cụ thể tại một trường đại học trên địa bàn Hà Nội, nhằm hiểu rõ hơn tình hình học quán dụng ngữ của sinh viên.
2 cuốn từ điển “Từ điển quán dụng ngữ tiếng Trung” do Trần Quang Lỗi chủ biên và “Từ điển quán dụng ngữ thông dụng” (bản Từ Hải) là những cuốn từ điển tập hợp các quán dụng ngữ trong tiếng Trung. Trong vô vàn các quán dụng ngữ, chúng tôi cảm thấy hứng thú với quán dụng ngữ với từ “吃”, tiếng việt từ này nghĩa là ăn. Văn hóa ăn uống từ xưa đã có sức ảnh hưởng vô cùng sâu sắc tại Trung Quốc, thậm chí còn ảnh hưởng đến văn hóa và đời sống của người dân ngày nay. Ngoài ra, chúng tôi cũng phát hiện trong hệ thống quán dụng ngữ, “吃” khi kết hợp với những từ ngữ khác nhau sẽ mang ý nghĩa khác nhau. Cho nên, thay vì giống như các bài nghiên cứu đi trước chọn đối tượng nghiên cứu là quán dụng ngữ, chúng tôi quyết định lựa chọn một phạm vi hẹp hơn là quán dụng ngữ với chữ “吃”.