Thành viên tham gian: Trần Huy Huy, Bùi Thị Hoài, Vũ Anh Tuấn, Vũ Quỳnh Nga
Giảng viên hướng dẫn: Ths. Nguyễn Tuấn Đạt
Trầm cảm là chứng rối loạn tâm lý gây ra cảm giác buồn bã và mất hứng thú làm việc. Trầm cảm học đường do áp lực của học sinh, sinh viên về thành tích, về gia đình lâu ngày tích tụ mà thành. Đặc biệt thời gian gần đây, các bệnh viện cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể của bệnh nhân trầm cảm trẻ tuổi, đa số là học sinh, sinh viên. Việc thường xuyên gặp áp lực học hành thi cử cũng như sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ là 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ hóa bệnh trầm cảm ở Việt Nam hiện nay. Theo thống kê của bệnh viện tâm thần trung ương thì trong tổng số 5.000 người có biểu hiện bất bình thường đến khám, tư vấn thì có đến 30% là học sinh, sinh viên. Còn theo điều tra của bệnh viện nhi TW tại một số trường học thì cũng có tới 20% học sinh có biểu hiện lo lắng, rối loạn tâm trí, hay còn gọi là trầm cảm. Và các con số này đều có xu hướng tăng thêm theo thời gian. Còn theo một cuộc khảo sát trên 1.727 học sinh THCS tại hà nội thì có 25.76% học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Và 20,65% học sinh lớp 1 có lo âu học đường ở mức độ vừa, trong đó tình huống kiểm tra kiến thức trên lớp học là nguyên nhân lớn nhất. Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8-29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần nói chung. Ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về tâm lý. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết. Để góp phần giảm thiểu những con số ước tính đáng báo động này, chúng tôi xin đề xuất dự án PNP – [Person not Perfect] nhằm giúp người dùng, đặc biệt là tâm trạng của những bạn học sinh, sinh viên trở nên thoải mái hơn.
Dự án PNP có mục đích tạo một app cùng nhiều tính năng mới mẻ và ưu việt với mong muốn có thể giải quyết được vấn đề thanh thiếu niên ngày nay – genZ, ngày càng có nhiều áp lực, dễ có cảm xúc tiêu cực và đặc biệt là trầm cảm. App đưa ra những phương pháp tối ưu, dễ sử dụng cho người dùng, nhằm giảm thiểu những căng thẳng mà các bạn gặp phải hàng ngày, đồng thời, tạo một diễn đàn để các bạn có thể chia sẻ cùng nhau.
– Đối tượng hướng tới: Học sinh, sinh viên – những người đã, đang và có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.
– Định vị thị trường: Học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội.
– Tính đổi mới và sáng tạo của dự án: Điểm khác biệt của dự án là tính tiện dụng và ưu việt của các tính năng trong nền tảng ứng dụng. Đây là một nơi vừa để những người có chung hoàn cảnh cùng nhau tâm sự chia sẻ, giải tỏa căng thẳng, vừa là một nơi giúp giải quyết các vấn đề tâm lý một cách nhanh chóng và tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với việc phải đến các cơ sở chữa trị, tư vấn tâm lý sử dụng các các phương pháp truyền thống.
– Mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của dự án:
+ Mục tiêu 1 – 3 năm: Trở thành một nơi đáng tin cậy giúp học sinh, sinh viên –
những người sắp hoặc đang mắc trầm cảm giải tỏa áp lực và chia sẻ những vấn đề của bản thân.
+ Mục tiêu 5 năm trở lên: Phát triển ra ngoài khu vực, trở thành một nền tảng nhiều người tìm đến để giải quyết các vấn đề tâm lý không chỉ học sinh, sinh viên mà là còn dành cho tất cả mọi người những người mà sắp và đang đối diện với căn bệnh trầm cảm.
App có 4 chức năng chính:
1. Sleep: Tính năng này gồm 3 tiện ích giúp người dùng có thể ngủ ngon giấc:
– Tiện ích thứ nhất: Đưa ra một số bài tập nhẹ nhàng giúp giải tỏa căng thẳng, lo lắng bao gồm: ngồi thiền, hít thở, yoga, thái cực quyền trong vòng 10- 15p giúp điều hòa nhịp thở, thả lỏng cơ khiến cho đầu óc cảm thấy nhẹ nhàng. Hỗ trợ cho việc chúng ta có thể tập trung ngủ hơn mà không bị quấy rầy bởi những cảm xúc, suy nghĩ xảy ra trong ngày.
– Tiện ích thứ hai: Tạo ra như một thư viện với nhiều mẩu chuyện ngắn đa dạng thể loại kết hợp với một số luồng sáng ấm áp như màu vàng, cam, đỏ nhạt, hồng trên trang sách giúp thư giãn và sản sinh ra nhiều Melatonin (Hormone giúp cân bằng chu kỳ ngày và đêm cho cơ thể) khiến chúng ta có một giấc ngủ ngon.
– Tiện ích thứ ba: Bên cạnh đọc sách, người sử dụng còn được nghe book review, audio kể chuyện,.. với giọng đọc truyền cảm, người dùng sẽ thấy
thoải mái, bớt mệt mỏi hơn, từ đó có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ.
2. Music
Tính năng Music cũng giúp cơ thể trở nên thư giãn hơn bằng việc tập trung vào việc cho người dùng nghe nhạc với đa dạng thể loại: nhạc nhẹ, nhạc không lời, âm thanh tần số thấp (sóng alpha, beta, delta,…) những âm thanh tự nhiên (tiếng suối, tiếng mưa rơi, tiếng lửa cháy,..). Sử dụng những âm thanh này giúp người sử dụng app trở nên thoải mái, dễ chịu, tập trung hơn, đồng thời cũng giúp chìm vào giấc ngủ một cách hiệu quả.
3. Mood diary
Với tính năng Mood diary, người sử dụng có thể viết tâm trạng, suy nghĩ của mình về những điều đã trải qua trong một ngày cho dù đó là cảm xúc vui, buồn, chán, ghét, giận hờn ra sao. Điểm đặc biệt của tính năng đó là người dùng sẽ chọn ngày mình muốn viết nhật ký trên lịch, sau đó lựa chọn màu sắc phù hợp với cảm xúc hôm đó và có thể bắt đầu bộc bạch tâm sự. Khi viết xong, người sử dụng có thể ấn lưu để đọc lại nếu muốn.
Ở tính năng này, app sẽ có một bảng phân tích về tâm trạng của người dùng sau một tháng dựa trên tâm lý học màu sắc (dựa trên những màu sắc của người dùng đã chọn cho ngày hôm đó). Bảng phân tích này sẽ được tổng hợp và đưa ra cho người dùng nhìn nhận lại một tháng của mình.
4. Conversations: Tính năng này gồm 3 tiện ích:
– Tiện ích thứ nhất: App hướng tới xây dựng như một phòng tâm sự trực tuyến (mỗi phòng sẽ có một Host – người đưa ra những lời khuyên về các vấn đề mà những người tham gia mắc phải) để người dùng có thể nhận được những sự chia sẻ và đồng cảm từ người chủ phòng và chính những người tham gia. Bên cạnh đó, chính họ cũng có thể lắng nghe tâm sự của những người dùng khác. Đây hoàn toàn là nơi để họ có thể giãi bày cùng
nhau.
– Tiện ích thứ hai: Bên cạnh phòng tâm sự trực tuyến, App cũng xây dựng một nơi riêng tư để người dùng có thể cùng tâm sự với nhau bằng các hình thức như gọi hoặc nhắn tin, từ đó giúp họ giãi bày về những vấn đề của bản thân mình trong trường hợp họ không muốn quá nhiều người biết.
– Tiện ích thứ ba: App tạo ra một nút khẩn cấp (SOS) nếu người dùng thực sự trong trạng thái hoảng loạn, suy sụp, tuyệt vọng. Khi người dùng ấp vào núp này, một chuyên gia tâm lý sẽ ngay lập tức liên hệ cho bạn. Người đó sẽ lắng nghe câu chuyện, đưa ra các biện pháp xử lý và các cách giải quyết với vấn đề mà bạn đang gặp phải một cách chi tiết nhất. Tuy nhiên, tính năng này người dùng sẽ phải trả một khoản phí nhỏ mỗi lần liên hệ với chuyên gia, hoặc người dùng có thể đăng ký gói nâng cấp để được nhận ưu đãi vô hạn với tiện ích này.