Thành viên dự án: Nguyễn Minh Hiếu, Hoàng Thị Thúy Hằng, Chu Ngọc Lan, Phạm Lê Hoàng Yến, Nguyễn Thị Đào
Giảng viên hướng dẫn: Ts. Nguyễn Thị Minh
Trong quá trình hình thành và phát triển của xã hội, ngôn ngữ cũng là một trong những yếu tố có mối quan hệ chặt chẽ với xã hội và bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của xã hội đó. Ở Trung Quốc, kể từ khi thực hiện chính sách cải cách mở cửa, tăng cường giao lưu và trao đổi quốc tế, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu đáng nể về kinh tế, tình hình chính trị, xã hội ổn định. Trung Quốc đã tham gia bình thường hóa quan hệ và đi đến hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới, điều đó đồng nghĩa với việc tiếng Trung đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh – một “phương tiện giao tiếp” chung của mọi quốc gia trên thế giới. Trải qua sự giao lưu, trao đổi và giao thương với các ngôn ngữ nước ngoài hay các nền văn hóa khác nhau, từ ngoại lai đã xuất hiện và ngày càng được mọi người sử dụng nhiều trong giao tiếp hằng ngày.
Trên cơ sở các bài nghiên cứu về từ ngoại lai có nguồn gốc từ tiếng Anh trong tiếng Trung, bài nghiên cứu này sẽ giới thiệu và bàn luận về định nghĩa từ ngoại lai theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp, sau đó chỉ ra các phương pháp dịch từ ngoại lai thường gặp trong tiếng Trung như: dịch âm, dịch nghĩa, dịch kết hợp âm và nghĩa. Bài nghiên cứu sau đó sẽ phân tích và đưa ra các nguyên tắc cơ bản trong việc chuyển dịch các từ ngoại lai sang tiếng Trung. Cuối cùng, bài nghiên cứu bàn luận về sự ảnh hưởng của việc “Trung hóa” các từ ngoại lai có nguồn gốc từ tiếng Anh đến vốn từ vựng tiếng Trung Quốc.