So sánh hình ảnh thiên nhiên trong tập thơ “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi và tập thơ “Oku no hosomichi” (Tạm dịch “Nẻo đường sâu thẳm lên miền Oku”) của Matsuo Basho

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

Thành viên dự án: Cao Hồng Nga, Nguyễn Thị Hương Quỳnh, Dương Quỳnh Mai, Nguyễn Thị Khánh Ngọc, Nguyễn Thị Thanh Thương
Giảng viên hướng dẫn: Ths. Hoàng Thu Trang

Nói đến thơ ca Nhật Bản, người ta nghĩ ngay đến Matsuo Basho – nhà thơ lớn nhất mọi thời của xứ sở Phù Tang, người đã đưa thể thơ Haiku lên đến đỉnh cao…Ở Việt Nam tên tuổi Basho đã được nhiều người biết đến, nhưng người ta thường nghĩ về ông như một thiền sư và tuy có biết thơ Haiku của ông là có giá trị nhưng đại đa số đều cho là rất khó hiểu và xa lạ. Đồng thời do vấn đề chuyển ngữ mà nhiều bài dịch thơ của ông đã trở nên ngô nghê hoặc bí hiểm như một công án. Tuy nhiên tìm hiểu kĩ về ông chúng ta thấy, Basho là một nhà thơ phương Đông, một nhà thơ gắn liền với thời đại mà ông sống, vì thế nếu nhìn từ văn học Việt Nam thì thấy hồn thơ của ông cũng rất gần gũi với những nhà thơ lớn của chúng ta, nhất là với Nguyễn Trãi. Ngược lại nhìn Nguyễn Trãi qua cái nhìn đối sánh với Basho chúng ta cũng phát hiện ra nhiều điểm mới lạ. Thoạt nhìn Basho, Nguyễn Trãi người ta nghĩ hai ông dường như chẳng có gì giống nhau, ngoài chuyện cả hai đều là những nhà thơ hàng đầu trong nền văn học cổ điển của mỗi dân tộc. Quả là có như vậy. Basho xuất thân là một võ sĩ, lớn lên không làm nghề gì nhất định, sống gần như một tu sĩ Thiền tông, cuối đời lang thang du hành khắp Nhật Bản. Còn Nguyễn Trãi là người anh hùng cứu quốc của dân tộc Việt Nam, là quân sư của Lê Lợi, là quan đầu triều thời Lê sơ. Basho chịu ảnh hưởng sâu sắc Thiền tông, còn Nguyễn Trãi thì Nho-Lão. Về thơ, Basho làm thơ Haiku, Nguyễn Trãi làm thơ chữ Hán, thơ thất ngôn xen lục ngôn – mỗi một thể thơ lại có những nguyên tắc mĩ học rất khác nhau v.v. và v.v. Chúng ta có thể tìm thấy vô số những điều khác nhau giữa ba nhà thơ Nhật Bản và Việt Nam này, nhưng đằng sau những dị biệt đó, chúng ta lại thấy từ trong thẳm sâu những hồn thơ giống nhau một cách kì lạ.

Thông qua đề tài này chúng tôi muốn đóng góp các công trình nghiên cứu về hai nhà thơ lớn của Việt Nam và Nhật Bản là Nguyễn Trãi và Basho, cụ thể là so sánh sự đồng điệu và điểm riêng biệt trong tâm hồn của hai nhà thơ đối với thiên nhiên.